Dòng sự kiện:
Cổ phiếu nào tiềm năng trong bối cảnh giá hàng hóa biến động trái chiều?
22/06/2023 16:26:01
Trong bối cảnh giá hàng hóa biến động trái chiều, vẫn có những doanh nghiệp hưởng lợi đơn cử như PVD, PVS, QNS, HPG và DBC.

Đại dịch Covid-19 bùng phát đã gây ra những cú sốc trong cả phía cung và phía cầu qua đó khiến giá hàng hóa thế giới biến động mạnh. Tại Việt Nam, kết quả kinh doanh nhiều ngành nghề đã và đang chịu ảnh hưởng bởi diễn biến giá hàng hóa, đặc biệt tại các ngành có cấu trúc chi phí nguyên vật liệu đầu vào lớn.

Agriseco Research vừa có báo cáo nghiên cứu diễn biến giá hàng hóa hiện nay và triển vọng 6 tháng cuối năm, thông qua đó đưa ra kỳ vọng về những nhóm doanh nghiệp hưởng lợi/bị ảnh hưởng.

Nửa cuối năm 2023, giá các loại hàng hóa có thể biến động trái chiều nhưng nhìn chung sẽ tiếp tục trong xu hướng giảm

Thị trường hàng hóa thế giới đã hạ nhiệt từ giữa năm 2022 với Chỉ số Refinitiv CoreCommodity CRB Index – chỉ số tổng hợp giá cả của 22 loại hàng hóa chính đã giảm khoảng 20% từ mức đỉnh năm ngoái. Sau khi hình thành xu hướng tăng kể từ năm 2020 và đạt đỉnh vào giữa năm 2022, giá hàng hóa đã chịu áp lực giảm từ sự chậm lại của nền kinh tế toàn cầu. Điều này có tác động lớn đến nhiều ngành kinh doanh đặc biệt là cấu trúc chi phí nguyên vật liệu đầu vào.

Giá hàng hóa có thể tiếp tục biến động khó lường trong phần còn lại của năm 2023. Mặc dù đã hạ nhiệt nhưng mặt bằng giá hàng hóa vẫn đang cao hơn mức trước đại dịch Covid 19.

Theo Agriseco, trong nửa cuối năm 2023, giá các loại hàng hóa có thể biến động trái chiều nhưng nhìn chung sẽ tiếp tục trong xu hướng giảm khi nền kinh tế toàn cầu đang ảm đạm và đối diện với nguy cơ suy thoái. 

Diễn biến và xu hướng giá một số hàng hoá 

Giá năng lượng

Tính đến ngày 12/6/2023, giá dầu Brent đã giảm khoảng 6% so với đầu năm và giảm gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái bởi (1) Nguồn cung dư thừa; (2) Nhu cầu tiêu thụ giảm trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối mặt với nguy cơ suy thoái.

Giá dầu có thể phục hồi khi OPEC cắt giảm sản lượng. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm và đối diện với nguy cơ suy thoái, OPEC đã có những động thái cắt giảm sản lượng nhằm ổn định giá dầu. Cụ thể vào tháng 4/2023 vừa qua, nhóm OPEC đã giảm sản lượng 310.000 thùng/ngày và tiếp tục cắt giảm 1,16 triệu thùng/ngày kể từ tháng 5/2023. Từ phía Nga, sản lượng dầu của quốc gia này trong tháng 4/2023 cũng đã giảm 290.000 thùng/ngày và có thể tiếp tục duy trì ở mức thấp trong các tháng còn lại năm 2023. 

Trong khi đó, giá than và khí tự nhiên đều trong xu hướng giảm từ giữa năm 2022 và đang ở mức thấp nhất 1 năm qua.

Xu hướng giảm của giá than có thể tiếp diễn. Trung Quốc đã gỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu đối với than Australia; Châu Âu cũng đã tăng cường nhập khẩu than Australia, Colombia, Kazakhstan để bù đắp cho sản lượng từ Nga. Qua đó, áp lực về nguồn cung khiến than tăng giá như 2 năm qua đã đảo chiều, giúp cho giá than hạ nhiệt.

Giá khí tự nhiên ở Châu Âu được dự báo giảm mạnh trong năm 2023 nhờ (1) nhu cầu tiêu thụ giảm; (2) lượng tồn kho ở mức cao; (3) nguồn cung được cải thiện nhờ tăng nhập khẩu LNG từ Mỹ.

Giá nông sản 

Giá đường đang trong xu hướng tăng khá mạnh 1 năm trở lại đây. Hiện nay, giá đường đang ở mức khoảng 25 USD/lb, cao hơn khoảng 30% so với cùng kỳ. Giá đường có thể tiếp tục xu hướng tăng và duy trì mức cao bởi nguồn cung đường toàn cầu bị thắt chặt. USDA dự báo sản lượng đường dự trữ sẽ giảm 13% trong niên vụ 2022/2023 chủ yếu do sản lượng của cả Ấn Độ và Trung Quốc sụt giảm bởi tình hình thời tiết không thuận lợi 

Giá cao su đang trong xu hướng giảm 1 năm trở lại đây và tiếp tục được dự báo sẽ ở mức thấp bởi (1) Nhu cầu phục vụ ngành sản xuất xăm lốp sụt giảm; (2) Lượng hàng tồn kho vẫn đang ở mức cao khi sản lượng năm vừa qua tăng nhờ vụ mùa ở Việt Nam và Thái Lan thuận lợi.

Còn giá một số loại nông sản như lúa mỳ, đậu tương đã giảm khá mạnh sau khi đạt đỉnh vào giữa năm 2022 khi cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine diễn ra. Mặc dù vậy, mặt bằng giá một số loại nông sản như lúa mỳ, ngũ cốc vẫn cao hơn nhiều so với giai đoạn trước khi đại dịch Covid 19 xảy ra.

Theo Worldbank, giá lúa mỳ, ngũ cốc, đậu tương được kỳ vọng giảm khá mạnh trong năm 2023 và sẽ tiếp tục giảm trong năm 2024. Ngược lại, giá gạo bình quân năm 2023 kỳ vọng cao hơn 17% so với năm 2022 do Ấn Độ hạn chế xuất khẩu khiến sản lượng sụt giảm. Sang năm 2024, giá gạo có thể đảo chiều giảm khi nguồn cung từ Ấn Độ và Pakistan phục hồi.

Về giá heo, sau giai đoạn duy trì ở vùng giá khá thấp khoảng 50.000 đ/kg những tháng cuối năm 2022 và đầu 2023, giá heo hơi đã có dấu hiệu phục hồi trở lại từ đầu tháng 5 và đang ở mức 60.000 đ/kg. Đây là giai đoạn rất khó khăn với các doanh nghiệp chăn nuôi và các hộ cá thể. Lạm phát tăng cao, thu nhập sụt giảm làm ảnh hưởng đến sức cầu tiêu thụ. Dịch tả heo bùng phát khiến các hộ chăn nuôi cá thể phải bán tháo khiến nguồn cung ngắn hạn trở nên dư thừa, tạo ra áp lực lên giá heo.

Giá heo có thể tiếp tục xu hướng phục hồi lên vùng 60.000 – 70.000 đ/kg bởi nguồn cung sụt giảm mạnh khi nhiều hộ chăn nuôi cá thể đã treo chuồng sau thời gian dài thua lỗ. Đồng thời, ngành du lịch, dịch vụ phục hồi là động lực giúp cho nhu cầu tiêu thụ thịt heo tăng lên hỗ trợ đà tăng của giá heo.

Giá phân bón, hóa chất  

Giá phân ure sau khi đạt đỉnh vào giữa năm 2022 đã hạ nhiệt đáng kể. Chỉ riêng trong Q1.2023, giá ure đã giảm 36% so với quý trước đó. Nguyên nhân đến từ (1) Giá nguyên liệu đầu vào 650 như giá khí tự nhiên hay giá than đã giảm mạnh; (2) Nhu cầu tiêu thụ phân bón cũng giảm trong khi nguồn cung đã ổn định trở lại khi Nga hay Trung Quốc khôi phục lại sản lượng sản xuất và xuất khẩu.

Theo Hiệp hội Phân bón quốc tế (IFA), giá ure được dự báo sẽ giảm khoảng 50% trong năm 2023 và ổn định trong năm 2024 bởi nguồn cung phân bón sẽ tiếp tục phục hồi khi Trung Quốc khôi phục sản lượng sản xuất. Hoạt động xuất khẩu ure của Nga cũng được dự báo sẽ tăng trong 2023 nhờ mở lại hạn ngạch. 

Giá hạt nhựa đang trong xu hướng giảm kéo dài từ giữa năm 2022 trở lại đây. Tồn kho hạt nhựa trên thế giới tăng cao do lượng tiêu thụ chậm 5500 lại. Hạt nhựa là chế phẩm từ các nguyên liệu hóa 5000 thạch như dầu, khí tự nhiên nên giá hạt nhựa sẽ có tương quan thuận với giá dầu hay giá khí. Với mặt bằng giá dầu đã giảm đáng kể như hiện tại, giá hạt nhựa có thể tiếp tục kéo dài xu hướng giảm trong năm 2023. 

Giá phốt pho vàng đang trong xu hướng giảm kể từ đầu năm trở lại đây. Hiện tại, giá phốt pho vàng đang ở mức 23.350 RMB/tấn, giảm khoảng 30% kể từ đầu năm. Nguyên nhân đến từ nhu cầu sản xuất chip bán dẫn, linh kiện điện tử suy giảm mạnh. Mặc dù vậy, giá phốt pho vàng đã phục hồi khoảng 16% trong 1 tháng trở lại đây bởi tính trạng thiếu điện sản xuất tại khu vực Vân Nam, Trung Quốc khiến sản lượng bị ảnh hưởng

Giá xút đã sụt giảm khoảng 20% kể từ đầu năm và hiện đang ở mức 864 RMB/tấn. Các ngành công nghiệp tiêu thụ sản phẩm xút như dệt may, nhôm, giấy hay xử lý nước thải đang gặp nhiều khó khăn sẽ là áp lực khiến nhu cầu tiêu thụ xút sụt giảm.

Triển vọng giá xút, phốt pho vàng sẽ đi ngang trong phần còn lại của năm 2023 và thấp hơn nhiều so với cùng kỳ do nhu cầu vẫn còn khá yếu trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái. Bên cạnh đó nguồn cung dã dần ổn định khi Trung Quốc khôi phục sản lượng sản xuất. Mặc dù vậy, thiếu điện sản xuất sẽ là yếu tố cần quan sát thêm.

Giá kim loại 

Giá thép sau khi chạm đáy vào cuối năm 2022 đã có sự phục hồi nhẹ trong đầu năm 2023 nhờ kỳ vọng Trung Quốc mở cửa nền kinh tế. Mặc dù vậy, sự phục hồi kinh tế sau khi mở cửa của quốc gia này không đạt được như kỳ vọng, thị trường BDS, xây dựng vẫn gặp nhiều khó khăn khiến sức cầu vẫn ở mức thấp tạo áp lực giảm lên giá thép.

Giá quặng sắt có diễn biến đồng pha với giá thép và phục hồi khoảng 27% trong Q1.2023, mặc dù vẫn thấp hơn bình quân trong giai đoạn 2022 nhưng đây là mức cao hơn 80% so với trung bình trong giai đoạn trước khi đại dịch Covid 19 diễn ra (2015-2019).

Giá thép có thể sẽ đi ngang trong phần còn lại của năm 2023 bởi triển vọng nền kinh tế toàn cầu kém khả quan. Đối với thị trường trong nước, tiêu thụ thép xây dựng trong Q2.2023 vẫn sẽ yếu do thị trường BDS đang gặp nhiều khó khăn. Agriseco Research đánh giá sản lượng tiêu thụ thép sẽ phục hồi rõ nét hơn kể từ cuối Q3.2023 nhờ (1) Chính phủ đã đưa ra các chính sách hỗ trợ thị trường BDS tập trung vào thảo gỡ những vướng mắc lớn nhất liên quan đến pháp lý và nguồn vốn; (2) Mặt bằng lãi suất hạ nhiệt. Mặc dù vậy, tốc độ phục hồi cả về sản lượng lẫn giá thép sẽ chậm do các chính sách hỗ trợ và mặt bằng lãi suất thấp cần thêm thời gian để thẩm thấu.

Cổ phiếu nào tiềm năng trong bối cảnh giá hàng hoá biến động?

Trong tình hình đó, Agriseco đưa ra kỳ vọng về những nhóm doanh nghiệp hưởng lợi từ biến động giá hàng hoá nêu trên đơn cử như PVD, PVS, QNS, HPG và DBC.

Tổng Công ty Khoan và Dịch vụ Dầu khí (HOSE: PVD): Giá dầu mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn duy trì trên 70 USD/thùng là điều kiện thức đẩy các dự án thượng nguồn trên toàn cầu. Việc OPEC cắt giảm sản lượng trong bối cảnh nền kinh tế ảm đạm sẽ giúp giá dầu neo ở vùng hiện tại. Cụ thể, vào tháng 4/2023 vừa qua, nhóm OPEC đã giảm sản lượng 310.000 thùng/ngày và tiếp tục thông báo sẽ cắt giảm 1,16 triệu thùng/ngày kể từ tháng 5/2023.

Thêm vào đó, PVD là một trong những doanh nghiệp thượng nguồn được hưởng lợi khá sớm từ dự án Lô B – Ô Môn. Trong giai đoạn hiện tại tới khi đón dòng khí đầu tiên từ dự án, cần khoan 5 giếng thẩm định và khoảng 80 giếng khai thác. Tổng chi phí khoan ước tính có thể lên đến 400 triệu USD cho giai đoạn này. Trong giai đoạn từ khi đón dòng khí đầu tiên tới hết vòng đời của dự án, sẽ có khoảng hơn 900 giếng khoan được khai thác. Và đây có thể là một khối lượng công việc ổn định cho PVD trong dài hạn.

Ngoài ra, giá cho thuê giàn khoan Jack Up đã tăng mạnh trong năm 2022 và tiếp tục duy trì ở mức cao trong năm 2023 giúp PVD có KQKD tích cực cho năm 2023. Sau năm 2022 gặp nhiều khó khăn và lỗ sau thuế khoảng 155 tỷ đồng, PVD có thể bắt đầu có lãi trở lại từ năm 2023.

Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HOSE: PVS): PVS là doanh nghiệp đầu tiên được hưởng lợi sau khi dự án Lô B – Ô Môn có quyết định đầu tư. PVS hiện đã nộp hồ sơ đấu thầu cho giai đoạn 1 và dự kiến sẽ sớm có kết quả trong thời gian tới. Với hồ sơ năng lực của mình từ các dự án lớn trước đây, chúng tôi kỳ vọng PVS có thể trúng thầu khối lượng công việc tương đối lớn trong giai đoạn 1 (tổng giá trị lên đến 1,5 tỷ USD cho giai đoạn đầu tư ban đầu). Về dài hạn, PVS cũng sẽ có khối lượng công việc lớn xuyên suốt vòng đời của dự án khi thực hiện đầu tư vào giàn thu gom khí, giàn dầu giếng,...

PVS mới đây đã ký kết hợp đồng chế tạo và cung cấp chân đế điện gió ngoài khơi - dự án Greater Changhua CHW2204. Dự án này được khai thác bởi Orsted Đài Loan, một trong những nhà phát triển điện gió ngoài khơi hàng đầu thế giới với hợp đồng EPC trị giá 300 triệu USD cho 33 chân đế. PVS cũng trúng thầu thêm 1 hợp đồng M&C điện gió ngoài khơi, trong đó PVS sẽ thiết kế, chế tạo chạy thử 4 trạm biến áp ngoài khơi cho trang trại điện gió ngoài khơi Baltica 2 ở Ba Lan trong giai đoạn từ 2023-2026. 

CTCP Đường Quảng Ngãi (UPCOM: QNS): Giá đường thế giới đang trong xu hướng tăng khá mạnh 1 năm trở lại đây và đã tăng vượt đỉnh 10 năm qua. Hiện nay, giá đường đang ở mức khoảng 25 USD/lb, cao hơn khoảng 30% so với cùng kỳ. Với việc giá dầu tăng mạnh từ sau đại dịch Covid 19 và xung đột Nga – Ukraine, nhiều nhà sản xuất mía đường đã dịch chuyển sang pha trộn nhiên liệu sinh học với tỷ suất sinh lời cao hơn. Điều này đã làm giảm nguồn cung đường trên toàn thế giới. Theo Tổ chức Đường Quốc tế (ISO), thặng dư đường thế giới niên vụ 2022-2023 đã được điều chỉnh giảm xuống còn 4,2 triệu tấn từ mức 6,2 triệu tấn trước đó.

Chính sách áp thuế Chống bán phá giá đối với đường Thái Lan hỗ trợ ngành đường trong nước: Biện pháp chống lẩn tránh thuế (Quyết định 1514/QĐ-BCT) đối với mặt hàng đường nguyên liệu xuất xứ Thái Lan đã chính thức được áp dụng với thuế suất là 47,64%. Điều này đã hỗ trợ nhiều cho ngành đường trong nước vốn bị cạnh tranh mạnh bởi đường nhập khẩu từ Thái Lan. Tổng lượng đường nhập khẩu chính ngạch vào Việt Nam giảm từ 1,7 triệu tấn trong năm 2021 xuống còn 1,2 triệu tấn trong năm 2022.

Sản lượng đường tăng trưởng mạnh trong niên vụ 2022-2023: QNS công bố sản lượng đạt 1,6 triệu tấn mía trong niên vụ 2022-2023, tăng trưởng 40% so với cùng kỳ và là mức kỷ lục của doanh nghiệp kể từ năm 2019. Điều này có được nhờ diện tích canh tác mía đã tăng khoảng 10% so với cũng kỳ và năng suất mía tốt hơn kỳ vọng. Dự kiến năm 2023 là năm có KQKD kỷ lục đối với QNS. 

CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG): Sản lượng thép tiêu thụ vẫn ở mức thấp nhưng đã có sự cải thiện: Trong 5 tháng đầu năm 2023, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của HPG đạt 1,37 triệu tấn (giảm khoảng 32% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, riêng trong tháng 5, sản lượng thép xây dựng Hòa Phát đạt 284.000, tăng 33% so với tháng 4/2023, thép cuộn cán nóng ghi nhận 243.000 tấn, cao nhất kể từ đầu năm và tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái.

HPG bắt đầu mở lại lò cao khi giai đoạn khó khăn nhất đã đi qua: HPG đã mở 1 lò Dung Quất vào Tháng 4, tiếp tục mở thêm 1 lò nữa vào tháng 5 và dự kiến mở lò cao còn lại vào tháng 7 năm nay. Qua đó, sản lượng thép các tháng sắp tới có thể tiếp tục phục hồi.

Nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng có thể dần phục hồi kể từ Q3: Thị trường BDS trong nước được kỳ vọng sẽ dần phục hồi trong nửa sau năm 2023 nhờ Các chính sách hỗ trợ thị trường BDS được ban hành nhằm gỡ nút thắt về vốn và pháp lý. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá mức độ phục hồi sẽ chậm do các chính sách cần thời gian để thấm thấu.

Sản lượng xuất khẩu khả quan: Sản lượng xuất khẩu vẫn đang trên đà phục hồi với sản lượng HRC tháng 5 ghi nhận cao nhất từ đầu năm và tăng 19% so với cũng kỳ. Một số quốc gia đang có dấu hiệu bắt đầu chu kỳ hạ lãi suất qua đó kỳ vọng giúp cải thiện nhu cầu tiêu thụ thép HRC.

CTCP Tập đoàn Dabaco (HOSE: DBC): Giá nguyên liệu TACN hạ nhiệt: Giá nguyên liệu TACN như ngô, lúa mì, đậu tương đã bắt đầu hạ nhiệt từ nửa cuối năm 2022, và đang tiếp tục xu hướng giảm trong năm 2023 nhờ (1) Các nước dần khôi phục sản lượng sản xuất và xuất khẩu; (2) Giá phân bón, vật tư nông nghiệp đang giảm khoảng 50% so với cùng kỳ.

Kỳ vọng giá lợn hơi chạm đáy và dần phục hồi: Giá lợn hơi gần đây đã tăng trên lên mức 60.000 đồng/kg. Chúng tôi kỳ vọng giá lợn hơi đã tạo đáy và tiếp tục xu hướng phục hồi trong năm 2023 bởi (1) Nhu cầu tăng trở lại khi ngành du lịch dịch vụ tiếp đà hồi phục trong năm 2023; (2) Nguồn cung từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ giảm mạnh sau giai đoạn dài thua lỗ bởi giá TACN tăng mạnh trong khi giá lợn hơi ở mức thấp; (3) Dịch tả lợn Châu Phi diễn biến phức tạp có thể ảnh hưởng tới nguồn cung trên thị trường.

Kỳ vọng KQKD 2023 tăng trưởng trên mức nền thấp: DBC đặt kế hoạch kinh doanh 2023 với LNST đạt 569 tỷ đồng, so với thực hiện năm 2022 chỉ 5,2 tỷ đồng, trên cơ sở giá lợn hơi trung bình năm 2023 đạt 55.000 đồng/kg. Trong khi hiện nay giá lợn trên thị trường đã phục hồi lên mức 60.000 đồng, tạo điều kiện thuận lợi để DBC có thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh đề ra. Ngoài ra, phần điều chỉnh giảm doanh thu và LN từ mảng BDS trong năm 2022 có thể được ghi nhận trong năm 2023 qua đó hỗ trợ KQKD năm nay.

Tác giả: Minh An

Theo: Vietnamdaily
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến