Cổ phiếu thép, một trong những nhóm cổ phiếu có sức hút và có vai trò dẫn dắt trên thị trường đã “làm mưa, làm gió” trong năm 2021 với mức tăng tính bằng lần nhờ hưởng lợi từ giá nguyên vật liệu thế giới, trong đó có giá thép tăng mạnh, giúp các doanh nghiệp ngành này báo lãi lớn.
Tuy nhiên, bước sang năm 2022, cùng với đà đi xuống của thị trường, nhóm cổ phiếu thép cũng lần lượt lao dốc, mất hơn một nửa so với mức đỉnh. Nguyên nhân chính là do tình hình trên thị trường thép thay đổi nhanh chóng, giá thép theo xu hướng giảm, trong khi giá nguyên vật liệu trên thế giới không giảm tương ứng, ảnh hưởng tới lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành.
Một số doanh nghiệp như Thép Tiến Liên (TLH), Pomina (POM) đã công bố báo cáo tài chính quý II với mức tranh màu xám, trong đó POM báo lỗ sau thuế 62,25 tỷ đồng trong quý II, còn lợi nhuận của TLH sụt giảm hơn một nửa so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp khác chưa công bố báo cáo tài chính quý II, nhưng trước đó tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên 2022 tổ chức tháng 5, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát (HPG) cho biết, hoạt động kinh doanh năm 2022 của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và sẽ phản ánh trong quý 2,3,4. "Đợi hai tháng nữa sẽ có kết quả kinh doanh quý 2, cổ đông sẽ thấy tình hình thê thảm thế nào”, ông Long nói tại cuộc họp.
SSI Research cũng điều chỉnh giảm dự phóng lợi nhuận rất mạnh với các doanh nghiệp ngành thép. Trong đó, với HPG điều chỉnh giảm xuống mức 26.500 tỷ đồng (giảm 23,1% so với năm 2021), với HSG SSI Research dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2022 đạt 1.400 tỷ đồng, giảm 67% so với năm trước; NKG dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2022 giảm 39% so với 2021 về 1.350 tỷ đồng.
Trong xu hướng giảm từ đầu năm tới nay, nhóm cổ phiếu thép cũng có một số nhịp hồi, nhưng chỉ trong thời gian ngắn, sau đó giảm dần đều, về mức giá của cuối năm 2020. Tuy nhiên, trong 3 phiên giao dịch đầu tiên của tháng 8, nhóm cổ phiếu thép bất ngờ phát tín hiệu bật lại sau khi một số công ty công bố kết quả kinh doanh với bức tranh màu xám như dự báo. Dường như câu nói “tin xấu ra là mua” đang được áp dụng với nhóm cổ phiếu thép.
Trong phiên hôm nay, gần như toàn bộ nhóm thép đều tăng giá, trong đó NKG và HSG tăng kịch trần lên 20.700 đồng và 19.550 đồng, cùng đều còn dư mua giá trần. Thanh khoản rất cao, với NKG khớp trên 20,9 triệu đơn vị, còn HSG hơn 15,2 triệu đơn vị.
Mã đầu ngành HPG dù gặp khó ở ngưỡng 23.800 đồng, nhưng cũng đóng cửa với mức tăng tốt 3,7% lên 23.750 đồng, khớp lớn nhất thị trường 58,85 triệu đơn vị. Các mã khác cũng tăng mạnh như TLH tăng 5,9% lên 10.200 đồng, SMC tăng 5% lên 19.050 đồng, thậm chí POM vừa báo lỗ nặng cũng tăng 1% lên 7.300 đồng.
Sự khởi sắc của nhóm thép, cùng sự hỗ trợ của các mã ngân hàng lớn và GAS, VN-Index đã bứt lên trong nửa cuối phiên chiều sau khi gặp chút rung lắc đầu phiên. Dù không thể giữ được mức cao nhất ngày, cũng là ngưỡng 1.250 điểm, nhưng VN-Index ghi nhận phiên tăng tốt thứ 3 liên tiếp với tổng số điểm tăng là 43,43 điểm. Thanh khoản tiếp tục được cải thiện và đang dần tịnh tiến về ngưỡng 20.000 tỷ đồng/phiên như năm 2021.
Cụ thể, chốt phiên chiều 3/8, VN-Index tăng 8,14 điểm (+0,66%), lên 1.249,76 điểm với 269 mã tăng gấp rưỡi so với phiên sáng, trong đó có 10 mã tăng trần, trong khi số mã giảm chỉ còn 182 mã so với con số 217 mã của phiên sáng, trong đó có 6 mã sàn. Tổng khối lượng giao dịch đạt 789,5 triệu đơn vị, giá trị 17.567,8 tỷ đồng, giảm nhẹ về khối lượng, nhưng lại tăng nhẹ về giá trị so với phiên hôm qua, chủ yếu hôm nay dòng tiền chảy vào nhóm cổ phiếu thép, nhất là HPG, trong khi hôm qua chủ yếu vào các mã có thị giá nhỏ, có tính đầu cơ cao như nhóm FLC, Louis, HNG-HAG… Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 87 triệu đơn vị, giá trị 2.302,6 tỷ đồng.
Ngoài nhóm thép, các nhóm dẫn dắt khác như ngân hàng, chứng khoán sắc xanh cũng đã chiếm ưu thế. Trong đó, nhóm ngân hàng chỉ còn 4 sắc đỏ tại SSB, VPB, TCB và VIB, nhưng mức giảm rất nhỏ, ngoại trừ VIB giảm mạnh nhất 1,5%, còn lại dưới 0,5%. Trong khi đó, có 2 mã tăng hơn 2% là BID tăng 2,1% lên 39.300 đồng và STB tăng 2% lên 25.450 đồng. Ngoài ra, CTG tăng 1,8% lên 29.100 đồng, VCB tăng 0,8% lên 79.500 đồng…
Trong nhóm chứng khoán còn tích cực hơn khi không còn sắc đỏ, TVS đứng giá, còn lại đều tăng, trong đó có 2 sắc tím tại TVB và APG. Các mã lớn có VCI tăng 3% lên 44.000 đồng, HCM tăng 0,6% lên 26.800 đồng, VND và SSI cũng đảo chiều tăng 1,9% lên 21.150 đồng và 1,5% lên 23.550 đồng. Trong đó, VND có thanh khoản tốt nhất nhóm với 26,5 triệu đơn vị, SSI khớp 22,3 triệu đơn vị.
Trong các mã nhỏ và vừa khác, cặp đôi HNG và HAG duy trì đà tăng tốt, trong đó HNG còn dư mua giá trần (6.940 đồng) hơn nửa triệu đơn vị, khớp đứng sau HPG và trên VND với 27,5 triệu đơn vị. Trong khi HAG cũng tăng 1,7% lên 12.300 đồng, khớp 23,9 triệu đơn vị.
Các mã khác như ITA, ASM, IDI, TTF, SCR, GEX, LDG… cũng tăng giá, trong khi nhóm FLC ngoại trừ HAI, còn lại đều đảo chiều sau khi đồng loạt tăng trần hôm qua. Trong đó, ROS giảm sàn xuống 2.950 đồng, khớp 6,35 triệu đơn vị và còn dư bán sàn sau thông tin có thể bị đình chỉ giao dịch do chậm nộp báo cáo tài chính quý II.
Các mã khác, TCH trở lại tham chiếu 12.300 đồng cũng là mức cao nhất ngày, khớp 7,04 triệu đơn vị, trong khi BCG đảo chiều thành công, đóng cửa tăng 2,2% lên 16.150 đồng, khớp 6,76 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, cũng giống như HOSE, sau ít phút rung lắc đầu phiên, HNX-Index đã lấy lại đà tăng mạnh sau đó và đóng cửa ở mức cao nhất ngày.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 2,27 điểm (+0,77%), lên 298,11 điểm với 128 mã tăng (9 mã trần) và 80 mã giảm (6 mã sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 87,4 triệu đơn vị, giá trị 1.731 tỷ đồng, giảm 23% về khối lượng và 23,5% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,2 triệu đơn vị, giá trị 37,6 tỷ đồng.
Trong các mã có sức hút với dòng tiền lớn, HUT đã đảo chiều thành công khi đóng cửa tăng nhẹ 0,3% lên 30.100 đồng, khớp 4,77 triệu đơn vị, trong khi CEO vẫn giảm nhẹ 0,3% xuống 33.300 đồng, khớp 5,61 triệu đơn vị. Trong khi đó, 2 mã có thanh khoản đứng đầu vẫn là SHS và PVS với 13,96 triệu đơn vị và 6,84 triệu đơn vị. Đóng cửa, cả 2 vẫn giữ sắc xanh với SHS tăng 2,1% lên 14.300 đồng, trong khi PVS chỉ tăng nhẹ 0,4% lên 24.300 đồng.
Ngoài ra, IDC tiếp tục tăng mạnh 3,4% lên 63.600 đồng, khớp 3,96 triệu đơn vị sau báo cáo tài chính quý II ấn tượng.
Các mã khác, TVC trở lại sắc tím 9.300 đồng, khớp 3,56 triệu đơn vị dù vừa có báo cáo tài chính quý II với khoản lỗ nặng 288 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong danh mục của TVC có một nửa là HPG, nên việc cổ phiếu HPG tăng mạnh trở lại 3 phiên qua cũng đem lại tín hiệu tích cực cho TVC.
Trên thị trường UPCoM, sau khi bị đẩy xuống đầu phiên giao dịch chiều và dao động hẹp dưới ngưỡng này trong phần lớn thời gian của phiên chiều, tín hiệu tích cực từ 2 sàn niêm yết cuối cùng đã kéo UPCoM-Index trở lại trên tham chiếu khi đóng cửa.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,19 điểm (+0,21%), lên 90,32 điểm với 189 mã tăng và 115 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 50,2 triệu đơn vị, giá trị 856,9 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 7 triệu đơn vị, giá trị 162,3 tỷ đồng.
Trong các mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, chỉ có VGI giảm 1,8% xuống 33.400 đồng và C4G đứng giá tham chiếu 12.900 đồng khi đóng cửa, còn lại đều tăng.
Trong đó, tăng mạnh nhất khi đóng cửa là SBS tăng 6,3% lên 10.100 đồng, khớp 6,35 triệu đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản sau BSR. Tăng mạnh tiếp theo là PAS tăng 4,5% lên 9.300 đồng, thanh khoản 2 triệu đơn vị. Trong khi đó, BSR tăng 1,6% lên 24.700 đồng, thanh khoản cao nhất sàn với hơn 7 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai VN30 đều tăng theo thị trường cơ sở, trong đó hợp đồng đáo hạn tháng 8 tăng 4,1 điểm (+0,33%), lên 1.250 điểm với 220.620 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 41.945 hợp đồng. VN30-Index hôm nay tăng 3,86 điểm (+0,3%), lên 1.269,83 điểm với 14 mã tăng 12 mã giảm và 4 mã đứng giá. Trong đó, tăng mạnh nhất chính là HPG (+3,7%), tiếp đến là GAS (+3,5%), trong khi VIB chính là mã giảm mạnh nhất.
Trên thị trường chứng quyền, số mã tăng, giảm khá cân bằng, trong đó tăng mạnh nhất là CHPG2203 do HSC phát hành với mức tăng 33% lên 40 đồng, thanh khoản 418.900 đơn vị. Trong khi có tới 3 mã giảm hơn 50% là CMSN2210 do VCSC phát hành giảm 55,4% xuống 580 đồng, CTCB2207 cũng do VCSC phát hành giảm 54,9% xuống 460 đồng, cả 2 chỉ có một lệnh giao dịch 100 đơn vị. Tiếp đến là CVIC2202 do KIS phát hành giảm kịch sàn 50% xuống 10 đồng, thanh khoản 30.300 đơn vị.
Hôm nay có nhiều mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó có 3 mã có thanh khoản trên 2 triệu đơn vị đều là chứng quyền của HPG và đều do KIS phát hành. Hai mã thanh khoản kế tiếp cũng đều là chứng quyền của HPG, trong đó 1 mã do KIS phát hành, mã còn lại do VND phát hành.
Tác giả: T.Lê
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy