Trao đổi với Thời báo tài chính, Vụ trưởng Vụ thanh tra, kiểm tra (Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính) Vũ Mạnh Cường đã cho biết thông tin trên.
Động thái này nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cơ quan thuế không thanh tra doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19. (Ảnh minh hoạ)
Ông Vũ Mạnh Cường cho biết, ngày 10/1/2019, Tổng cục Thuế đã ban hành Quyết định số 41/QĐ-TCT về việc giao chỉ tiêu thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp năm 2020 cho cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trên cơ sở kế hoạch thanh tra, kiểm tra của các cục thuế, Tổng cục Thuế cũng đã ban hành Quyết định số 42/QĐ-TCT về việc phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế năm 2020 cho các cục thuế.
Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và nền kinh tế. Điều này nằm ngoài dự báo của Tổng cục Thuế khi xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra cho năm 2020.
Tổng cục Thuế đã có văn bản chỉ đạo cục thuế các tỉnh, thành phố tổ chức quán triệt và giao nhiệm vụ cụ thể đến từng bộ phận, đơn vị có chức năng thanh tra, kiểm tra.
Trên cơ sở phân tích rủi ro chuyên sâu, dựa trên cơ sở dữ liệu thông tin điện tử của ngành Thuế, kết hợp với thông tin từ các cơ quan quản lý Nhà nước để xác định kịp thời, chính xác các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gian lận, trốn thuế...
Theo Tổng cục Thuế, đối với các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, cụ thể như: Nhà hàng, khách sạn, du lịch, hàng không... ngành Thuế chưa thực hiện thanh tra, kiểm tra; yêu cầu các cục thuế xem xét phân tích rủi ro chuyên sâu đối với các doanh nghiệp này, báo cáo cơ quan thuế cấp trên để thực hiện điều chỉnh kế hoạch đối với các doanh nghiệp có yếu tố rủi ro thấp theo quy định.
"Ngoài việc không thanh tra, kiểm tra đối với DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, để DN yên tâm sản xuất kinh doanh, chúng tôi cũng yêu cầu các cục thuế thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ, đó là không thanh tra, kiểm tra ngoài kế hoạch, trừ trường hợp đặc biệt được giao. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc công tác thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, xử lý chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra, kiểm tra. Đối với các trường hợp chồng chéo trong kế hoạch thanh tra, thì thực hiện theo đúng nguyên tắc và thẩm quyền được quy định tại Điều 15, Nghị định số 82/2012/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành tài chính", ông Cường nói.
Hàng năm, việc thanh tra, kiểm tra góp phần tăng thu cho ngân sách Nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng. Điều này không chỉ đảm bảo nguồn thu cho ngân sách, mà còn mang lại sự công bằng giữa các doanh nghiệp, góp phần ngăn chặn, răn đe đối với các doanh nghiệp có vi phạm về thuế.
Hiện nay, việc lựa chọn kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế được thực hiện theo nguyên tắc rủi ro, nghĩa là chỉ những doanh nghiệp có điểm rủi ro cao được lựa chọn qua ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra và cơ sở dữ liệu ngành Thuế quản lý mới đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế. Do đó đã tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, giúp cho công tác quản lý thuế ngày càng hiệu quả.
Thảo Nhi (t/h)
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy