Nhiều doanh nghiệp địa ốc đang chạy đua để đưa hàng ra thị trường. Ảnh: Thành Nguyễn.
Sẵn sàng cho “trận đánh lớn”
Với việc đang có được nhiều bối cảnh vĩ mô thuận lợi như Chính phủ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, nhiều dự án hạ tầng trọng điểm đang được triển khai, gói kích thích phục hồi kinh tế bước đầu cho thấy những tín hiệu tích cực, việc mở lại các đường bay quốc tế và bình thường mới trở lại…, các thành viên thị trường địa ốc đang duy trì được tâm lý hào hứng, lạc quan để chuẩn bị cho trận đánh lớn trong năm 2022.
Các doanh nghiệp liên tục công bố những kế hoạch táo bạo cho năm 2022 như kế hoạch phát triển quỹ đất, dự án mới, kế hoạch tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận ấn tượng, thậm chí gấp nhiều lần năm 2021. Cùng với đó, thị trường còn chứng kiến sự tham gia mạnh mẽ của những doanh nghiệp ngoài ngành, hoặc doanh nghiệp trong ngành lấn sân sang lĩnh vực mới.
Tập đoàn Hòa Phát (HPG - HOSE) công bố quỹ đất lên đến 2.000 ha, trong đó đã có 700 ha đất thương phẩm, sản phẩm hướng đến là các đại đô thị diện tích từ 300 - 500 ha. Đất Xanh Group (DXG - HOSE) công bố quỹ đất sở hữu lên đến 2.310 ha và đang triển khai 2 dự án Opal Park View (gần 6.800 sản phẩm) và Opal Park City (gần 7.400 sản phẩm), dự kiến bắt đầu mở bán từ năm 2023. SSIAM, thành viên của Chứng khoán SSI (SSI - HOSE) hợp tác cùng Công ty cổ phần Shinec nghiên cứu cơ hội đầu dự án Khu công nghiệp Ninh Sơn, Khánh Hoà, quy mô 620 ha…
Hay như việc, Công ty cổ phần DRH Holdings (DRH - HOSE) lần đầu tiên đặt ra những mục tiêu cao kỷ lục kể từ khi thành lập, với kế hoạch lợi nhuận 212 tỷ đồng, gấp hơn 13,5 lần con số thực hiện năm 2021; Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG - HOSE) cũng đặt mục tiêu tổng doanh thu cả năm 4.612 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế khoảng 1.910 tỷ đồng. So với con số ước thực hiện năm ngoái, doanh thu có thể tăng trưởng 62% và lợi nhuận dự kiến tăng 59%.
Tương tự, Công ty cổ phần Bất động sản Thế kỷ - CenLand (CRE - HOSE) cũng đặt mục tiêu tăng vốn từ 2.016 tỷ đồng lên hơn 4.637 tỷ đồng thông qua việc phát hành thêm hơn 262 triệu cổ phiếu, về doanh thu, CenLand đặt mục tiêu 10.000 - 12.000 tỷ đồng (gấp khoảng 2 lần doanh thu năm 2021: 5.597,58 tỷ đồng).
Bất động sản khu công nghiệp đang duy trì được tốc độ tăng trưởng ấn tượng suốt thời gian qua. Ảnh: Thành Nguyễn.
Dòng tiền vẫn “tìm về với đất”
Cùng với sự sôi động nói trên, thời gian gần đây, thị trường bất động sản còn ghi nhận sự quan tâm mạnh mẽ trở lại của “khối ngoại”. Trao đổi cùng phóng viên, bà Lê Thị Phương Lan, Trưởng Bộ phận Tư vấn đầu tư, Savills Hà Nội cho biết, mức độ quan tâm của khối ngoại đến thị trường Việt Nam có sự gia tăng rõ rệt thời gian gần đây. Nhiều nhà phát triển quốc tế đã nâng cấp Việt Nam từ thị trường cận biên (frontier market) thành thị trường mới nổi và thị trường chiến lược. Nhờ vậy, nguồn vốn đầu tư phân bổ cho Việt Nam cũng dồi dào hơn.
Còn ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam lại cho rằng, có những nhà đầu tư tin rằng hiện một chu kỳ tăng trưởng kinh tế mới đang bắt đầu và cần phải “tranh thủ” lúc này. Với những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính hoặc đơn giản là có nguồn tiền nhàn rỗi sẵn sàng thì họ thực sự là đang tích cực tìm cơ hội và chúng tôi cho rằng niềm tin của họ là có cơ sở. Nhiều yếu tố đang có các tác động tích cực đến thị trường trong giai đoạn này, bao gồm việc nhiều dự án cơ sở hạ tầng ở khắp các địa phương đang được nỗ lực tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và các hoạt động kinh tế đang trên đà hồi phục.
Trao đổi cùng phóng viên, ông Đỗ Quý Duy, Giám đốc Kinh doanh Hải Phát Home cho biết, ngay trong năm 2022, Hải Phát Home dự kiến sẽ đưa ra thị trường các sản phẩm tại phân khúc trung cấp tại các tỉnh phía Bắc có lợi thế giá vốn hợp lý như: tại Quảng Ninh (gần1.000 sản phẩm thấp tầng với phân khúc giá từ 5 - 10 tỷ), dự án HP Intermix Bắc Giang (tại tỉnh Bắc Giang, đã mở bán tháng III/2022), dự án 26 ha tại Hòa Bình (với 500 sản phẩm, ra hàng quý IV/2022), cùng với các dự án ở Cao Bằng, Lào Cai.
Về dòng tiền, theo ông Duy, dòng tiền của thị trường sẽ có 2 xu hướng cụ thể, với các nhà đầu tư lạc quan họ sẽ lựa chọn việc đầu tư vào các bất động sản tại các tỉnh có tiềm năng kinh tế tốt, có tiềm năng tăng trưởng tốt trong tương lai với các dự án nhà ở có vị trí đắc địa và giá vốn còn hợp lý, ngoài ra với các dự án nghỉ dưỡng có pháp lý sở hữu lâu dài cũng sẽ là lựa chọn tối ưu của họ khi được hỗ trợ khá nhiều từ các chủ đầu tư ở dòng tiền.
Với các nhà đầu tư an toàn, ưu tiên lựa chọn sẽ là việc đầu tư vào các sản phẩm vùng ven hoặc nội đô của các thành phố lớn có tính chắc chắn về thanh khoản như Hà Nội, TP.HCM, với các khoản đầu tư này tiềm năng tăng trưởng sẽ ở mức trung bình khi thị trường này đã có tăng trưởng ấn tượng trong năm 2021.
Thời gian qua, không ít biệt thự, shophouse đã có mức tăng giá từ 2 - 3 lần. Ảnh: Thành Nguyễn.
Đồng quan điểm, theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Giám đốc Công ty cổ phần RB Land cho rằng, thị trường đang có nhiều tin tốt hỗ trợ tăng trưởng và năm 2022 vẫn là một năm nhiều triển vọng cho thị trường địa ốc, tuy nhiên, mức độ tăng giá sẽ chậm lại sau 2 năm tăng nóng vừa qua.
Về tâm lý nhà đầu tư, theo ông Ngọc, thời gian tới dòng tiền sẽ có mức độ fomo nhất định từ những nguyên nhân chính: các nhà đầu tư F0 tham gia ngày càng nhiều, thị trường đã đạt được mức tăng mạnh kỳ vọng suốt 2 năm qua, nhiều nhà đầu tư lớn đã tích lũy hàng từ trước sẽ tung sản phẩm ra bán. Theo ông Ngọc, khả năng cao việc bung hàng này sẽ diễn ra mạnh mẽ vào khoảng giữa năm 2022.
“Cổ đất” vẫn hấp dẫn
Sự ấm nóng của thị trường cũng khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản tự tin hơn với các kế hoạch tăng vốn, tăng doanh thu và lợi nhuận. Theo Bộ phận phân tích Công ty chứng khoán SSI (SSI Research), năm 2021, doanh nghiệp bất động sản vẫn là nhóm phát hành trái phiếu nhiều nhất, ghi nhận 318.200 tỷ trong năm 2021, chiếm 44% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành và tăng 66,3% so với năm 2020. Số lượng các doanh nghiệp bất động sản phát hành tăng từ 141 năm 2020 lên 193 doanh nghiệp trong năm 2021.
Chẳng hạn mới đây, Công ty cổ phần Bất động sản Thế Kỷ (CenLand) thông qua phương án phát hành tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu và chào bán cổ phiếu ra công chúng, với tổng khối lượng trên 262 triệu đơn vị. Nếu đợt phát hành diễn ra như kỳ vọng, vốn điều lệ của CenLand sẽ tăng từ 2.016 tỷ đồng lên hơn 4.637 tỷ đồng.
Trước đó, trả lời phóng viên về kế hoạch năm 2022, ông Nguyễn Trung Vũ, Chủ tịch Cenland cho biết, năm 2022, Cenland đặt mục tiêu doanh thu từ 10.000 - 12.000 tỷ đồng, tiếp tục hợp tác với các chủ đầu tư lớn, có nguồn hàng phong phú để phân phối và tham gia đầu tư. Đặc biệt, ông Vũ cũng rất tự tin với sức hấp dẫn của cổ phiếu CenLand (CRE-HOSE).
“Tôi tự tin rằng cổ phiếu CRE sẽ tăng gấp 3 lần giá trị trong một vài năm tới, khi CRE đã hội tụ đủ các yếu tố và uy tín thương hiệu được nâng cao”, ông Vũ nhấn mạnh.
Diễn biến cổ phiếu địa ốc tuần qua. Nguồn: Vietstock.vn
Nguồn cung mới dự kiến tăng mạnh, các doanh nghiệp trở lại mạnh mẽ với nhiều kế hoạch tham vọng, những điều này cũng mang lại tâm lý phấn khởi cho thị trường. Mới đây nhất, đại diện 2 đơn vị trúng đấu giá đất tại Thủ Thiêm (TP.HCM) cho biết đang nỗ lực “xoay” tiền để nộp ngân sách theo quy định. Theo các chuyên gia, nếu cam kết này được thực hiện cũng sẽ tạo ra niềm tin nơi thị trường, có tác động tích cực đến cổ phiếu nhóm bất động sản.
Trao đổi cùng phóng viên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu các doanh nghiệp trúng đấu giá có thể nộp tiền như cam kết sẽ ít nhiều tạo nên động lực cho thị trường, trong đó có thị trường cổ phiếu. Với các cổ phiếu bất động sản vẫn tiềm năng tăng giá trong năm 2022 là vẫn còn, nhưng mức độ thì còn phụ thuộc vào nền kinh tế, vào thị trường chung.
“Với đà hồi phục của nền kinh tế Việt Nam, cũng như lượng vốn đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đổ vào rất mạnh mẽ bất chấp đại dịch, thị trường bất động sản vẫn có nhiều cơ hội tăng trưởng và sẽ tiếp tục thu hút vốn đầu tư, trong đó các nhóm ngành như bất động sản công nghiệp, nghỉ dưỡng và nhà ở vẫn rất tiềm năng. Cùng với, cổ phiếu nhóm bất động sản cũng có nhiều cơ hội tăng giá”, ông Thịnh cho hay.
Cùng chung quan điểm về triển vọng cổ phiếu bất động sản, bà Lan cũng cho rằng, tính đến thời điểm này, đối với các doanh nghiệp bất động sản đã niêm yết, tôi đánh giá họ khá chuyên nghiệp và đã đạt những thành công trong việc huy động vốn thông qua các đợt phát hành trên thị trường chứng khoán. Đặc biệt, cổ phiếu bất động sản luôn là một loại cổ phiếu được săn đón trong danh mục của bất cứ nhà đầu tư nào. Do đó, việc phát hành cho cổ đông hiện hữu luôn mang về những thành công nhất định.
Tác giả: Thành Nguyễn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy