Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) công bố việc hủy niêm yết đối với cổ phiếu Công ty cổ phần Tập đoàn Nhựa Đông Á (mã DAG, sàn HoSE) do tổ chức niêm yết vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin.
Theo đó, hơn 60,3 triệu cổ phiếu DAG sẽ bị hủy niêm yết từ ngày 22/10/2024. Ngày giao dịch cuối cùng trên HoSE là 14/8/2024 do cổ phiếu DAG đang bị đình chỉ giao dịch kể từ ngày 15/8/2024.
Cổ phiếu DAG bị đình chỉ giao dịch do tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, sau khi đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch. Bên cạnh đó, cùng ngày 15/8/2024, cổ phiếu DAG còn bị đưa vào diện cảnh báo do tổ chức kiểm toán có ý kiến ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm 2023 đã kiểm toán của Nhựa Đông Á. Cùng với đó, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại cuối năm 2023 của tập đoàn này là âm 588 tỷ đồng.
Giải trình về việc cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch, đại diện Nhựa Đông Á cho biết, năm 2023 là năm đặc biệt khó khăn với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ngành nhựa nói chung và công ty cùng các đơn vị trong tập đoàn nói riêng. Hoạt động bị đình trệ, sản phẩm sản xuất ra không bán được, chịu sức ép cạnh tranh với hàng Trung Quốc. Do đó, quy mô hoạt động kinh doanh của công ty phải thu hẹp, công ty phải thực hiện cấu trúc lại nhằm đảm bảo việc hoạt động kinh doanh, nhiều cán bộ phụ trách có liên quan đến hoạt động kinh doanh, bộ phận kế toán xin nghỉ việc đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của công ty. Đặc biệt, công ty bị cưỡng chế hóa đơn dẫn đến tình hình kinh doanh ngày càng khó khăn hơn.
Nhựa Đông Á có tiền thân là Công ty TNHH Thương mại Sản xuất Nhựa Đông Á. Tập đoàn được thành lập từ năm 2001 với số vốn điều lệ 2,5 tỷ đồng. Đến năm 2006 công ty chuyển đổi sang hình thức Công ty cổ phần với vốn điều lệ 58 tỷ đồng. Cổ phiếu DAG cũng được niêm yết trên sàn HoSE từ năm 2010. Hoạt động kinh doanh của Nhựa Đông Á bắt đầu có sự đi xuống trong khoảng 2 năm trở lại đây.
Nửa đầu năm 2024, Nhựa Đông Á ghi nhận doanh thu chỉ đạt 55 tỷ đồng, tương đương 6% con số đạt được của cùng kỳ năm ngoái. Kinh doanh dưới giá vốn, cộng thêm việc phải gánh các chi phí như lãi vay, chi phí quản lý doanh nghiệp… khiến Nhựa Đông Á lỗ ròng 67 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính quý II/2024 cho thấy, Nhựa Đông Á có nhiều khoản vay dài hạn với lãnh đạo Công ty, như vay thành viên Hội đồng quản trị Phạm Ngọc Hinh 100 tỷ đồng, vay cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Trần Việt Thắng 40 tỷ đồng; vay thành viên Hội đồng quản trị Nguyễn Bá Hùng gần 184 tỷ đồng.
Nhựa Đông Á có tổng nợ phải trả là 1.367,5 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn 733,6 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính dài hạn 412 tỷ đồng. Ngoài ra, Nhựa Đông Á có những khoản trích lập dự phòng với giá trị lớn, có nguy cơ mất vốn. Cụ thể, công ty đang trích lập dự phòng các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi lên tới 118,5 tỷ đồng, dự phòng giảm giá hàng tồn kho xấp xỉ 362 tỷ đồng.
Tác giả: Tùng Linh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy