Trên sàn chứng khoán, số lượng thành viên của Vinachem khá đông đảo
Trong phiên sáng 8/7, hàng loạt cổ phiếu phân bón thuộc Vinachem như BFC, SFG, LAS đồng loạt “tím lịm”. Trong đó, cổ phiếu BFC (của CTCP Phân bón Bình Điền) và LAS (của CTCP Super Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao) cùng vượt đỉnh lịch sử. Các mã phân bón khác cũng tăng như DDV (tăng 5,42%), CSV (tăng 4,9%).
Hiện số thành viên của Vinachem đang niêm yết cổ phiếu trên hai sàn chứng khoán khá nhiều và chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực: bột giặt - hóa chất, săm lốp và phân bón. Nhóm bột giặt, hóa chất, có thể kể tới các công ty như CTCP Bột giặt LIX (mã LIX), CTCP Bột giặt NET (mã NET), CTCP Hóa chất Việt Trì (mã HVT), CTCP Hóa chất cơ bản Miền Nam (mã CSV), CTCP Thuốc sát trùng Việt Nam (mã VPS) hay CTCP Pin Ắc quy Miền Nam - Pinaco (mã PAC). Nhóm săm lốp với các tên tuổi như CTCP Công nghiệp Cao su Miền Nam (mã CSM), CTCP Cao su Đà Nẵng (mã DRC) và nhóm phân bón với các gương mặt nổi trội như đã kể trên.
Diễn biến tích cực của giá cổ phiếu “họ” Vinachem một phần được lý giải từ kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm của Tập đoàn và các công ty con.
Thông tin được chia sẻ tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2024 của Vinachem, cộng hợp toàn Tập đoàn, doanh thu 6 tháng đầu năm ước đạt hơn 31.308 tỷ đồng, tăng trưởng 18% so với cùng kỳ năm ngoái, thực hiện được 55% kế hoạch năm; lãi cộng hợp ước đạt 815 tỷ đồng.
Trong đó, một số đơn vị thành viên kinh doanh thuận lợi, tăng trưởng lợi nhuận tính bằng lần. Cụ thể, CTCP DAP-Vinachem (mã DDV) có lợi nhuận 6 tháng tăng gấp 46 lần cùng kỳ năm ngoái; CTCP Phân bón Bình Điền (mã BFC) có lợi nhuận tăng gấp 5 lần cùng kỳ năm ngoái; CTCP Phân bón và Hóa chất Cần Thơ (mã CFC) có lãi gấp 4 lần cùng kỳ; CTCP Công nghiệp Cao su Miền Nam (mã CSM) có lãi cao gấp 2 lần cùng kỳ.
Lãnh đạo Vinachem cho rằng, xu hướng chủ đạo của thị trường nửa cuối năm là nguồn cung vẫn tăng nhưng nhu cầu chưa được cải thiện. Bên cạnh đó là giá cả hàng hóa chưa có dấu hiệu tăng mạnh mẽ trở lại. Vì thế, đây sẽ là thách thức lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam và các đơn vị trong Tập đoàn.
Trên cơ sở dự báo này, Vinachem và các đơn vị thành viên đặt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp trong 6 tháng cuối năm tính theo giá thực tế đạt 39.629 tỷ đồng, cả năm 2024 đạt 52.554 tỷ đồng; doanh thu 6 tháng cuối năm đạt 26.961 tỷ đồng, ước thực hiện cả năm đạt 56.556 tỷ đồng; lợi nhuận cộng hợp 6 tháng cuối năm đạt 1.095 tỷ đồng, ước thực hiện cả năm đạt 1.911 tỷ đồng.
Ông Phùng Quang Hiệp, Tổng giám đốc Vinachem cho biết, Tập đoàn sẽ tiếp tục triển khai xây dựng kế hoạch khai thác, chế biến quặng apatit giai đoạn 2030, tầm nhìn đến năm 2040 theo đúng quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ. Vinachem sẽ triển khai Đề án Tái cơ cấu tài chính Nhà máy Đạm Ninh Bình, Nhà máy Đạm Hà Bắc, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2, sớm đưa các dự án này ra khỏi danh sách các dự án yếu kém của ngành công thương; đẩy mạnh tái cơ cấu Sovigaz và Xà phòng Hà Nội.
Vinachem cũng sắp xếp lại công ty mẹ, đảm bảo cơ cấu lại Tập đoàn hợp lý, phát huy vai trò chủ đạo trong ngành công nghiệp hoá chất; nghiên cứu đầu tư có hiệu quả một số sản phẩm hoá chất có công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, đáp ứng nhu cầu của thị trường…
Hiện Tập đoàn có 2 đơn vị hạch toán phụ thuộc, 3 công ty con nắm giữ 100% vốn điều lệ, 18 công ty con nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, 11 công ty nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ, 1 viện nghiên cứu, 1 trường cao đẳng.