Dòng sự kiện:
Cổ phiếu vua: 'Hai kéo, một đẩy'
11/01/2022 13:33:14
Kinh tế phục hồi thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, câu chuyện tăng vốn của các ngân hàng là yếu tố cơ bản khiến thị trường kỳ vọng cổ phiếu ngân hàng tăng giá, nhưng vẫn còn ẩn số nợ xấu.

Trong giai đoạn dịch bệnh, khả năng trả nợ của khách hàng giảm đáng kể, khiến tỷ lệ nợ xấu tại nhiều ngân hàng tăng.
 
Những yếu tố “đẩy”

Vốn hóa nhóm ngành ngân hàng có diễn biến tăng nhanh kể từ tháng 4/2020 theo xu hướng tăng điểm của thị trường chứng khoán và đạt đỉnh vào tháng 6/2021. Sau một đợt giảm và tích lũy đi ngang, tính đến cuối năm 2021, cổ phiếu dòng ngân hàng tăng giá trở lại, giá trị vốn hóa đạt hơn 1,865 triệu tỷ đồng.

Về định giá cổ phiếu theo hệ số P/B, ngành ngân hàng đạt đỉnh lịch sử vào tháng 4/2018 ở mức 3,42 lần, nhưng 1 tháng sau giảm còn 2,41 lần. Trước thời điểm nhóm ngành ngân hàng bước vào sóng tăng kể từ tháng 4/2020, P/B toàn ngành là 1,29 lần.

Hiện tại, P/B của ngành ngân hàng là 2,26 lần, cao hơn so với mức bình quân 1,93 lần trong giai đoạn 2016 - 2021.

Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, định giá P/B ngành ngân hàng Việt Nam đang ở mức khá cao so với các nước trong khu vực châu Á, nhưng với những thông tin tích cực về hoạt động tăng vốn của các ngân hàng thương mại trong năm 2022, cổ phiếu vẫn có dư địa tăng giá.

VPBank đã có kế hoạch tăng vốn lên tối thiểu 75.000 tỷ đồng, nhiều khả năng sẽ trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống. Vietcombank muốn tăng vốn điều lệ lên hơn 50.400 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành riêng lẻ. VietinBank kỳ vọng tăng vốn lên 54.134 tỷ đồng…

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV Phan Đức Tú, tăng năng lực tài chính là điều kiện tiên quyết đối với các tổ chức tín dụng để đáp ứng các chỉ số an toàn và phát triển tín dụng. Áp lực tăng vốn khi tiếp tục thực hiện tiêu chuẩn Basel 2 nâng cao, Basel 3 và đặc biệt trong giai đoạn 2022 - 2023, khi Chính phủ thực hiện chương trình phục hồi kinh tế, đòi hỏi duy trì mức tăng trưởng tín dụng cao.

Liên quan đến tín dụng, tăng trưởng thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam được nhận định là một trong những “bàn đạp” của tăng trưởng kinh tế, nhưng đại dịch Covid-19 đã làm giảm tốc độ tăng của thị trường này.

Cụ thể, năm 2020, dư nợ cho vay tiêu dùng đạt hơn 1,863 triệu tỷ đồng, tăng 10,7% so với năm 2019, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kép 27,3% trong giai đoạn 2016 - 2019. Tuy nhiên, tỷ trọng cho vay tiêu dùng trong tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng được nâng từ mức 14,8% năm 2016 lên hơn 20% năm 2020.

Đáng chú ý, trong cơ cấu cho vay tiêu dùng, tỷ trọng các khoản vay từ ngân hàng vẫn chiếm áp đảo với hơn 92,7%. Đây là mảng đem lại động lực tăng trưởng chính cho toàn thị trường cho vay tiêu dùng trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19, khi tăng trưởng tín dụng của các công ty tiêu dùng độc lập bị ảnh hưởng nặng nề.

Cụ thể, mảng cho vay tiêu dùng của ngân hàng đạt tốc độ tăng trưởng hơn 11,7%, hơn gấp đôi mức tăng 5% của các công ty tài chính tiêu dùng độc lập trong năm 2020.

Điều này được lý giải, các ngân hàng sở hữu tệp khách hàng có sức khỏe tài chính tốt hơn hẳn so với các công ty tài chính độc lập, nên khi dịch bệnh xảy ra, nhu cầu của nhóm khách hàng của ngân hàng bị ảnh hưởng ít hơn và vẫn có nhu cầu tín dụng cao hơn.

“Trong quý IV/2021, với việc nền kinh tế mở cửa trở lại, cộng với nhu cầu chi tiêu dịp Tết và hầu hết các cơ sở kinh tế gia tăng kích cầu nhằm bù đắp cho 2 quý trước đó, nhu cầu tín dụng tiêu dùng tăng mạnh, có thể kéo dài sang năm 2022”, một lãnh đạo cao cấp MB nói.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định, trong trung và dài hạn, Việt Nam tiếp tục là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, kéo theo nhu cầu tín dụng cho mảng bán lẻ. Do đó, bức tranh tăng trưởng của ngành cho vay tiêu dùng vẫn sẽ khả quan.

Nợ xấu là yếu tố “kéo”

Lạc quan về hệ thống ngân hàng trong năm 2022, nhưng ông Nghĩa lưu ý, vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại như chất lượng các khoản vay giảm, ảnh hưởng đến chất lượng tài sản. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh, khả năng khách hàng trả nợ giảm đáng kể, khiến tỷ lệ nợ xấu sau khi giảm mạnh trong giai đoạn tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trước đây đã tăng trở lại.

Về vấn đề này, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, nếu tính cả dư nợ của khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN có nguy cơ chuyển thành nợ xấu thì tỷ lệ nợ xấu hiện nay khoảng 7,31% và nhiều khả năng sẽ còn cao hơn trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, việc mua trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng trước đây được nhìn nhận là một cách để các ngân hàng cho vay doanh nghiệp bất động sản, vừa tránh được chủ trương siết cho vay vào lĩnh vực rủi ro, không phải trích lập dự phòng rủi ro, vừa “làm đẹp” bảng cân đối tài chính đã phải dừng lại từ ngày 15/1/2022, thời điểm Thông tư 16/2021/TT-NHNN có hiệu lực.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, một mốc thời gian quan trọng khác cần theo dõi là thời hạn cơ cấu nợ xấu chỉ kéo dài đến ngày 30/6/2022. Do không còn đợt giãn nợ nào khác nên sau thời hạn này, các ngân hàng sẽ công bố nợ xấu thực tế, nợ xấu ngân hàng dự kiến tăng lên.

“Nợ xấu của các khoản vay mới sẽ tăng, cộng thêm nợ xấu cũ được giãn, hoãn theo Thông tư 01, 03, 14 của Ngân hàng Nhà nước, có thể làm cho chất lượng tài sản của các ngân hàng thương mại giảm sút. Dự báo, có khoảng 3 triệu tỷ đồng tín dụng (trong tổng số trên 10 triệu tỷ đồng tín dụng) nằm trong tình trạng có rủi ro cao”, ông Nghĩa nói.

Vị chuyên gia này cho rằng, cơ quan quản lý nên có lộ trình giảm dần việc giãn, hoãn nợ, trên cơ sở đó cho phép các ngân hàng thương mại tăng trích lập dự phòng rủi ro, phục hồi lãi suất và phí theo thị trường một cách rõ ràng để các ngân hàng cân đối dòng tiền, đảm bảo ổn định thanh khoản. Đồng thời, áp dụng quy chế quản lý ngoại bảng linh hoạt (tái cơ cấu nợ, chuyển nợ thành vốn, xóa nợ….) để từng bước “làm sạch” bảng cân đối tài sản, chuẩn bị cho một chu kỳ hoạt động mới.

Thực tế cho thấy, với tốc độ tăng trưởng của quy mô thị trường chậm lại đi cùng với tỷ lệ nợ xấu đang có xu hướng tăng lên, điều này đã ảnh hưởng đến khả năng sinh lợi của toàn ngành nói chung.

Các ngân hàng sẽ phải cân bằng lại giữa mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận và kiểm soát chất lượng tài sản trong bối cảnh biên lợi nhuận thấp hơn và rủi ro tăng.

Cụ thể, biên lợi nhuận từ lãi (NIM) của ngành ngân hàng giảm từ mức 30,6% năm 2016 xuống 24,4% năm 2020. Trong thời gian đại dịch, các tổ chức tín dụng đều phải thực hiện giảm lãi suất theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước nhằm hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, chất lượng tài sản giảm kéo theo gánh nặng chi phí trích lập dự phòng. Đây là 2 yếu tố chính khiến NIM giảm.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, NIM của không ít ngân hàng được cải thiện, bởi lãi suất huy động giảm, trong khi lãi suất cho vay giảm ít hơn. Tuy nhiên, bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối phân tích Công ty Chứng khoán

VNDIRECT cho biết: “Việc cải thiện NIM đã chậm lại trong nửa cuối năm 2021 và có thể giảm trong năm 2022 do các ngân hàng đã được yêu cầu hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng. Mặt khác, chúng tôi thấy chất lượng tài sản ngân hàng suy giảm, với tỷ lệ nợ xấu trung bình tăng lên 1,64% vào cuối quý III/2021, từ mức 1,49% cuối quý II/2021. Ngoài ra, nợ tái cơ cấu toàn hệ thống đã tăng, do đó, các ngân hàng sẽ phải cân bằng lại giữa mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận và kiểm soát chất lượng tài sản trong bối cảnh NIM thấp hơn và rủi ro tăng”.

Tác giả: Nhuệ Mẫn

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến