Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, tuyến Nha Trang - Cam Lâm bắt đầu thu phí từ 0h ngày 26/4. Trong đó, thu phí kín nội tuyến từ ngày 26/4 đến ngày 27/5 và thu phí kín liên tuyến từ ngày 28/5.
Tuyến này hiện có 4 trạm thu phí là trạm Diên Khánh, trạm Suối Dầu, trạm Cam Lâm và trạm Cam Ranh. Các trạm thu phí được tổ chức thu phí theo mô hình đầu vào thu phí điện tử không dừng (ETC ) đa làn tự do (không có barie), đầu ra ETC đơn làn (có barie) và không có làn thu phí một dừng.
Tuyến Nha Trang - Cam Lâm với tổng chiều dài hơn 49 km chia thành 5 nhóm thu phí. Mức thu phí khi đi hết tuyến cao tốc có giá thấp nhất là gần 82.000 đồng và cao nhất là hơn 311.000 đồng.
Tính từ ngày 1/6-30/6 trên toàn tuyến có hơn 230.000 lượt xe qua, với tổng doanh thu hơn 20 tỷ đồng.
Trong khi đó, dự án thành phần đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo bắt đầu thu phí từ 0h ngày 28/5. Tuyến có 4 trạm thu phí gồm: Trạm Du Long, trạm Phan Rang (2 nhánh), trạm cuối tuyến Km133+700 được tổ chức thu phí theo mô hình đầu vào không có barie, đầu ra có barie, không có làn thu phí một dừng.
Tuyến này thu phí thành 5 nhóm, với giá dao động 130.000 - 497.000 đồng mỗi lượt (tính đến hết tuyến), tùy loại xe.
Tính từ ngày 28/5-28/6 có gần 281.000 lượt xe qua tuyến. Tổng doanh thu toàn tuyến đạt hơn 50 tỷ đồng.
Tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, và Nha Trang - Cam Lâm được tổ chức thu phí theo mô hình đầu vào thu phí điện tử không dừng.
Theo Cục Đường bộ Việt Nam, việc triển khai thí điểm mô hình bỏ barie đầu vào tại 2 dự án cao tốc cho thấy, các đơn vị vận hành, đơn vị cung cấp dịch vụ gặp một số vướng mắc trong vận hành, phối hợp xử lý. Theo đó, do mô hình thu phí mới nên phát sinh các trường hợp không có trong kịch bản tính toán trước đó. Công tác hậu kiểm, đối soát phải tăng cường để phối hợp xử lý liên tuyến do các phương tiện không đủ điều kiện đi vào tuyến, và các phương tiện không có thông tin đầu vào.
Nhiều xe chưa có tài khoản giao thông, không đủ tiền trong tài khoản, không có thông tin đầu vào, xe không đọc được thẻ, xe không ghi nhận thông tin đầu vào.
Cục Đường bộ Việt Nam cho biết sẽ hoàn thiện báo cáo đánh giá công tác thí điểm mô hình thiết kế hệ thống thu phí ETC tại các tuyến cao tốc này. Với tỷ lệ phương tiện không có thông tin đầu vào còn cao, mô hình thí điểm cần được đánh giá các chỉ số hiệu năng vận hành, hoàn thiện giải pháp kỹ thuật, đánh giá sự cần thiết đầu tư lắp đặt giá long môn phân tách giữa các đoạn tuyến.
Hiện, cao tốc Bắc Nam có 3 tuyến cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo được đầu tư theo hình thức PPP. Ngoài tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã triển khai thu phí, dự kiến đến 30/9, tuyến cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt dự kiến thu phí.
Cùng với đó, hiện Bộ Giao thông vận tải lên phương án thu phí đối với các tuyến cao tốc do ngân sách Nhà nước đầu tư. Phương án dự thảo đang đưa ra mức từ 1.300 - 1.500 đồng/km với xe tiêu chuẩn dưới 9 chỗ ngồi. Cao nhất từ 5.200 - 6.000 đồng/km với xe container 40 feet và xe tải trọng từ 18 tấn trở lên.
Tác giả: Xuân Phong
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy