Dòng sự kiện:
Cổ phiếu ngành rượu bia sẽ thế nào khi Luật mới 'gây sốt'?
06/01/2020 15:00:27
Quy định uống rượu bia không được lái xe từ ngày 1/1 được đánh giá sẽ phần nào ảnh hưởng tiêu cực tới cp của các DN trong lĩnh vực rượu bia. Tuy nhiên, cp hai 'ông lớn' ngành bia Sabeco, Habeco vẫn tăng mạnh.

Từ ngày 1/1, Luật phòng chống tác hại rượu bia có hiệu lực, nghiêm cấm người uống rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Theo điều 5, có 12 nhóm hành vi bị nghiêm cấm, trong đó cấm người điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Vì vậy, bất kể người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ như ôtô, máy kéo, xe máy, xe máy điện... hay phương tiện giao thông thô sơ đường bộ như xe đạp, xích lô... đều không được phép uống rượu bia khi lưu thông trên đường.

Luật hiện hành cho phép người điều khiển phương tiện được lái xe dù trong người có nồng độ cồn, trong đó với xe gắn máy cho phép dưới ngưỡng 50 miligam trong 100 mililít máu hoặc 0,25 miligam trong một lít khí. Như vậy, quy định mới sẽ cấm hoàn toàn và không còn quy định khung nồng độ cồn.

Ngay sau khi Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 bắt đầu có hiệu lực, đã có nhiều lo ngại xung quanh việc hai 'ông lớn' ngành rượu bia như Tổng Cty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SAB) và Tổng Cty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (BHN) sẽ sụt giảm doanh số trong tương lai.

Trước mắt, chốt phiên giao dịch ngày 3/1, cổ phiếu SAB đã tăng trưởng 0,30% đạt mức 224.600 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, mã BHN tăng 2,50% lên 78.000 đồng/cổ phiếu. Dù vậy, nếu nhìn diễn biến trong 6 tháng gần đây, cả 2 mã cổ phiếu này đều suy giảm mạnh.

Theo đó, mã SAB đã giảm tổng cộng 18,16%, tương đương vốn hóa giảm gần 32.000 tỷ đồng. Trong khi đó, BHN giảm 8,67%, đồng nghĩa vốn hóa thị trường bốc hơi 1.718 tỷ đồng.

Trao đổi với báo Lao Động, ông Võ Thế Vinh, Trưởng phòng Phân tích và tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS), quy định uống rượu bia không lái xe phần nào tác động đến cổ phiếu của các doanh nghiệp rượu bia. Tuy nhiên, đây cũng không phải là nguyên nhân chính cho việc cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành này biến động.

Theo ông Vinh, quy định này áp chung cho toàn bộ các sản phẩm rượu bia có sử dụng trên thị trường, trong đó có cả các đối thủ ngoại. Bên cạnh đó, quy định này cũng sẽ khó có thể làm thay đổi thói quen của người Việt, thay vào đó, người dân sẽ thay đổi hình thức di chuyển để vẫn có thể uống rượu bia nhưng vẫn tuân thủ luật. Nếu trước đây họ tự lái xe đến quán nhậu thì nay có thể sử dụng các phương tiện khác.

Chuyên gia này phân tích, cổ phiếu của một doanh nghiệp chịu tác động bởi 3 yếu tố gồm: Thị trường, khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp và nội tại của doanh nghiệp trong thời gian dài trước đó. 

Hiện nay, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bia rượu trong nước đang chịu sự cạnh tranh trực tiếp từ các doanh nghiệp ngoại. Với mức sống của người dân ngày càng tăng, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn. Người dân cũng đã có sự thay đổi trong sử dụng rượu bia, với nhiều loại thức uống mới. 

Sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau và giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp ngoại đã khiến cho thị trường thu hẹp lại. Khi đó, sức tăng trưởng của các doanh nghiệp cũng ở mức vừa phải, không đáp ứng được kỳ vọng của các nhà đầu tư. 

Riêng về SAB, CTCP Chứng khoán Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho rằng, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của SAB 2019 dự kiến 9đạt lần lượt 39.022 tỷ đồng (tăng +8,3%) và 5.269 tỷ đồng (tăng +19%) với EPS là 7,329 đồng/cổ phiếu. Trong đó, giả định doanh thu bia tăng trưởng 10% đạt 33.869 tỷ đồng và sản lượng bia đạt 2,05 tỷ lít (tăng trưởng 10%) với những nổ lực tái quảng bá thương hiệu Sabeco và cắt giảm các chi phí giúp biên gộp SAB tăng lên 24%, cao hơn cùng kỳ là 22,5%.

Khánh Linh (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến