Con trai công tử Bạc Liêu và chuyện “ăn mày dĩ vãng”
21/08/2014 09:29:40
Thấm thoắt đã hơn nửa thế kỷ kể từ ngày công tử Bạc Liêu – kẻ được thiên hạ mệnh danh “đệ nhất ăn chơi”- từ bỏ bụi trần đi về thế giới bên kia nhưng tiếng tăm của ông vẫn không phai nhòa với rất nhiều giai thoại.
Sản nghiệp đồ sộ với hơn 140.000 ha lúa, 10.000 ha đồng muối cùng hàng loạt bất động sản của dòng họ Trịnh Gia đã không còn. Tuy nhiên, cái tên “Công tử Bạc Liêu” giờ đây đã trở thành một thương hiệu, “đặc sản” của Bạc Liêu, đang hàng ngày góp phần phát triển du lịch của xứ này. Ngẫm cho cùng, cũng nên có một cái nhìn, một cách ứng xử công bằng đối với vị công tử nổi tiếng này…

Ông Trần Trinh Đức (con trai của Công tử Bạc Liêu) với cây đờn tranh thân bằng cây tre của cha mình để lại.  

Một thời vang bóng

Nghe danh công tử Bạc Liêu đã lâu nhưng cứ nghĩ cuộc đời, sự nghiệp, thói chơi ngông hoang tàn của con người này phần nhiều do thêu dệt, đồn thổi. Chỉ khi về Bạc Liêu, đặt chân đến Nhà Lớn (biệt thự của dòng họ Trần Gia nằm tại Thị xã Bạc Liêu, nằm ven sông Bạc Liêu) mới thấy hết cái sự “hoành tráng” một thời của vị đại công tử này. Cho đến bây giờ, cơ ngơi đồ sộ với những căn biệt thự của gia đình ông hàng ngày soi bóng xuống sông Bạc vẫn khiến du khách choáng ngợp, trầm trồ thán phục. Thật không ngờ, ngay từ năm 1919, tại xứ Bạc Liêu còn nhiều mông muội ấy đã có một đại gia dám bỏ ra cả ngàn vạn ngân lượng xây dựng khu biệt thự kiểu Tây này.
Công tử Bạc Liêu tên thật là Trịnh Gia Huy, sinh năm 1900, trong gia đình có 7 anh chị em, là con thứ ba của vợ chồng ông Hội đồng Trịnh Trinh Trạch và bà Phan Thị Mùi. Đây là một dòng họ nổi tiếng giàu có ở Nam Kỳ những năm đầu thế kỷ 20. Thống kê sơ bộ, dòng họ này có tới hơn 100 nghìn ha lúa, 10.000 ha đồng muối, hàng loạt nhà máy xay xát, tầu bè để buôn bán gạo, xe hơi đời mới lúc đó và cả máy bay (người thứ hai mua máy bay ở Việt Nam lúc đó sau vua Bảo Đại). Công tử Bạc Liêu sớm được gửi đi học trường Tây và đi du học bên Pháp, chuyên ngành nông nghiệp. Khi về nước, ông trở nên nổi tiếng nhất dòng họ nhờ khả năng giao thiệp và cả các món ăn chơi khiến giới “quý tộc” Nam Kỳ lúc đó phải ngả mũ bái phục. Cơ nghiệp dòng họ Trịnh Gia bắt đầu suy tàn khi cách mạng tháng 8 thành công và chính thức chấm dứt khi đất nước hoàn toàn giải phóng. Riêng công tử Bạc Liêu mất năm 1972 tại Sài Gòn, con cháu li tán khắp nơi và cho đến nay, không có ai theo nghiệp kinh doanh, không một ai giàu có. Nhà Lớn với các biệt thự tại Thị xã Bạc Liêu của dòng họ này cũng do Nhà nước tiếp quản, số ruộng đất khổng lồ cũng đã bị chính quyền Nguyễn Văn Thiệu trưng dụng phục vụ chính sách mị dân “Người cày có ruộng” từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước. Không ai giàu ba họ, câu tục ngữ này hoàn toàn đúng với công tử Bạc Liêu, đặc biệt là khi đất nước xảy ra quá nhiều biến cố… Đất nước giải phóng, người nông dân Bạc Liêu hoàn toàn làm chủ trên chính mảnh ruộng mà nhiều đời trước ông cha họ phải chịu kiếp tá điền cho những đại điền chủ như công tử Bạc Liêu. Người đời cũng đã quên đi dòng họ Trịnh Gia và những dấu tích của họ trên mảnh đất này cho đến khi vị con trai thứ tư của công tử Bạc Liêu xuất hiện thì nhiều câu chuyện về công tử Bạc Liêu mới được hé mở, chấm dứt nhiều giai thoại xung quanh con người này…
Những chuyện vậy mà không phải vậy
Năm 2012, dư luận cả nước lại được dịp bàn tán về công tử Bạc Liêu khi những thông tin về ông Trịnh Đình Đức – con thứ tư công tử Bạc Liêu trở về tỉnh Bạc Liêu. Nhiều người cho rằng ông Đức trở về đòi đất, đòi nhà. Khi không đòi được thì xin tỉnh cấp nhà. Sự thật không phải như thế. Giờ đây, dinh thự của công tử Bạc Liêu đã thuộc quyền quản lý của nhà nước, trở thành một điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh, hàng ngày nườm nượp du khách. Đến đây, ai cũng muốn chứng kiến, mục sở thị sự giàu có của công tử Bạc Liêu. Càng hấp dẫn hơn khi họ được chính con trai của vị công tử này giới thiệu, kể chuyện về dòng họ, người cha nổi tiếng của mình. Ông Đức vì thế trở thành hướng dẫn viên du lịch.Ông được du khách mời cà phê, chụp ảnh chung, người hào phóng biếu ông vài chục, vài trăm nghìn tiêu vặt.
Cũng giống như bao du khách khác, gặp ông Đức, điều đầu tiên chúng tôi hỏilà sự thật về “mức độ” ăn chơi của công tử Bạc Liêu, về giai thoại “đốt tiền” vì gái của vị công tử này. Tuy nhiên, câu hỏi của chúng tôi đã làm người đàn ông hơn 70 tuổi này buồn, bức xúc. “Cha tôi ăn chơi thật. Cả đời ổng chỉ thích ăn chơi nhưng không hề có chuyện đem tiền đốt, đem tiền nấu chè như người ta từng đồn thổi”- ông Đức khẳng định. Trong cuốn Công tử Bạc Liêu, nhà văn Nguyễn Hùng cũng xác nhận việc này. Ông Đức kể tiếp: “Có một số người quở Công tử Bạc Liêu chơi ngông sắm máy bay để khoe của nhưng họ không hiểu hết dụng ý của ông. Vốn đã đọc qua sách nhà nông, với gia sản hơn 100 ngàn mẫu ruộng, nếu gặp phải nạn sâu bọ hoành hành thì chỉ trong nháy mắt những cánh đồng lúa đều trụi lủi. Cho nên, chỉ có máy bay mới có thể nghênh chiến kịp. Về mặt văn hóa, ông có bản tính phong nhã, hào hoa, phóng khoáng. Sau 3 năm du học ở Pháp, ông rất xem trọng người phụ nữ vì đối với ông nam nữ đều bình đẳng. Ở đồng bằng sông Cửu Long, ông là người đầu tiên khởi xướng cuộc thi hoa hậu. Vào những năm ấy ý tưởng của ông không phải ai cũng chấp nhận nên nhiều người nói ông có một cuộc sống phóng túng. Ông không tham gia bất kỳ một hoạt động chính trị nào. Năm 1947, thời Việt Minh chống Pháp ông đã gặp Bí thư Tỉnh Bạc Liêu và thực hiện việc giảm tô 50% cho nông dân, ủng hộ Việt Minh 13.000 giạ lúa, thuốc men và một số vải vóc. Ông thực hiện cho đến suốt đời với Việt Minh là không làm tay sai cho giặc. Ông bị bệnh già và mất năm 1974. Nói tóm lại cuộc đời ông như một giai thoại, được không ít nhà văn viết thành sách nhưng chủ yếu để độc giả biết đến ông. Riêng tôi là con trai rất tự hào về ông…”
Theo ông Đức, công tử Bạc Liêu không phải chết trong hoàn cảnh thân tàn ma dại, phá sản, phải đi xin ăn như nhiều thông tin đã đăng tải. Đến khi chết, tuy không còn là đại điền chủ nhưng gia sản của dòng họ Trần Gia vẫn còn khấm khá, đặc biệt là một món tiền khổng lồ gửi ở ngân hàng hàng tháng lấy lãi chia nhau. Vì thế, càng không có chuyện ông ăn chơi trác táng đến phá sản… Nghe đến đây, chúng tôi được dịp hiểu rõ hơn về vị công tử này. Còn chuyện đòi đất, ông Đức hoàn toàn phủ nhận. Ông cho biết công tử Bạc Liêu có 3 người vợ, hai người ở Việt Nam, một người là vợ Tây bên Pháp với tổng cộng 7 người con, hiện nay chỉ còn 7, một ở Pháp, một ở Mỹ. Tất cả đều không giàu có, thậm chí phần lớn còn vất vả. Điển hình là ông Đức, có một người con gái bệnh bại liệt không đi lại được, ông phải nuôi vợ con bằng nghề xe ôm. Trước kia ông Đức sống trên Sài Gòn. Khi về Bạc Liêu, ông được mời làm hướng dẫn viên du lịch trong chính dinh thự của cha ông mình. Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu đã gặp ông và hứa sẽ tạo điều kiện, cấp đất cho gia đình ông. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, đến nay gia đình ông chỉ mới được mượn nhà, chưa nhận được sổ đỏ. “Anh em tôi đều thống nhất dinh thự này để cho Nhà nước quản lý, không để rơi vào tay cá nhân. Thông tin gia đình tôi hiến nhà đất cho Nhà nước cũng không chính xác nhưng thời thế thay đổi, Nhà nước quản lý cũng là phù hợp. Chúng tôi chỉ mong nơi đây mãi là di tích lịch sử”- ông Đức tâm sự.
Được biết, hiện dinh thự của công tử Bạc Liêu được tỉnh giao cho một doanh nghiệp tư nhân khai thác du lịch, trở thành điểm dừng chân không thể thiếu đối với du khách khi đến với Bạc Liêu. Và như thế, tâm nguyện của con cháu công tử Bạc Liêu đã thành sự thật. Ông Đức mong muốn sẽ xây dựng, đăng ký riêng thương hiệu Công tử Bạc Liêu. Âu cũng là một ý hay – trước hết đối với ngành du lịch. Quá khứ lịch sử với những con người nổi tiếng đang và sẽ mãi là thứ tài sản vô giá mà nhiều địa phương, quốc gia đã khai thác rất thành công. Cái tên Công tử Bạc Liêu đang ngày đêm góp phần đem lại sự giàu có, thịnh vượng cho tỉnh thì thiết nghĩ việc cấp sổ đỏ cho mảnh đất bốn chục mét vuông cho con trai vị công tử này đâu có phải là điều gì to tát?
Nguyễn Thành Vĩnh - congluan.vn
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến