Dòng sự kiện:
Cổ phiếu bảo hiểm nổi sóng nhẹ, vì đâu?
05/06/2024 13:51:17
Vượt qua nhiều biến cố trong những tháng cuối năm ngoái và đầu năm nay, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ đã ổn định trở lại, nhiều doanh nghiệp niêm yết nhóm này còn ghi dấu ấn với những lối đi mới.

Tìm lối đi mới

Chia sẻ với phóng viên Đầu tư Chứng khoán, đại diện PJICO (mã PGI) cho biết, 5 tháng đầu năm, doanh thu phí bảo hiểm gốc của Công ty ước tăng trưởng 6,4%, đạt khoảng 1.750 tỷ đồng. Năm 2024, Công ty đặt kế hoạch doanh thu 4.768 tỷ đồng; trong đó, doanh thu bảo hiểm gốc là 4.024 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 288,8 tỷ đồng.

PJICO đang tiếp tục chuyển đổi số toàn diện, trong đó tập trung tối ưu hoạt động kinh doanh khai thác, bồi thường, chủ động rà soát, phân tích đa chiều dữ liệu kinh doanh, xác định nguyên nhân tăng - giảm tỷ trọng từng nghiệp vụ, từng nhóm khách hàng. Từ đó, đề ra giải pháp tái cơ cấu các sản phẩm chủ lực, tối đa hóa doanh thu, lợi nhuận và nâng cao khả năng cạnh tranh.

Tại Hội nghị đầu tư cuối tuần qua, nói về triển vọng phát triển của Công ty trong thời gian tới, Ban lãnh đạo Công ty cổ phần PVI (PVI Holdings, mã PVI) cho biết, Công ty có lợi thế vượt trội trong việc gia tăng hợp tác với các đối tác lớn trong và ngoài nước nhờ duy trì danh mục đầu tư an toàn, thanh khoản và năng lực tái bảo hiểm vững mạnh. PVI Holdings có 2 công ty con là Tổng công ty Bảo hiểm PVI (hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ) và Hanoi Re (hoạt động trong lĩnh vực tái bảo hiểm).

PVI Holdings kỳ vọng thu về mức lợi nhuận tái bảo hiểm cao, qua đó giữ vững vị thế dẫn đầu trên thị trường ở các lĩnh vực kinh doanh thương mại và công nghiệp.

Về kết quả kinh doanh hợp nhất, quý I/2024, PVI Holdings ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.478 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 446 tỷ đồng, lần lượt tăng 50% và 40% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Nguyễn Xuân Hòa, CEO PVI Holdings cho biết, kế hoạch thoái vốn tại PVI của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) dự kiến hoàn tất năm 2025. Kế hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, dự kiến triển khai trong giai đoạn 2024-2025. Hiện PVN đang sở hữu 35% vốn tại Bảo hiểm PVI, tương đương gần 82 triệu cổ phiếu. 

Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (mã PTI) vừa công bố kế hoạch tăng vốn thông qua phát hành 40,2 triệu cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu, tương ứng tỷ lệ 2:1. Sau phát hành, vốn điều lệ của PTI sẽ tăng thêm 402 tỷ đồng, gấp rưỡi hiện nay. Theo đó, vốn điều lệ của công ty bảo hiểm này sẽ ở mức 1.206 tỷ đồng, đứng thứ 4 sau Bảo hiểm Bảo Việt, PVI, MIC.

Một tháng trở lại đây, cổ phiếu bảo hiểm nổi sóng trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan, cộng với mức chi trả cổ tức hấp dẫn cùng những chuyển động mới tại PVI, BVH, MIC, PGI, BMI…

Luôn duy trì chính sách chi trả cổ tức cao và ổn định từ năm 2018 đến nay, năm 2024, PVI Holdings tiếp tục đặt mục tiêu chi trả cổ tức bằng tiền mặt tối thiểu 28,5%. PVI đang chuẩn bị đưa cổ phiếu PVI sang niêm yết trên sàn HOSE.

Với việc thay đổi tổng giám đốc tại công ty mẹ là PVI Holdings tới đây, kỳ vọng về những biến chuyển tại 2 công ty con kể trên được đặt ra. Đặc biệt, mảng bảo hiểm nông nghiệp được mong đợi sẽ phát triển mạnh mẽ hơn khi ông Nguyễn Xuân Hòa (CEO PVI Holdings) được hoán đổi về làm CEO của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) và ngược lại. Từ đây, ngoài lợi thế riêng biệt về các sản phẩm bảo hiểm kỹ thuật, công nghiệp, dầu khí, hàng không và năng lượng, Bảo hiểm PVI được kỳ vọng tiếp tục ghi dấu ấn ở mảng bảo hiểm nông nghiệp.

PVI đang phối hợp với một số đối tác Hàn Quốc tìm kiếm những sản phẩm phục vụ người nông dân tốt hơn. Lâu nay, mảng bảo hiểm nông nghiệp đang được chi phối bởi ABIC với sự hợp tác của ngân hàng mẹ Agribank.

Trước đó, Bảo hiểm PVI đã đặt “một chân” vào mảng bảo hiểm nông nghiệp khi ký kết hợp tác với Hội Nông dân Việt Nam thực hiện "Chương trình an sinh xã hội, phúc lợi cho hội viên, nông dân". Theo đó, hai bên cùng tuyên truyền, giới thiệu và cung cấp tới cán bộ, hội viên, nông dân các sản phẩm bảo hiểm như Bảo hiểm chăm sóc sức khỏe, Bảo hiểm sức khỏe cho người vay vốn, Bảo hiểm xe, Bảo hiểm xây dựng, Bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, Bảo hiểm tài sản...

Ông Phạm Anh Đức, Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo hiểm PVI cho biết, nhờ luôn có những cải tiến và lối đi riêng về dịch vụ, giải pháp quản trị và phương thức phân phối sản phẩm nên dù thị trường những tháng đầu năm ghi sự gia tăng về chi phí bồi thường và cạnh tranh giá phí trong nước cũng như quốc tế nhưng Tổng công ty vẫn đạt mức tăng trưởng cao trong quý I với doanh thu bảo hiểm gốc đạt 4.217 tỷ đồng, hoàn thành 117% kế hoạch 3 tháng; lợi nhuận gộp hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 360 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm trước.

Trở lại với sự thay đổi CEO PVI Holdings, trả lời câu hỏi liệu có sự xáo trộn nào trong đội ngũ nhân sự cấp cao tại 2 công ty con là Bảo hiểm PVI và Hanoi Re dẫn đến những chuyển hướng trong hoạt động kinh doanh hay không, ông Dương Thanh Danh Francois, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị PVI Holdings cho biết, trước mắt chưa có sự thay đổi đáng kể nào. Còn theo ông Nguyễn Xuân Hòa, dù có thay đổi về CEO thì mục tiêu chung vẫn không đổi.


Trước những khó khăn từ thị trường bảo hiểm thời gian qua, nhất là trong khai thác khách hàng cá nhân, một số doanh nghiệp đã mở thêm những “cửa ngách” từ các kênh khách hàng doanh nghiệp, bảo hiểm nhóm để bù đắp.

Chẳng hạn, ngày 26/5/2024 vừa qua, Bảo hiểm Bảo Việt cùng đối tác GNC giới thiệu chương trình bảo hiểm Bảo Việt Tâm Bình tới cộng đồng. Một trong những điểm nhấn của Bảo Việt Tâm Bình là quyền lợi bảo hiểm bệnh ung thư với thời gian chờ 2 năm…

Trước đó, Bảo hiểm Bảo Việt và Marsh Việt Nam đã triển khai chương trình Benefits One nhằm đáp ứng những nhu cầu đặc biệt của phân khúc các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Quý I/2024, tổng doanh thu của Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt đạt 3.006 tỷ đồng, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2023; lợi nhuận sau thuế 84 tỷ đồng, tăng trưởng 21%.

Các doanh nghiệp bảo hiểm khác như PJICO, Chubb, PVI… cũng tìm các hướng đi mới để khai thác thêm các khách hàng FDI, doanh nghiệp lớn, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ khi khối này chiếm hơn 90% trong tổng số 900.000 doanh nghiệp Việt Nam. 

Tuy nhiên, khai thác kinh doanh từ khối doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng không hề dễ dàng do nhận thức về bảo hiểm của nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ còn thấp. Thực tế, không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ sau nhiều lần bàn thảo với nhà bảo hiểm vẫn chưa chốt xong hợp đồng.

Dù bớt khó khăn hơn so với mảng bảo hiểm nhân thọ, “cơn bão” khủng hoảng niềm tin của khách hàng đang dần ở sau lưng, nhưng khối bảo hiểm phi nhân thọ vẫn còn đối diện với những khó khăn, tồn đọng cũ liên quan đến cạnh tranh phi kỹ thuật, mải bán quên tư vấn... và nhiều rủi ro khác liên quan đến chi phí bồi thường.

Chẳng hạn, liên quan đến sự cố tổ máy số 1 Nhiệt điện Vũng Áng 1 của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - PV Power, nhà bảo hiểm là Bảo hiểm PVI đã phải bồi thường bảo hiểm tổn thất vật chất và gián đoạn kinh doanh cho PV Power, với tổng giá trị bồi thường 1.000 tỷ đồng. Trong đó, bồi thường chi phí thực hiện sửa chữa sự cố trên 600 tỷ đồng, còn bồi thường gián đoạn kinh doanh trên 300 tỷ đồng. Nhờ có nhà tái bảo hiểm đứng sau nên mức độ ảnh hưởng có thể không quá lớn, nhưng đó vẫn là những khoản bồi thường rất lớn, có thể ảnh hưởng trọng yếu đến kết quả kinh doanh cả năm của doanh nghiệp.

Tác giả: Kim Lan
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến