Dòng sự kiện:
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm
12/12/2017 16:19:46
Đó là nhận định của Bộ Tài chính trong báo cáo công tác 11 tháng của năm 2017. Điều này cũng có nghĩa là công tác này của năm 2017 hầu như khó đạt được kế hoạch đã được Chính phủ phê duyệt cho cả năm.

Bộ Tài chính cho biết, trong 11 tháng đầu năm 2017 đã có 39 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị thực tế là 81.084 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 20.941 tỷ đồng. Tổng vốn điều lệ là 25.959 tỷ đồng.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính nhìn nhận, việc triển khai cổ phần hóa trong 11 tháng đầu năm 2017 còn chậm, chưa đạt được kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Công văn số 991/TTg-ĐMDN (hoàn thành việc bán cổ phần lần đầu) làm ảnh hưởng đến quá trình cơ cấu lại DNNN nói chung và chưa đáp ứng được yêu cầu của Quốc hội giao Chính phủ về sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn chuyển về ngân sách nhà nước.

Có 9 doanh nghiệp thực hiện bán cổ phần lần đầu, gồm: Tổng công ty ĐTPT đô thị và khu công nghiệp (IDICO); Tổng công ty Thương mại và xuất nhập khẩu Thanh Lễ; Công ty TNHH MTV nước giải khát Sanest Khánh Hòa; Công ty TNHH MTV Việt Trung (Quảng Bình); Công ty TNHH MTV Lệ Ninh Quảng Bình; Công ty TNHH MTV Du lịch - thương mại Kiên Giang; Công ty TNHH MTV Trường Thành (Bộ Quốc phòng); Công ty TNHH MTV 145 (Bộ Quốc phòng); Công ty TNHH MTV 532 (TCT Trường Sơn). Kết quả bán đấu giá cổ phần lần đầu của 9 doanh nghiệp này thu được 1.821 tỷ đồng.

Về thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp: 11 tháng đầu năm 2017 có 9 đơn vị thực hiện thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tổng giá trị vốn nhà nước của 9 doanh nghiệp thoái là 82,080 tỷ đồng, thu về 104,811 tỷ đồng. Về thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty tại các doanh nghiệp: Trong tháng 11, các đơn vị đã thoái được 455 tỷ đồng, thu về 9.072 tỷ đồng (riêng thoái 257 tỷ đồng vốn tại Vinamilk trong tháng 11/2017, thu về 8.733 tỷ đồng). Lũy kế 11 tháng đầu năm 2017, các đơn vị đã thoái được 3.874 tỷ đồng, thu về 24.586 tỷ đồng (bao gồm cả các khoản thoái vốn trong năm 2016 các đơn vị mới báo cáo trong 11 tháng đầu năm 2017).

Việc chậm trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã gây sức ép cho năm 2018. Theo Quyết định số 991/TTg-ĐMDN của Thủ tướng Chính phủ, năm 2018 sẽ có 64 doanh nghiệp cổ phần hóa. Trong đó có một số tổng công ty có giá trị vốn rất lớn như: Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tổng công ty Phát điện 1, 2; Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị; Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà Hà Nội... Đây là một kế hoạch không dễ thực hiện. Bên cạnh đó, lượng “hàng tồn kho” từ kế hoạch được phê duyệt trong giai đoạn 2011 - 2016 và năm 2017 chuyển sang còn nhiều.

Tương tự, với thoái vốn, theo Quyết định 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, năm 2018 sẽ thực hiện thoái vốn tại 181 doanh nghiệp, nghĩa là mỗi tháng phải thoái vốn tại hơn 15 doanh nghiệp, chưa kể số lượng doanh nghiệp thoái vốn tại Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thực hiện theo kế hoạch riêng. Như vậy, lượng vốn nhà nước được bán ra thị trường rất lớn. 

Theo Báo Công thương

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến