DSC lên sàn HoSE kể từ ngày 24/10 với giá tham chiếu 22.500 đồng/cổ phần. Kể từ đó đến nay, cổ phiếu này chỉ tăng giá đúng một phiên duy nhất (25/10) với mức tăng 1,11%. Trong tuần, từ ngày 28/10 đến nay, DSC đã trải qua 5 phiên giảm giá liên tiếp, đưa thị giá của cổ phiếu này xuống còn 20.000 đồng/cổ phiếu, tương đương giảm 11% so với mức giá mới lên sàn.
Thanh khoản của DSC cũng giảm đáng kể, đặc biệt mỗi phiên chỉ giao dịch khoảng 70.000-80.000 đơn vị, chỉ bằng 1/5 thanh khoản của giai đoạn cuối tháng 9 - đầu tháng 10, khi DSC vẫn đang giao dịch trên UPCoM.
Trước khi niêm yết chính thức và đến với HoSE, DSC đã công bố báo cáo tài chính quý III/2024 khá sớm với hàng loạt chỉ tiêu tích cực.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán quý III bất lợi với thanh khoản thị trường giảm mạnh, hàng loạt công ty chứng khoán suy giảm doanh thu về cả tự doanh lẫn môi giới, DSC báo cáo ngược dòng với mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế lên đến 84% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo của DSC cho biết, doanh thu hoạt động trong riêng quý III vừa qua đạt 146,5 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lãi thông qua FVTPL đạt 77,9 tỷ đồng, gấp 2 lần con số đạt được cùng kỳ, lãi từ các khoản cho vay và phải thu đạt 45,4 tỷ đồng, tăng 18%.
Dù doanh thu từ hoạt động môi giới giảm 42%, song với doanh thu từ tự doanh tăng cao và các khoản chi phí hoạt động lẫn chi phí tài chính đều đồng loạt giảm đã giúp lợi nhuận sau thuế quý III/2024 của DSC tăng cao, đạt 72 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, DSC đạt 393 tỷ đồng doanh thu hoạt động và 150 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 24% và 57% so với cùng kỳ 2023.
Với tổng tài sản 4.687 tỷ đồng cuối tháng 9/2024, DSC đã dùng gần 55% cho danh mục tự doanh FVTPL và 39% vào các khoản cho vay.
Dù vậy, danh mục tự doanh của DSC không đầu tư chính vào cổ phiếu hay trái phiếu mà tiền chủ yếu nằm ở chứng chỉ tiền gửi. Cuối quý III, DSC có 2.250 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi, tăng 55% so với hồi đầu năm. Không chỉ FVTPL, các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) của DSC cũng là tiền gửi. Dù đã giảm mạnh so với hồi đầu năm nhưng danh mục này vẫn còn 90 tỷ đồng gửi tại Ngân hàng PG Bank. Tính đến cuối quý III/2024, danh mục tự doanh của DSC chỉ có khoảng 297 tỷ đồng đầu tư vào cổ phiếu niêm yết và phần nhỏ 10 triệu đồng đầu tư vào cổ phiếu chưa niêm yết.
Về hoạt động cho vay, công ty chứng khoán này đang chi 1.740 tỷ đồng cho vay margin, tăng 25% so với hồi đầu năm.
DSC hiện có vốn chủ sở hữu 2.048 tỷ đồng, trong đó ông Nguyễn Đức Anh - vị chủ tịch 9x của DSC đang là cổ đông lớn nhất, sở hữu 35,6%, CTCP Đầu tư NTP sở hữu 34,1%.
DSC được biết đến là công ty chứng khoán thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn Thành Công (TC Group) từ năm 2021. Sau thời điểm này, DSC được đầu tư mạnh với việc vốn điều lệ liên tục tăng nhanh. Từ vốn điều lệ 60 tỷ đồng năm 2012, DSC tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng vào năm 2021, chuyển trụ sở từ Đà Nẵng ra Hà Nội và tiếp tục tăng vốn lên 2.048 tỷ đồng năm 2023.
Tác giả: Thuỷ Triều
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy