Dòng sự kiện:
Cổ phiếu ngân hàng bị pha loãng, áp lực hay cơ hội cho nhà đầu tư?
12/11/2021 16:40:18
Việc ồ ạt đưa hàng tỷ cổ phiếu vào lưu hành khiến nhóm ngân hàng đối mặt với áp lực pha loãng giá, giá cổ phiếu không còn biến động mạnh như giai đoạn quý 1-2/2021.

Mặc thị trường "thăng hoa", nhóm ngân hàng vẫn dậm chân tại chỗ.

Số liệu thống kê từ HOSE và HNX cho thấy, tính đến hết ngày 10/11/2021, số cổ phiếu lưu hành của 27 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UPCoM đạt hơn 46,6 tỷ đơn vị, chiếm hơn 1/4 tổng lượng cổ phiếu lưu hành toàn thị trường

Kể từ đầu năm, các ngân hàng đã đưa thêm vào thị trường gần 10,3 tỷ cổ phiếu thông qua việc niêm yết mới, đăng ký giao dịch trên UPCoM và phát hành thêm. Việc ồ ạt đưa hàng tỷ cổ phiếu vào lưu hành khiến nhóm ngân hàng đối mặt với áp lực pha loãng giá, đây cũng là một phần nguyên nhân khiến giá cổ phiếu ngân hàng điều chỉnh giảm trong thời gian qua.

Thời gian qua cũng cho thấy nhóm cổ phiếu ngân hàng không mấy "khởi sắc" cùng nhịp với đà tăng kỷ lục của VN-Index, hầu như các cổ phiếu chỉ có biến động đi ngang, thậm chí giảm, điều này khiến những nhà đầu tư "đứng ngồi không yên" do danh mục cổ phiếu ngân hàng "án binh bất động".

Theo ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư TVSI, bên cạnh yếu tố nguồn cung tăng khiến tâm lý nhà đầu tư có phần ảnh hưởng, trong giai đoạn tới, nhà đầu tư cần lưu ý một số thông tin tác động khác lên nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Ông Lê Ngọc Nam.

Về việc trích lập dự phòng, ông Nam cho rằng trong giai đoạn quý 4/2021 hay cả năm 2022 những thông tin liên quan đến việc tiếp tục trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu, hay việc chuyển nhóm nợ từ nhóm 1, 2 sang các nhóm phía dưới có thể tác động chung đến nhóm cổ phiếu ngân hàng.

“Đặc biệt quan trọng là khả năng gia tăng tín dụng của các nhóm ngân hàng, điều này sẽ hỗ trợ ngân hàng trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai như nhóm cổ phiếu ngân hàng ở thời điểm hiện tại cũng tương đối an toàn, giữ nhịp cho thị trường, chưa có tín hiệu xấu đi”, ông Lê Ngọc Nam đánh giá.

Bên cạnh đó, có thể thấy một sự phân hóa trong nhóm cổ phiếu ngân hàng với nhóm cổ phiếu ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước. "Có vẻ giá cổ phiếu đang cố gắng hình thành một đáy”, ông Nam nói.

Xu hướng nhóm cổ phiếu ngân hàng đang cho thấy trong 1, 2 tuần gần đây đang đi lên đối với một số ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước, Giám đốc phân tích của TVSI cho rằng trong quý 4/2021 nhóm này sẽ biến động tốt. “Tuy nhiên, sẽ cần một khoản thời gian khá dài để nhóm cổ phiếu ngân hàng quay trở lại đỉnh vào thời điểm quý 1 và quý 2/2021”, ông Lê Ngọc Nam cho biết.

Trong khi đó, đối với một số cổ phiếu vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng lợi nhuận tốt cùng với chất lượng tài sản ổn của một vài ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân sẽ còn động lực nhất định giúp cho các cổ phiếu này tiếp tục vượt đỉnh cũ trong tháng 7/2021, vươn lên một mức giá mới.

Do đó, có thể nói dòng cổ phiếu ngân hàng ở thời điểm hiện tại sẽ tương đối ổn định và sẽ còn một số cơ hội cho các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao.

Ở trạng thái hiện tại VN-Index đã vượt qua ngưỡng 1.400 điểm và động lực phần nhiều đến từ nhóm midcaps và smallcaps; do đó, dòng tiền gần như chưa chú ý đến nhóm cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt. "Trong thời gian sắp tới, chỉ số của chúng ta sẽ ổn định và thậm chí đi lên nhờ động lực từ nhóm cổ phiếu như ngân hàng, tài nguyên cơ bản, bất động sản. Trong khi đó đối với một số nhóm có dòng tiền nóng chảy vào có thể sẽ chậm lại một chút", Giám đốc phân tích TVSI nhận định.

“Tôi đánh giá đây là thời điểm thích hợp để chúng ta tích lũy dần một số cổ phiếu ngân hàng có hiệu quả kinh doanh cao; nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là nhóm có thể duy trì cho chỉ số VN-Index duy trì sự ổn định trong giai đoạn sắp tới”, ông Lê Ngọc Nam cho biết.

Tác giả: Nguyễn Long

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến