Dòng sự kiện:
Cổ phiếu thép, phân bón và than nổi sóng lớn
28/02/2022 17:18:38
Mặc dù gặp bất lợi bởi gánh nặng từ nhóm cổ phiếu bất động sản và ngân hàng nhưng VN-Index đã bảo vệ thành công mốc 1.490 điểm với sự ghi nhận sóng lớn ở các nhóm cổ phiếu thép, phân bón và than.

Nhóm cổ phiếu bluechip sau nhịp hồi ở phiên cuối tuần đã nhanh chóng quay ra điều chỉnh khiến thị trường gặp khó trong phiên giao dịch sáng 28/2. Chỉ số VN-Index rung lắc nhẹ rồi nhanh chóng giảm mạnh về dưới mốc 1.490 điểm trước khi lấy lại vùng giá này về cuối phiên do áp lực bán gia tăng ở nhóm cổ phiếu VN30, đặc biệt là các mã ngân hàng và bất động sản.

Bước sang phiên giao dịch chiều, nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục gia tăng sức ép khiến VN-Index tiếp tục giật lùi và thủng mốc 1.490 điểm chỉ sau khoảng 20 phút mở cửa. Tuy nhiên, ngay lập tức lực cầu sôi động đã nhập cuộc giúp thị trường bật ngược đi lên dù không tiến quá xa bởi áp lực bán khá lớn luôn thường trực.

Về mặt kỹ thuật, mặc dù để mất gần 9 điểm nhưng chỉ số VN-Index vẫn đứng trên vùng hỗ trợ 1.485 – 1.490 điểm (MA20-50), cho thấy xu hướng tăng có đôi chút bị ảnh hưởng nhưng vẫn chưa đáng lo ngại.

Đóng cửa, sàn HOSE có 202 mã tăng và 252 mã giảm, VN-Index giảm 8,76 điểm (-0,58%) xuống 1.490,13 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 768 triệu cổ phiếu, giá trị 25.621,27 tỷ đồng, giảm 4,97% về khối lượng và 7,9784% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 36,58 triệu đơn vị, giá trị 972,7 tỷ đồng.

Các nhóm cổ phiếu thép và phân bón tiếp tục nổi sóng lớn với hàng loạt mã tăng kịch trần sau nhịp tăng khá mạnh ở phiên sáng nay.

Cụ thể, ở nhóm cổ phiếu thép, các mã HSG, NKG, TLH và SMC cùng tăng trần, trong đó HSG và NKG có lượng dư mua trần lên tới hơn 1 triệu đơn vị; trong khi POM tăng 4,6% lên vùng giá cao nhất ngày 14.650 đồng/CP, HPG cũng nới rộng biên độ trong phiên chiều khi tăng 2,8% lên mức 47.200 đồng/CP.

Bên cạnh đó, với diễn biến giá dầu thô Brent được dự báo sẽ tăng mạnh trên 100 USD/thùng do căng thẳng địa chính trị, nhóm cổ phiếu phân bón vẫn nối dài sóng tăng mạnh. Trong phiên hôm nay, hàng loạt mã trong ngành như DCM, DPM, TSC tăng trần, BFC tăng 3,42%.

Không chỉ tăng mạnh về giá, 2 nhóm cổ phiếu này cũng ghi nhận phiên giao dịch sôi động với HPG khớp lớn nhất thị trường, lên tới hơn 35,2 triệu đơn vị; HSG và NKG cũng thuộc top 5 về thanh khoản khi lần lượt khớp 21,87 triệu đơn vị và 21,87 triệu đơn vị; nhóm phân bón có DCM và DPM cùng khớp 9,7 triệu đơn vị, TSC khớp hơn 11 triệu đơn vị.

Ngoại trừ thép, cặp đôi trụ cột còn lại là ngân hàng và chứng khoán giao dịch khá yếu. Đặc biệt là dòng bank chỉ có MBB và TPB nhích nhẹ hơn 0,5%, còn lại hầu hết nới rộng đà giảm như CTG giảm hơn 2%, BID giảm gần 2%, EIB giảm hơn 3%, SSB giảm 2,5%...

Nhóm chứng khoán cũng chỉ còn một vài mã giữ được sắc xanh nhạt với mức tăng chỉ một vài bước giá, trong khi số mã giảm chiếm gấp đôi.

Như đã nói ở trên, ngoài dòng bank, nhóm bất động sản cũng là điểm trừ của thị trường trong phiên hôm nay. Bên cạnh các mã lớn nới rộng đà giảm như VIC giảm 2,65%, VHM giảm hơn 1%, BCM giảm 3,8%, NVL giảm 1,3%, các mã khác như DIG, PDR, DXG, CII, HBC giảm trên 2%...

Ở nhóm cổ phiếu VN30 ghi nhận 21 mã giảm trong khi chỉ có 8 mã giữ đà tăng. Bên cạnh đại diện nhóm thép là HPG tăng tốt, các mã khởi sắc còn lại chỉ có mức tăng trên dưới 1% như FPT, MBB, GAS, GVR, BVH, SAB.

Trái lại, cổ phiếu giảm sâu nhất là PNJ để mất 4,5% và kết phiên đứng tại mức giá thấp nhất ngày 103.000 đồng/CP, VJC cũng nới rộng biên độ khi giảm 3,4% xuống mức 140.100 đồng/CP…

Trên sàn HNX, thị trường biến động lình xình trên mốc tham chiếu trong suốt cả phiên chiều.

Kết phiên, sàn HNX có 116 mã tăng và 105 mã giảm, HNX-Index tăng 0,26 điểm (+0,06%) lên 440,42 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 98,75 triệu đơn vị, giá trị 2.775,22 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,35 triệu đơn vị, giá trị 82,24 tỷ đồng.

Ở nhóm cổ phiếu than, sắc tím đang lan rộng hơn với NBC, TVD, THT, TDN, TC6, MDC, HLC cùng kéo trần thành công, chỉ số TCS giữ mức tăng 4%.

Bên cạnh đó, hòa trong không khí chung của nhóm cổ phiếu hóa chất và phân bón, đại diện trên sàn HNX có PVC tăng kịch trần, LAS tăng 9,5% lên sát trần 23.000 đồng/CP, với khối lượng khớp lệnh sôi động, đạt gần 3,5 triệu đơn vị.

Một số mã khác trong nhóm HNX30 tăng tốt, hỗ trợ cho đà tăng của thị trường như PVB tăng 7%, VMC tăng 4,1%, PVS tăng 3,3%, TNG, HUT, TAR, DXP cùng tăng hơn 1%.

Một mã đáng chú ý khác trong nhóm này là TVC tiếp tục có phiên tăng mạnh cả về giá và thanh khoản. Kết phiên, TVC tăng kịch trần lên mức 22.300 đồng/CP với khối lượng khớp hơn 6,97 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu bất động sản LHC vẫn giảm mạnh nhất trong nhóm HNX30 khi để mất 5,2% xuống vùng giá thấp nhất trong ngày 142.100 đồng/CP.

Bên cạnh đó, cổ phiếu lớn khác trong ngành là IDC, CEO, THD cũng đồng loạt mất điểm.

Về thanh khoản, cổ phiếu PVS vẫn dẫn đầu với hơn 14,5 triệu đơn vị khớp lệnh. Tiếp theo đó là TVC khớp 6,97 triệu đơn vị và SHS khớp hơn 4 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, sau cú trượt chân ở phiên sáng, thị trường đã đi ngang dưới mốc tham chiếu trong suốt thời gian còn lại trong ngày.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,46 điểm (-0,41%) xuống 112,2 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 67,14 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.488 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,85 triệu đơn vị, giá trị 45,82 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR duy trì đà tăng nhẹ 0,4% lên mức 28.000 đồng/CP và vẫn là mã giao dịch sôi động nhất thị trường với 13,52 triệu đơn vị được khớp lệnh thành công.

Đáng chú ý, cặp đôi đại diện nhóm phân bón và thép là DDV và TVN, TNS cùng tăng tốc. Trong đó, DDV kết phiên tăng 9,1% lên mức 28.700 đồng/CP và khớp 2,72 triệu đơn vị, còn TVN tăng 10% lên 16.500 đồng/CP và khớp 2,77 triệu đơn vị; TNS kết phiên tăng trần với lượng dư mua trần gần 54.000 đơn vị.

Trong khi đó, nhóm ngân hàng vẫn duy trì đà giảm nhẹ với BVB giảm 0,5%, VAB giảm 1,3%, KLB giảm 1,1%, NAB giảm 0,5%...

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều đảo chiều giảm, với VN30F2203 đáo hạn gần nhất giảm 5,8 điểm 9-0,4%) xuống 1.511,2 điểm, khớp lệnh hơn 128.370 đơn vị, khối lượng mở gần 23.240 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, số mã giảm có phần chiếm áp đảo, trong đó dẫn đầu thanh khoản thị trường chứng quyền là CTCB2111 đạt hơn 211.610 đơn vị, kết phiên giảm 18,6% xuống mức 480 đồng/CQ.

Đứng ở vị trí tiếp theo là CHPG2203 khớp 181.070 đơn vị và kết phiên tăng 9,4% lên 1.860 đồng/CQ.

Tác giả: T.Thúy

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến