Dòng sự kiện:
Cổ phiếu phân bón trầy trật thoát đáy
15/10/2019 16:24:01
Theo đánh giá của giới phân tích, cổ phiếu ngành phân bón đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong nhiều năm trở lại đây...

Ảnh minh họa

Cuối quý III/2019, thống kê của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho thấy việc DN này bị phong tỏa 24 triệu cổ phiếu Phân bón Bình Điền (BFC), 10 triệu cổ phiếu Bột giặt Lix (LIX) và 7,5 triệu cổ phiếu Hóa chất Việt Trì (HVT) đã khiến hơn 1.000 tỷ đồng vốn hóa của đơn vị này bị “đông cứng” và không sinh thêm lợi nhuận liên tiếp sau nhiều tháng.

Kết thúc 9 tháng đầu năm nay, đa số các DN lĩnh vực phân bón trực thuộc Vinachem như Đạm Bắc Hà, Hóa chất Lâm Thao, Phân bón miền Nam, DAP – Vinachem 1 và 2… đều có doanh thu suy giảm từ 10% - 33%. Cổ phiếu của nhóm DN phân bón “họ” Vinachem đều bắt đáy và chưa có dấu hiệu hồi phục.

Không chỉ có các đơn vị trực thuộc Vinachem, từ đầu năm đến nay hầu như tất cả các DN phân bón lớn trong nước đều có mức doanh thu và lợi nhuận sụt giảm. Trong đó, Công ty Phân bón PetroVietnam Cà Mau (DCM) mặc dù việc giảm các khoản vay nợ đã khiến chi phí tài chính giảm 54% trong nửa đầu 2019 nhưng kết quả kinh doanh thiếu khả quan vẫn khiến lợi nhuận trước thuế giảm 25,6% so với cùng kỳ.

Tổng công ty Phân bón và Hóa chất DPM, do gánh nặng chi phí cố định và lãi vay quá lớn khiến doanh thu sụt giảm 26% và lợi nhuận ròng giảm 78%. Việc sụt giảm doanh thu và lợi nhuận sụt giảm khiến giá cổ phiếu DCM và DPM lần lượt sụt giảm 20% và 30% so với năm ngoái.

Theo đánh giá của giới phân tích, cổ phiếu ngành phân bón đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong nhiều năm trở lại đây. Mẫu số chung dẫn đến tình trạng kinh doanh trượt dốc của các DN phân bón là bị ảnh hưởng bởi diễn biến thời tiết phức tạp, mức độ cạnh tranh cao do tình trạng phân bón kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái chưa được xử lý dứt điểm.

Các chuyên gia tại Công ty chứng khoán Rồng Việt cho rằng, trong các tháng cuối năm nay và đầu năm 2020 nhóm cổ phiếu ngành phân bón sẽ chưa có nhiều tín hiệu tích cực để hồi phục đà tăng. Kể cả nhóm DN có tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận nhưng do tác động từ việc chững lại của đơn hàng xuất khẩu cũng sẽ khiến thanh khoản không cao như mọi năm.

Trong ngắn hạn, nhóm cổ phiếu ngành phân bón được các công ty chứng khoán đánh giá sẽ tiếp tục gặp khó khăn và khó vượt qua những ngưỡng giá cao ở thời điểm giữa 2018. Tuy nhiên, về dài hạn yếu tố tích cực có thể hỗ trợ việc tăng giá cho nhóm cổ phiếu ngành này là những thông tin về thoái vốn của cổ đông Nhà nước. Việc sửa đổi Luật thuế Giá trị gia tăng (VAT) cũng được kỳ vọng sẽ tạo sức cạnh tranh cho các DN phân bón trong nước trong hoạt động nhập khẩu nguyên liệu và cạnh tranh về giá trong xuất khẩu vì việc khấu trừ thuế đầu vào có thể giảm giá vốn hàng bán và tăng biên lợi nhuận cho nhiều DN.

Bên cạnh đó, ở góc độ thị trường dư địa tiêu thụ phân bón trong nước hiện đang có sự tăng trưởng. Trong giai đoạn 2017 – 2020 tăng trưởng tiêu thụ lũy kế hàng năm của ngành phân bón là 5%, diện tích đất canh tác cũng đang được mở rộng (dự kiến sẽ đạt khoảng 15,5 triệu ha trong năm 2019). Ngoài ra, hiện nay sau giai đoạn cạnh tranh với hàng Trung Quốc giá rẻ, nhiều cơ sở phân bón nhỏ lẻ đã phải đóng cửa, để lại miếng bánh thị phần cho các DN đầu ngành như DPM, DCM, BFC… vì thế áp lực cạnh tranh sẽ không còn quá lớn và giá phân bón sẽ có cơ hội ổn định hơn. Từ đó doanh thu, lợi nhuận của các DN sẽ được cải thiện hơn vào khoảng giữa năm 2020.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến