Dòng sự kiện:
Cổ phiếu FLC vẫn trắng bên mua, VNM gồng gánh chỉ số
31/03/2022 15:53:10
VN-Index hôm nay tăng nhẹ 1,64 điểm, chủ yếu được nâng đỡ bởi VNM khi cổ phiếu này tăng giá đến 6,2% trong phiên.

Thị trường chứng khoán trong nước mở cửa phiên 31/3 có sự hồi phục đáng kể nhờ sự dẫn dắt của các cổ phiếu bất động sản và ngân hàng. Tuy nhiên tâm lý nhà đầu tư yếu dần về phiên chiều khiến áp lực bán tăng lên, chỉ số có thời điểm nhúng đỏ trước khi hồi phục.

Chốt phiên giao dịch, VN-Index chỉ còn tăng nhẹ 1,64 điểm (0,11%) đạt 1.492,15 điểm. Sàn có 179 mã tăng giá và có đến 261 mã giảm giá.

Tại Hà Nội, bộ chỉ số HNX-Index giảm 1,57 điểm (-0,35%) về 449,62 điểm và UPCoM-Index tăng nhẹ 0,14% lên 117,04 điểm.


Diễn biến VN-Index trong ngày cuối tháng 3. Đồ thị: TradingView.

Giữ nhịp cho thị trường hôm nay đến từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Trong đó rổ VN30 tăng đến 8,3 điểm (0,55%) với 19/30 mã tăng giá.

Đáng chú ý là cổ phiếu VNM của Vinamilk bất ngờ tạo sóng khi tăng giá 6,2% lên 80.9000 đồng trong bối cảnh thị trường chung vẫn ảm đạm. Mức tăng này giúp VNM một mình gồng gánh chỉ số khi đóng góp gần 2,5 điểm cho chỉ số (trong khi VN-Index chỉ tăng được 1,64 điểm).

Những đóng góp tiếp theo vẫn đến từ nhóm vốn hóa lớn trong lĩnh vực bán lẻ và ngân hàng, như VRE tăng giá 2,9% lên 33.450 đồng hay CTG tăng 1,2% đạt 32.450 đồng.

Ở chiều ngược lại cổ phiếu dầu khí GAS mất 1,6% giá trị về 108.300 đồng là mã có tác động tiêu cực nhất lên chỉ số. Tiếp đến là MSN của Masan giảm 1,3% còn 142.200 đồng và HPG của Hòa Phát mất 0,9% xuống 45.100 đồng.


Cổ phiếu VNM gồng gánh chỉ số có được sắc xanh. Nguồn: VNDirect.

Cổ phiếu họ FLC Group vẫn là tâm điểm của thị trường khi có chuỗi 4 phiên rơi tự do liên tiếp, sau những thông tin tiêu cực liên quan đến việc ông Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam.

Kết phiên FLC giảm tối đa về 11.000 đồng với hơn 83,2 triệu cổ phiếu vẫn chất sàn. Cổ phiếu quan trọng khác là ROS giảm hết biên độ xuống 7.060 đồng và còn 70,7 triệu đơn vị bán giá sàn.

Thêm nữa các mã ART, AMD và HAI vẫn có giao dịch tích cực, nhiều thời điểm thoát giá sàn. Tuy nhiên áp lực bán về cuối phiên lại một lần nữa đẩy 3 mã này rơi về giá sàn, trắng bên bán.

Trong khi đó mã KLF giao dịch tích cực nhất khi có thời điểm tăng về giá tham chiếu, dù vậy khi kết phiên vẫn giảm 7,4% về 5.000 đồng. Mã GAB vẫn không có thanh khoản.

Tổng khối lượng khớp lệnh của nhóm này đã bắt đầu cải thiện với hơn 64 triệu cổ phiếu được sang tay. Tuy nhiên, ngoại trừ KLF chưa mất thanh khoản, thì 5 mã còn lại vẫn có lượng tranh bán giá sàn tổng cộng hơn 156 triệu cổ phiếu.


Nhóm cổ phiếu FLC Group bị bán tháo phiên thứ 4 liên tiếp. Bảng giá SSI

Bên cạnh nhóm FLC thì hàng loạt cổ phiếu dạng đầu cơ, tăng nóng khác cũng tiếp đà lao dốc. Nhóm cổ phiếu liên quan DNP Corp như HUT, VC9, JVC, NVT đều giảm sàn và DNP mất 5,5%. Trong khi HQC của Địa ốc Hoàng Quân rơi tối đa về 8.700 đồng với hơn 3,5 triệu cổ phiếu tranh bán sàn...

Thêm một điểm đáng chú ý hôm nay là thanh khoản rơi về mức rất thấp. Một phần do tác động liên đới của việc mạnh tay xử lý vụ thao túng chứng khoán dẫn đến nhiều cổ phiếu nóng hạ nhiệt như HQC, HAG, LDG...

Một phần khác đến từ hệ thống giao dịch của Chứng khoán VPS gặp sự cố từ đầu giờ chiều khiến nhiều tài khoản không thể đăng nhập, bao gồm cả trên website và ứng dụng. Đây chỉ là lỗi giao dịch cục bộ, trong khi hệ thống giao dịch các đơn vị khác vẫn hoạt động bình thường.

Tổng giá trị khớp lệnh hôm nay giảm đến 27% so với hôm qua về mức 24.520 tỷ đồng. Trong đó giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm gần 28% xuống 20.000 tỷ đồng.

Khối ngoại hôm nay cũng giao dịch ảm đạm nhưng theo chiều hướng tích cực. Họ mua vào 1.228 tỷ và bán ra 940 tỷ, tương đương mua ròng 288 tỷ đồng trên sàn HoSE, tập trung gom VNM (217 tỷ) và DGC (183 tỷ).

Tác giả: Huy Lê

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến