Dòng sự kiện:
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 3/11
03/11/2022 05:32:14
Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 3/11 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu MWG

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Giá cổ phiếu MWG của CTCP Đầu tư Thế giới Di động đã điều chỉnh mạnh 24,6% so với thời điểm đầu năm, tốt hơn so với VN-Index (giảm 32,6%), nhưng kém hơn so với các doanh nghiệp cùng ngành, gồm FRT (tăng 29,6%) và DGW (giảm 12,5%).

Chúng tôi cho rằng, diễn biến giá kém là do tác động ngắn hạn từ việc đóng cửa một số cửa hàng Bách hóa Xanh trong vài tháng qua.

Hiện tại, chúng tôi cho rằng điều tồi tệ nhất đã qua đi khi các cửa hàng hoạt động kém đã bị đóng cửa và chi phí một lần đã được trích lập hoàn toàn vào cuối quý III/2022, trong khi hoạt động kinh doanh cốt lõi của Bách hóa Xanh cho thấy cải thiện rõ ràng hơn.

Theo quan điểm của chúng tôi, điều này giúp củng cố triển vọng tăng trưởng của MWG trong năm tới, lạc quan hơn so với các doanh nghiệp cùng ngành.

BVSC duy trì khuyến nghị Outperform đối với MWG, tuy nhiên đang xem xét lại các dự báo và giá mục tiêu (TP).

>> Tải báo cáo

Mức định giá của CTG tương đối hấp dẫn

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank, mã chứng khoán CTG – sàn HOSE) đã công bố báo cáo tài chính quý III/2022 với tổng thu nhập hoạt động và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt là 17.324 tỷ đồng (tăng 41,4% so với cùng kỳ năm ngoái) và 3.338 tỷ đồng (tăng 35,7%). Lợi nhuận sau thuế của Vietinbank tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ nhưng cũng sụt giảm khá mạnh so với quý liền kề do chi phí dự phòng tăng mạnh.

Vietinbank đã đủ điều kiện để ghi nhận khoản phí trả trước theo hợp đồng banca với Manulife và nhiều khả năng Vietinbank sẽ ghi nhận khoản phân bổ thanh toán phí trả trước trong quý IV/2022 giúp cho doanh thu phí tăng trưởng mạnh trong kỳ.

Cổ phiếu CTG đã có sự điều chỉnh khá mạnh theo diễn biến điều chỉnh của thị trường kéo mức định giá P/B trượt về quanh 1,1 lần, thấp hơn khá nhiều so với bình quân lịch sử cũng như bình quân ngành. Đây là mức định giá tương đối hấp dẫn đối với một ngân hàng lớn và có sự cải thiện mạnh mẽ trong vài năm qua.

Tuy nhiên, chúng tôi quan ngại về chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất tăng cao và biến động trên thị trường bất động sản cũng như thị trường trái phiếu doanh nghiệp làm giảm triển vọng của các ngân hàng. BVSC đang xem xét lại dự báo cũng như định giá và sẽ cập nhật trong báo cáo tới.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị mua cổ phiếu STK, với giá mục tiêu 45.700 đồng/CP

CTCK Phú Hưng (PHS)

Kết thúc 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần của CTCP Sợi Thế Kỷ (STK – sàn HOSE) đạt 1.686,1 tỷ đồng (tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái), hoàn thành 65% kế hoạch năm 2022, trong khi đó, lợi nhuận sau thuế giảm nhẹ 3% còn 197,4 tỷ đồng, hoàn thành 66% kế hoạch năm 2022.

Xu hướng các nhãn hàng thời trang lớn đang chuyển dịch sang sản xuất các sản phẩm dệt may thân thiện với môi trường với những tính năng nổi trội đã tạo ra nhu cầu ngày càng cao cho sản phẩm sợi tái chế. Hơn nữa, do biên lợi nhuận mảng sợi nguyên sinh ngày càng thu hẹp, STK có chiến lược giảm tỷ trọng sợi nguyên sinh và tăng tỷ trọng sợi tái chế lên 100% doanh thu vào năm 2025, tạo động lực tăng trưởng cho Công ty.

Dự án liên minh Sợi – Vải – May gia tăng cơ hội hưởng lợi gián tiếp từ CPTPP: STK đã thành lập liên minh từ sợi đến may mặc với đối tác dệt và đối tác may. Đối tác dệt khởi công xây dựng trước vào năm 2020, tiếp theo STK sẽ khởi công xây dựng nhà máy sợi vào năm 2022.

CPTPP yêu cầu các công đoạn từ sợi trở đi phải được thực hiện ở các nước thành viên CPTPP. Do đó, để hưởng lợi từ CPTPP, các doanh nghiệp may và dệt nhuộm sẽ ưu tiên sợi sản xuất trong nước. Hơn nữa, với chủ trương phát triển chuỗi cung ứng dệt nhuộm may nội địa của nhà nước, nhu cầu sợi nội địa có tiềm năng gia tăng trong tương lai.

Dự án nhà máy sản xuất sợi tổng hợp Unitex sẽ giúp STK đón đầu xu hướng thời trang xanh. Nhà máy mới tại Tây Ninh với tổng công suất là 60.000 tấn/năm, gấp đôi công suất hiện tại, được chia làm 2 giai đoạn (giai đoạn 1: 36.000 tấn/năm; giai đoạn 2: 24.000 tấn/năm).

Nhà máy khởi công xây dựng giai đoạn 1 từ năm 2021. Năm 2023, nhà máy sẽ đưa vào hoạt động giai đoạn 1 và khởi công xây dựng giai đoạn 2. Đến năm 2025 thì hoàn thành giai đoạn 2. Nhà máy tập trung sản xuất sợi tái chế, sợi chất lượng cao, và sợi đặc biệt.

Áp lực lạm phát ảnh hưởng đến nhu cầu dệt may toàn cầu, chúng tôi ước tính doanh thu thuần của STK năm 2023 sẽ đạt 2.252 tỷ đồng, không tăng so với năm 2022. Chúng tôi cho rằng áp lực lạm phát tăng giá nguyên vật liệu đầu vào và biến động của tỷ giá sẽ ảnh hưởng đến các khoản nợ và chi phí lãi vay của công ty trong năm 2023, qua đó ước tính lợi nhuận sau thuế năm 2023 đạt 239 tỷ đồng (giảm 1,4% so với năm trước).

Bằng phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền (Discounted Cash Flow) và EV/EBITDA, chúng tôi xác định mức giá hợp lý đối với STK là 45.700 đồng/CP. Qua đó, chúng tôi đưa ra khuyến nghị mua cho cổ phiếu STK.

Rủi ro: (1) Rủi ro lớn nhất của STK là rủi ro nguồn nguyên liệu. Ngoài ra công ty còn có những rủi ro sau: (2) Rủi ro tỷ giá hối đoái; (3) Rủi ro pha loãng; (4) Rủi ro lạm phát làm giảm tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu; (5) Rủi ro nợ vay.

Tác giả: N.T

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến