Dòng sự kiện:
Chuỗi siêu thị mẹ và bé Con Cưng có gì để được định giá tới 1.300 tỷ đồng?
17/02/2020 12:48:55
CTCP Đầu tư Con Cưng đã hoàn tất phát hành 41 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi với mức giá chuyển đổi lên đến 484.629 đồng/cp. Mức giá trên tương ứng với việc định giá Con Cưng Investment lên tới hơn 1.300 tỷ đồng.

Mức định giá "sốc" của Con Cưng: 485.000 đồng/cổ phần

Vừa qua, CTCP Đầu tư Con Cưng (viết tắt: CCI) đã phát hành riêng lẻ 41 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi, không có tài sản bảo đảm và không kèm chứng quyền.

Công bố thông tin về đợt phát hành này, CCI cho biết nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đã mua vào 28,196 tỷ đồng, chiếm 66,77% tổng khối lượng trái phiếu phát hành. Số trái phiếu còn lại được bán cho các nhà đầu tư tổ chức trong nước. Đơn vị tư vấn, đại lý cho đợt phát hành là CTCP Chứng khoán SSI (mã CK: SSI).

Lô trái phiếu có lãi suất 8%/năm, kỳ hạn 1 năm. Mệnh giá mỗi trái phiếu là 1 triệu đồng.

Đáng chú ý, người sở hữu có thể thực hiện quyền chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu của CCI với mức giá chuyển đổi là 484.629 đồng/cổ phần.

Nếu chuyển đổi toàn bộ lượng trái phiếu trên thành cổ phiếu thì vốn điều lệ của Con Cưng Investment sẽ tăng từ mức hiện tại 26,25 tỷ đồng lên hơn 27 tỷ đồng.

Mức giá trên tương ứng với việc định giá Con Cưng Investment lên tới hơn 1.300 tỷ đồng, bằng 87% so với vốn hóa thị trường 1.500 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (viết tắt: FPT Retail) dù cho doanh số và lợi nhuận của Con Cưng đang kém xa.

Giữa năm 2019, Con Cưng cũng đã huy động thành công 98 tỷ đồng trái phiếu kì hạn 18 tháng, tuy nhiên là loại trái phiếu không chuyển đổi. Lãi suất trái phiếu 11%/năm. 

Có giá tới 485.000 đồng/cp, hệ thống bán lẻ Con Cưng được định giá hơn 1.300 tỷ đồng (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)

Quá trình phát triển của Con Cưng

Thành lập năm 2011, Con Cưng là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực kinh doanh ngành hàng trẻ em tại Việt Nam với việc phát triển hệ thống bán lẻ cho mẹ bầu và em bé gồm Con Cưng, Toycity và CF (Con Cung Fashion).

Năm 2015, Con Cưng chuyển thành công ty cổ phần với vốn điều lệ hơn 15 tỷ đồng, 3 cổ đông sáng lập có ông Nguyễn Quốc Minh góp đến 99,98% vốn điều lệ; hai cổ đông còn lại là bà Thái Thị Mỹ Linh và ông Lưu Anh Tiến mỗi người góp 1,5 triệu đồng (giữ 0,01% vốn điều lệ).

Đến tháng 4/2016, vốn điều lệ Con Cưng tăng lên gần 33,54 tỷ đồng. Trong đó, ông Nguyễn Quốc Minh tiếp tục rót vốn thêm 17,53 tỷ đồng vào Con Cưng, nâng tỷ lệ sở hữu lên 99,99%, hai cổ đông còn lại giữ nguyên vốn góp.

Nhưng chỉ sau một tháng, ông Minh bất ngờ bán đi gần như toàn bộ cổ phần tại Con Cưng và chỉ còn giữ lại 150 cổ phiếu (0,005%), một cổ đông sáng lập khác là ông Lưu Anh Tiến cũng tiến hành thoái toàn bộ vốn. Ngay sau đó, phần vốn còn lại của ông Minh được chuyển sang cho ông Tiến, như vậy, cổ đông sáng lập lớn nhất của Con Cưng không còn nắm bất kỳ cổ phần nào.

Đến tháng 6/2018, đến lượt bà Thái Thị Mỹ Linh thoái 150 cổ phần tại Con Cưng, qua đó không còn là cổ đông. Ông Nguyễn Quốc Minh trở lại ghế Chủ tịch HĐQT tiếp quản công ty đã tăng vốn điều lệ lên mức 200 tỷ đồng.

Đầu năm 2017, quỹ đầu tư Tăng trưởng Việt Nam Daiwa – SSIAM II, do SSIAM đồng quản lý với Daiwa Corporate Investment đầu tư vào hệ thống của Con Cưng, số tiền bỏ ra khi đó không được tiết lộ cụ thể.

Hệ thống của Con Cưng kể từ đó được quỹ Daiwa – SSIAM II hỗ trợ nâng cao về chất lượng quản trị và hệ thống tài chính.

Bất ngờ dính khủng hoảng

Được hậu thuẫn bởi một quỹ đầu tư có tên tuổi, tuy nhiên năm 2018, Con Cưng bất ngờ gặp khủng hoảng liên quan đến nguồn gốc hàng hóa.

Cụ thể, sự cố của Con Cưng bắt đầu từ việc ông Trương Đình Công Vĩnh, phường 14, quận Tân Bình, TP HCM tố cáo doanh nghiệp bán hàng không rõ nguồn gốc. Theo ông Vĩnh, ngày 22/5, ông có mua tổng cộng 7 sản phẩm dành cho bé ở một siêu thị thuộc hệ thống của Con Cưng tại địa chỉ 788 Âu Cơ, phường 14, quận Tân Bình.

Tuy nhiên khi về nhà, khách hàng này phát hiện một bộ quần áo màu hồng dành cho bé gái có mã sản phẩm CF G127011, trị giá 329.000 đồng có dấu hiệu bị cắt nhãn cũ và thay thế bằng nhãn CF (Con Cưng Fashion), có ghi xuất xứ từ Thái Lan.

Khách hàng tố cáo vụ việc và hiện nay cơ quan quản lý thị trường đã vào cuộc.

Sự cố này có lẽ sẽ kéo dài khi Bộ Công Thương đã vào cuộc kiểm tra 70 cửa hàng Con Cưng và phát hiện thêm một số sai phạm, các sản phẩm không có hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ đều bị tạm giữ.

Theo thống kê của công ty, hiện số lượng sản phẩm lỗi đã bán cho khách hàng là 3.942 sản phẩm. Ngay khi phát hiện, công ty đã thông báo cho khách hàng mua sản phẩm để tiến hành thu hồi và tặng phiếu mua hàng miễn phí qua tin nhắn. Tuy nhiên, đến nay, công ty chỉ mới thu hồi được 47 sản phẩm lỗi đã bán.

Đồng thời, công ty này cũng thu hồi 5.982 sản phẩm trên toàn hệ thống và làm việc, trả lại sản phẩm cho nhà sản xuất.

Con Cưng cũng đã có thông báo chính thức trên website và fanpage về vụ việc. Công ty cho rằng sau khi làm việc với nhà sản xuất, đơn vị này đã xác nhận xảy ra lỗi kỹ thuật trong khâu thành phẩm, tuy nhiên hàng hóa vẫn đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn xuất khẩu của Thái Lan.

Và kết luận của cơ quan điều tra có thế nào, Con Cưng có lừa dối người tiêu dùng hay không thì vụ việc nói trên cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh thương hiệu này trên thị trường.

Dù vậy, tới cuối năm 2019, hệ thống cửa hàng mang thương hiệu Con Cung, Toycity & CF (Con Cưng Fashion) đã đạt 458 cửa hàng. Công ty đặt mục tiêu đển năm 2020 sẽ phát triển 1.000 cửa hàng trên cả nước.

Khánh Linh (t/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến