Dòng sự kiện:
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 18/10
18/10/2022 05:42:21
Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 18/10 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu GMD, giá mục tiêu 54.700 đồng/CP

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Hiện nay, toàn cầu đang đối mặt với nhiều rủi ro liên quan đến suy thoái, cùng với đó là những căng thẳng về địa chính trị đã ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và lạm phát tại nhiều khu vực, đặc biệt là tại Mỹ và châu Âu – hai thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Nỗi bi quan bao trùm lên nền kinh tế, thu nhập khả dụng giảm sút khiến cho người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, đặc biệt là những mặt hàng không thiết yếu.

Việc Fed tiếp tục tăng lãi suất một cách “diều hâu” hơn nhằm đối mặt với lạm phát càng gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức mua của người tiêu dùng. Chúng tôi cho rằng, tình trạng này sẽ còn kéo dài đến nửa cuối năm 2023.

Tại cuộc họp về giá dịch vụ bốc dỡ container tại cảng biển Việt Nam ngày 21/3/2022, kết luận được đưa ra là: trước mắt chưa xem xét điều chỉnh giá dịch vụ bốc dỡ container tại các cảng biển, nhằm đảm bảo công tác kiểm soát lạm phát chung cũng như góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân.

Mặt khác, việc sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển chững lại và giảm sút sẽ khiến doanh nghiệp khó có thể điều chỉnh tăng mạnh giá cước dịch vụ trong ngắn và trung hạn, đặc biệt là tại khu vực Hải Phòng trước tình trạng dư cung như hiện nay.

Với độ mở nền kinh tế hiện tại, Việt Nam vẫn là điểm đến của dòng vốn FDI khi các doanh nghiệp đa quốc gia tiến tới việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, hậu Covid-19, quá trình này được thúc đẩy diễn ra nhanh hơn khi việc phụ thuộc sản xuất vào Trung Quốc trong bối cảnh nước này liên tục “đóng cửa” đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng và tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

Ngoài ra, các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết như: CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP… sẽ là tiền đề giúp cho hoạt động xuất nhập khẩu giữ nhịp tăng trưởng.

Chúng tôi định giá cổ phiếu GMD của Công ty cổ phần Gemadept dựa trên phương pháp SOTP (Sum-of-the-Parts). BVSC khuyến nghị NEUTRAL với giá mục tiêu cho cổ phiếu GMD là 54.700 đồng/cổ phiếu – với tiềm năng tăng trưởng 14,7%.

Khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiếu HPG

CTCK KIS Việt Nam (KIS)

Tổng sản lượng tiêu thụ thép tháng 9 đạt 643.670 tấn, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng giảm 9,7% so với tháng trước nhờ vào sản lượng tiêu thụ thép nội địa.

Sản lượng thép xây dựng hầu như không đổi so với cùng kỳ, đạt 317.430 tấn, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm 18.0% so với tháng trước. Trong đó, sản lượng tiêu thụ nội địa tăng đáng kể lên 266.439 tấn (tăng 28,6% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm 8,9% so với tháng trước).

Sản lượng tiêu thụ thép tôn (22.266 tấn) giảm 59,7% so với cùng kỳ, giảm 22,2% so với tháng trước trong khi sản lượng tiêu thụ ống thép (75.770 tấn) tăng 94% so với cùng kỳ, 19% so với tháng trước.

Sản lượng tiêu thụ thép cuộn (HRC) là 228.204 tấn (giảm 2,3% so với tháng trước, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm ngoái).

Tổng sản lượng tiêu thụ nội địa tháng 9 tăng 37.0% so với cùng kỳ, đạt 586.418 tấn.

Tổng sản lượng tiêu thụ thành phẩm 9 tháng đầu năm đạt 6.229.296 tấn, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ thép xây dựng tăng trưởng mạnh 23,9% và ống thép 15,9%.

Tổng sản lượng xuất khẩu 9 tháng đầu năm (1.141.380 tấn) tăng 32,1% so với cùng kỳ trong khi sản lượng tiêu thụ nội địa (5.087.916 tấn) tăng 9,5%.

Những trở ngại trong ngành vẫn chưa mờ đi rõ ràng và do đó, chúng tôi duy trì đánh giá nắm giữ dành cho cổ phiếu HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát.

Khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiếu NKG

CTCK KIS Việt Nam (KIS)

Tổng sản lượng thép bán ra trong tháng 9 đạt 62.454 tấn, tăng 11,9% so với tháng trước và giảm 39,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sản lượng thép tôn chiếm 69,1% tổng sản lượng tiêu thụ tháng 9, đạt 43.159 tấn, giảm 55,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sản lượng xuất khẩu thép tôn (23.067 tấn) giảm 20% so với tháng trước và 71,9% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy nhu cầu trên toàn cầu yếu.

Sản lượng thép tôn trong nước đạt 20.092 tấn (tăng 40,1% so với tháng trước, tăng 36,8% so với cùng kỳ năm ngoái) và sản lượng ống thép đạt 19.295 tấn (tăng 52,5% so với tháng trước và tăng 227,4% so với cùng kỳ năm ngoái).

Tổng sản lượng tiêu thụ 9 tháng năm 2022 đạt 692.514 tấn, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản lượng thép tôn giảm 16,3% xuống 567,473 tấn và sản lượng ống thép cũng tăng 4,4% so với cùng kỳ lên 125.041 tấn.

Tổng sản lượng xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2022 (chiếm 59,3% tổng lượng tiêu thụ: 410.876 tấn) giảm 20,5% so với cùng kỳ trong khi sản lượng tiêu thụ nội địa (281.638 tấn) tăng 0,4% so với cùng kỳ.

Chúng tôi đánh giá nắm giữ cho cổ phiếu NKG của CTCP Thép Nam Kim do tình hình ngành xấu hơn dự kiến về giá bán, khả năng cạnh tranh và tỷ suất lợi nhuận.

Khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiếu HSG

CTCK KIS Việt Nam (KIS)

Tổng sản lượng tiêu thụ thép tháng 9 đạt 117.589 tấn, giảm 41,4% so với cùng kỳ nhưng tăng 15,7% so với tháng trước.

Sản lượng thép tôn chiếm 72,2% tổng sản lượng tiêu thụ tháng 9, đạt 84.896 tấn, tăng 13,5% so với tháng trước và giảm 52,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sản lượng xuất khẩu thép tôn (35.185 tấn) giảm đáng kể 74,3% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tăng 48,3% t/t, điều này cho thấy nhu cầu toàn cầu yếu.

Sản lượng thép áo trong nước đạt 49.801 tấn (giảm 2,6% so với tháng trước, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái) và sản lượng ống thép đạt 31.851 tấn (tăng 23,3% so với tháng trước và tăng 55,5% so với cùng kỳ).

Tổng sản lượng tiêu thụ trong FY2022 (10/2021 – 8/2022) giảm 21,8% so với cùng kỳ xuống 1.787.694 tấn do sản lượng ống thép giảm 28,2% so với cùng kỳ xuống 338.788 tấn và thép tôn giảm 20,2% so với cùng kỳ xuống 1.448.906 tấn.

Tổng sản lượng xuất khẩu của FY2022 (chiếm 48,9% tổng doanh thu; 874.594 tấn) giảm 31,6% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi sản lượng tiêu thụ nội địa (913.100 tấn) cũng giảm 9,4% so với cùng kỳ do sản lượng ống thép trong nước giảm (giảm 26,6 % so với cùng kỳ năm ngoái).

Chúng tôi đánh giá nắm giữ cổ phiếu HSG của CTCP Tập đoàn Hoa Sen dựa trên một số khó khăn của ngành về giá bán, khả năng cạnh tranh và tỷ suất lợi nhuận trong 2022.

Tác giả: N.T

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến