Dòng sự kiện:
Cổ phiếu vận tải biển cưỡi sóng vượt thị trường
03/08/2021 10:38:25
Mặc dù thị trường đỏ lửa nhưng cổ phiếu ngành cảng và vận tải biển tiếp tục tăng trần, hút mạnh dòng tiền.

Cảng Hải An-Hải Phòng lãi kỷ lục sau nhiều năm do dịch COVID-19 tác động đứt gãy chuỗi cung ứng logistic

Điển hình là cổ phiếu DVP - Cảng Đình Vũ; cổ phiếu GMD - Công ty CP Gemadep; VNA - Công ty Cổ phần vận tải biển Ship; Cổ phiếu HAH - Công ty Cổ phần Vận tải Xếp dỡ Hải An; VOS - Công ty Vận tải biển Việt Nam. Nhóm cổ phiếu này liên tục làm mưa làm gió trên thị trường những ngày qua.

Trong đó, cổ phiếu GMD từ vùng giá 15.000 đồng/cổ phiếu tháng 7/2020 đến nay đã tăng 47.000 đồng/cổ phiếu; HAH từ vùng giá 10.000 đồng/cổ phiếu tăng lên 47.200 đồng/cổ phiếu; VOS từ vùng giá 2.000 đồng/cổ phiếu tăng lên 8.000 đồng/cổ phiếu; VNA từ vùng giá 5.000 đồng/cổ phiếu tăng lên 22.000 đồng/cổ phiếu; DVP cũng cán mốc 54.000 đồng/cổ phiếu và đây là vùng giá cao nhất của DVP trong nhiều năm qua...

Ông Nguyễn Hải Tùng - Đại lý vận tải biển Hải Phòng cho biết, nhóm cổ phiếu này liên tục nổi sóng từ đầu năm 2020 đến nay, do đại dịch COVID-19 đã đứt gãy chuỗi vận tải biển khiến cho nhóm này còn duy trì được hoạt động cung ứng, vận chuyển của mình, qua đó trực tiếp hưởng lợi…Chưa dừng lại ở đó, giá cước tàu biển từ Việt Nam liên tục tăng cao từ đầu năm 2021. Đơn cử, giá cước đi Mỹ cuối tháng 7 vừa qua lại phá kỷ lục với gần 20.000 USD/container, trong khi thời điểm cuối năm 2020 chỉ ở mức 8.000-9.000 USD/container.

Chia sẻ với DĐDN, ông Vũ Ngọc Sơn – Chủ tịch Cty CP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH) – cho biết, vì hạn chế lưu thông bằng đường bộ nên các cảng tại khu vực Tp.HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu đã bắt đầu bị ùn tắc do không giải phóng được hàng khỏi cảng. Bên cạnh đó, giá trên các tuyến liên lục địa đã, đang và sẽ tiếp tục tăng. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới ngành cảng biển và vận tải biển kéo dài thời gian hưởng lợi của mình.

Thực tế thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hầu hết các khu vực, các nền kinh tế lớn đều bị ảnh hưởng và phải thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội. Vì vậy tình trạng container bị tồn đọng, kéo dài thời gian luân chuyển đã xảy ra từ giữa năm 2020 đến nay, ước tính thời gian luân chuyển bình quân một chu kỳ hay một chuyến của container đã tăng thêm từ 20% đến 30%, đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu hụt vỏ container và tàu chở container trên toàn thế giới.


Giá cước vận tải biển liên tục tăng cao

Sau khi tạm khống chế được dịch từ cuối năm 2020, kinh tế Mỹ, Trung Quốc và Châu Âu bùng nổ, nhập khẩu vào Mỹ, châu Âu tăng vọt gây tình trạng ùn tắc ở hầu hết các cảng bờ Tây nước Mỹ và Bắc Âu trong suốt quí 2/2021.

Tính đến cuối quý 1/2021 tình trạng ùn tắc vừa được cải thiện thì ngày 23/3/2021 xảy ra vụ tàu của hãng Evergreen mắc cạn gây tắc luồng qua kênh đào Suez. Tai nạn này làm đứt gãy chuỗi cung ứng trên tuyến Á – Âu, ảnh hưởng đến gần 20% lượng hàng lưu thông của thương mại toàn cầu.

Hội đồng vận tải thế giới (WTC) nhận định sẽ rất khó để biết khi nào thì chi phí vận tải biển tạo đỉnh, đặc biệt trong bối cảnh chuỗi cung ứng vẫn chưa thể khôi phục hoàn toàn. Trước cơ hội này, rất nhiều các hãng tàu lớn trên thế giới công bố kết quả kinh doanh đột biến trong quý 1 và quí 2/2021 và không ngoài dự đoán, nhóm cổ phiếu cảng biển, vận tải biển Việt Nam tiếp tục thăng hoa...

Tác giả: Dương Thùy

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến