Trái ngược với diễn biến chung của thị trường chứng khoán từ đầu năm đến nay, cổ phiếu CTD của Công ty CP Xây dựng Coteccons lại liên tục giữ xu hướng đi xuống, hiện đã rơi xuống vùng thấp nhất 1 năm gần đây.
Hiện tại, thị giá cổ phiếu CTD chỉ được giao dịch dưới giá 55.000 đồng, tương đương mức giảm 30% so với đầu năm. Tính trong vòng 1 tháng gần nhất, thị giá cổ phiếu này cũng đã giảm xấp xỉ 20%.
Tại vùng giá này, cổ phiếu CTD đang ở vùng thấp nhất kể từ tháng 4/2020, và tương đương mức đáy ghi nhận trong tháng 10/2020 khi nhóm cổ đông lớn Kusto chính thức tiếp quản Coteccons từ cựu Chủ tịch HĐQT Nguyễn Bá Dương và dàn lãnh đạo cũ sau nhiều năm tranh chấp nội bộ.
Tại vùng giá hiện nay, cổ phiếu CTD chỉ còn cách đáy 6 năm khoảng 13% (đáy trước đó ghi nhận vào cuối tháng 3/2020 ở mức 48.000 đồng/cổ phiếu).
Giá cổ phiếu CTD vẫn đang trong đà trượt dài kể từ đỉnh cuối năm 2017. Nguồn: Tradingview.Đằng sau đà trượt dài của CTD
Thực tế, biểu đồ giá của cổ phiếu nhà thầu xây dựng này đã cho thấy xu hướng trượt dài từ vùng đỉnh hơn 230.000 đồng hồi tháng 11/2017 đến nay.
Trong đó, có nhiều lý do để giải thích cho đà suy giảm của cổ phiếu CTD, từ một trong những mã có thị giá cao nhất thị trường trở thành cổ phiếu liên tục dò đáy.
Lý do gần nhất khiến thị giá CTD liên tục suy yếu chính là xu hướng chung của các cổ phiếu ngành xây dựng, khi chịu ảnh hưởng lớn từ việc giá các loại vật liệu xây dựng tăng cao, đặc biệt là sắt, thép.
Tính từ đầu năm đến nay, giá thép thành phẩm đã tăng khoảng 45% và cao gấp rưỡi so với quý III/2020. Trong khi đó, giá xi măng cũng tăng gần 70% và giá cát tăng gần gấp đôi trong giai đoạn này.
Diễn biến này khiến lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp sản xuất thép tăng cao, trái ngược với nhóm doanh nghiệp xây dựng như Coteccons.
Đà giảm doanh thu nói trên cùng với biên lãi gộp giảm từ 5,46% kỳ trước xuống 4,67% kỳ này đã khiến các chỉ tiêu lợi nhuận trước và sau thuế của Coteccons giảm hơn một nửa so với cùng kỳ, đạt lần lượt 69 tỷ và 55 tỷ đồng. Đây cũng là quý kinh doanh có lợi nhuận thấp nhất của Coteccons kể từ năm 2013 đến nay.
Chưa cắt được đà suy giảm biên lãi gộp
Thực tế, không phải đến khi giá vật liệu xây dựng tăng nhanh mới khiến biên lãi gộp của Coteccons chịu ảnh hưởng. Theo đó, biên lãi gộp của nhà thầu xây dựng này đã giữ xu hướng giảm liên tục từ giai đoạn 2016-2018 đến nay. Trong đó, đây là giai đoạn hoàng kim của Coteccons với doanh thu xấp xỉ 30.000 tỷ/năm và lợi nhuận trên 1.500 tỷ đồng.
Đây cũng là thời điểm mà thị giá CTD đạt đỉnh và nằm trong nhóm cao nhất thị trường. Cụ thể, trong giai đoạn 2016 đến đầu 2018, biên lãi gộp quý của Coteccons đều đạt 7-10%, biên lãi gộp bình quân quý giai đoạn này là 7,86%.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2018, tỷ lệ này của Coteccons đã bắt đầu suy giảm và thường xuyên giảm xuống mức trên dưới 6%/quý. Tỷ lệ này thậm chí còn chạm đáy vào quý II/2019 khi chỉ đạt 3,18%, mức thấp nhất trong hơn một thập niên hoạt động của Coteccons.
Từ năm 2019 đến nay, biên lãi gộp bình quân quý của Coteccons chỉ đạt khoảng 5,17%, thấp hơn nhiều so với giai đoạn 2016-2018.
Cùng với đà suy giảm biên lãi gộp, kết quả kinh doanh của nhà thầu xây dựng này cũng giảm nhanh trong các năm qua. Tính đến cuối năm 2020, Coteccons đang chịu đà suy giảm doanh thu năm thứ 2 và sụt giảm lợi nhuận năm thứ 3 liên tiếp.
Trong năm 2020, doanh thu nhà thầu xây dựng này ghi nhận đạt 14.558 tỷ, giảm gần 40% so với năm trước và lợi nhuận ròng đạt 335 tỷ đồng, giảm 53%.
Nếu so với đỉnh kết quả kinh doanh ghi nhận trong giai đoạn 2017-2018, doanh thu của Coteccons đã giảm hơn một nửa trong khi lợi nhuận thu về giảm gấp 5 lần.
Ngoài yếu tố hiệu quả kinh doanh, đà trượt dài của giá cổ phiếu CTD cũng trùng với giai đoạn những mâu thuẫn nội bộ doanh nghiệp lên cao.
Trong đó, mâu thuẫn bắt đầu phát sinh lớn từ năm 2018 giữa nhóm cổ đông lớn Kusto và The 8th Pte Ltd với dàn lãnh đạo cũ của Coteccons do ông Nguyễn Bá Dương làm Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Sỹ Công là Tổng giám đốc.
Những mâu thuẫn nội bộ giữa các nhóm cổ đông lớn này đã khiến nhiều hoạt động ở thượng tầng doanh nghiệp này bị đình trệ, 2018 cũng là năm khởi đầu cho đà suy giảm của cả kết quả kinh doanh và giá cổ phiếu CTD.
Đến cuối năm 2020 vừa qua, những mâu thuẫn nội bộ tại Coteccons mới dừng lại với sự rời đi của ông Nguyễn Bá Dương và hầu hết dàn lãnh đạo cấp cao cũ. Thay vào đó, các nhân sự của Kusto và The8th được bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng.
Từ đó đến nay, trong khi kết quả kinh doanh của Coteccons chưa thể khởi sắc trở lại thì giá cổ phiếu CTD vẫn liên tục trượt dài.
Tác giả: Quang Thắng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy