Dòng sự kiện:
Cổ phiếu TVN tiếp tục hút dòng tiền đầu tư
11/09/2021 16:51:29
Cổ phiếu TVN - Tổng công ty Thép Việt Nam (UPCoM) sau thời gian nằm sâu dưới giá trị sổ sách đã trở về giá trị thật trong đại dịch COVID-19 nhờ kết quả kinh doanh khả quan…

Cổ phiếu thép TVN cán mốc 17.500 đồng/cổ phiếu phiên giao dịch ngày 9/9. Đây là vùng giá cao nhất của TVN trong nhiều năm qua

Cổ phiếu thép TVN từ vùng giá 6.000 đồng/cp sau nhiều năm kinh doanh bết bát đã tăng vọt lên 17.500 đồng/cp trong phiên giao dịch ngày 9/9 với khối lượng và thanh khoản tăng vọt. Cụ thể phiên giao dịch ngày 9/9 hơn 5 triệu cổ phiếu được khớp lệnh với tổng giá trị khớp lệnh gần 100 tỷ đồng; Phiên ngày ngày 8/9 4,3 triệu cổ khớp lệnh với tổng giá trị lên tới gần 70 tỷ đồng; Phiên giao dịch ngày 7/9 với 2,4 triệu cổ khớp lệnh với tổng gía trị khớp lệnh gần 40 tỷ đồng…

Điều gì giúp cổ phiếu này từ dưới giá đáy, lại có bước tăng trưởng ngoạn mục như vậy?

TVN mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý 2/2021 và luỹ kế 6 tháng đầu năm 2021 với doanh thu và lợi nhuận tăng cao so với cùng kỳ.

Cụ thể riêng quý 2, doanh thu thuần của TVN đạt 10.925 tỷ đồng tăng 35,7% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán tăng ít hơn mức tăng của doanh thu nên lãi gộp đạt 886,6 tỷ đồng tăng 128% so với quý 2/2021. Trong kỳ TVN có gần 199 tỷ đồng doanh thu tài chính, hoạt động liên doanh liên kết lãi 76 tỷ đồng thay vì lỗ 153 tỷ đồng như quý 2/2020.

Kết quả sau khi trừ các khoản chi phí, TVN lãi sau thuế 576,3 tỷ đồng cao gấp 2,6 lần quý 2/2020, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ là 496 tỷ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận theo quý cao nhất trong lịch sử hoạt động của TVN. Như vậy, luỹ kế 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu của TVN đạt 20.370 tỷ đồng tăng 32,5% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 970,5 tỷ đồng cao gấp 3,8 lần nửa đầu năm ngoái. Riêng lợi nhuận sau thuế thuộc về công ty mẹ là 831,3 tỷ đồng.

Năm 2021, TVN đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 30.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 400 tỷ đồng. Sau 6 tháng đầu năm, TVN đã hoàn thành 67% kế hoạch doanh thu năm và 281% kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất.

Tính đến 30/6/2021, tổng tài sản của TVN đạt xấp xỉ 26.144 tỷ đồng, tăng 17,4% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền là 2.225 tỷ đồng, tăng mạnh 44,5% so với hồi đầu năm và chiếm 8,5% tổng tài sản; hàng tồn kho tiếp tục tăng gần 10% lên 4.165 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ phải trả của Công ty vẫn ở mức cao, lên tới gần 15.212 tỷ đồng, chiếm 58% tổng nguồn vốn. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn gần 6.465 tỷ đồng, tăng 35,8% so với hồi đầu năm…

Đánh giá về cổ phiếu ngành thép nói chung của Công ty Chứng khoán SSI cho thấy, các doanh nghiệp ngành thép quý 2 nói riêng và giai đoạn từ cuối năm 2021 đến nay nói chung đều là tâm điểm chú ý của các nhà đầu tư. Điểm sáng là giá thép liên tục tăng mạnh, nhu cầu tiêu thụ cũng tăng theo, dẫn đến doanh thu và cả lợi nhuận của hầu hết các doanh nghiệp ngành thép trên sàn đều tăng. Điểm nhấn trong số đó là rất nhiều doanh nghiệp có lợi nhuận "tăng bằng lần".

Giá thép tăng là một nguyên nhân chính khiến TVN và nhiều doanh nghiệp trong ngành có lãi trong năm 2020-2021

SSI nhận định, tăng trưởng nhu cầu trong nước dự kiến sẽ phục hồi trở lại mức bình thường là 8% so với mức thấp trong năm 2020. Các động lực thúc đẩy nhu cầu thép bao gồm đầu tư cơ sở hạ tầng và dòng vốn FDI, điều này cũng giúp thúc đẩy hoạt động xây dựng dân dụng dọc theo các công trình cơ sở hạ tầng và dự án FDI kéo theo nhu cầu về thép tăng cao.

Theo Hiệp hội Thép Thế giới, nhu cầu thế giới dự kiến sẽ tăng 4,1% trong năm 2021 sau khi giảm 2,4% vào năm 2020 - được thúc đẩy bởi sự phục hồi ở các thị trường phát triển. Nhu cầu của thị trường mới nổi (ngoại trừ Trung Quốc) dự kiến cũng sẽ tăng 9,4% trong năm 2021. Mặt khác, sau khi ước tính tăng 8% trong năm 2020 - được thúc đẩy bởi đầu tư cơ sở hạ tầng. Do đó, SSI ước tính xuất khẩu thép của Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng một con số trong năm tới.

Tuy nhiên, nguồn cung thế giới ổn định cũng có thể dẫn đến áp lực cạnh tranh gay gắt hơn đối với thị trường xuất khẩu. Giá tăng có xu hướng tăng sẽ tiếp tục thúc đẩy tỷ suất lợi nhuận của các công ty thép cải thiện trong ngắn hạn, nhưng có khả năng đảo chiều. SSI nhận định, giá thép tăng rất nhiều trong nửa cuối năm do nhu cầu thế giới phục hồi và nguồn cung bị gián đoạn ở cả thép và nguyên liệu thô. Giá thép có xu hướng tăng trong nửa cuối năm nhờ nhu cầu tăng mạnh cùng với việc cắt giảm công suất ở Trung Quốc, nhu cầu dồn nén từ các thị trường khác và giá quặng sắt tăng do sự gián đoạn nguồn cung, đặc biệt là ở Brazil do dịch COVID-19.

Do vậy các ngành thép trong nước hưởng lợi. Với thị phần xuất khẩu khá lớn và nhiều các doanh nghiệp thành viên, dự báo cổ phiếu TVN cũng sẽ hưởng lợi từ kết quả kinh doanh của chính doanh nghiệp. Theo đó, nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu TVN cho mục tiêu dài hơi. SSI khuyến nghị nhà đầu tư cũng có thể chốt lời trong ngắn hạn đối với cổ phiếu TVN ở vùng giá 25.000 đồng/cp.

Tác giả: Dương Thùy

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến