Theo thông tin trên báo Tiền Phong, ngày 31/1/2024, Cơ quan An ninh điều tra tiếp nhận tố giác về tội phạm của ông Nguyễn Văn Lăng liên quan đến Khu đô thị mới mở rộng Đại Kim - Định Công.
Theo nội dung tố cáo, ông Hoàng Văn Lâm - Giám đốc và bà Trịnh Thị Sang - nhân viên Công ty TNHH Xây dựng và công trình Hoàng Hà lừa đảo chiếm đoạt số tiền 12,6 tỷ đồng của ông Lăng thông qua việc ký Hợp đồng huy động vốn cho dự án "Khu đô thị mới mở rộng phía Bắc và Tây Bắc Đại Kim - Định Công" quận Hoàng Mai, có dấu hiệu tội phạm Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 174 Bộ Luật hình sự.
Ngay sau đó, Cơ quan An ninh điều tra đã yêu cầu Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội (Ban quản lý dự án) cung cấp thông tin về dự án này. Ban quản lý dự án đã có văn bản số 1210 phản hồi.
Qua đó, Ban quản lý dự án khẳng định Hợp đồng BT của UBND TP Hà Nội với nhà đầu tư (Liên danh Công ty Cổ phần kinh doanh phát triển nhà và Đô thị Hà Nội và Công ty TNHH XDCT Hoàng Hà) và doanh nghiệp dự án (Công ty TNHH đầu tư xây dựng Hoàng Mai Hà Nội) với thời gian thực hiện hợp đồng 36 tháng kể từ ngày khởi công xây dựng công trình BT (Dự án khởi công từ ngày 19/3/2014).
Trong quá trình triển khai thực hiện do vướng mắc mặt bằng dự án chậm tiến độ và đã gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng đến ngày 30/6/2018. Dự án đã gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng đến ngày 30/6/2018. Đến nay dự án đã hết hạn thực hiện hợp đồng.
Cũng theo nguồn tin này, Ban quản lý dự án cho biết, hiện nay Nhà đầu tư vẫn chưa được UBND TP giao đất dự án đối ứng để triển khai thực hiện. Về nội dung này, ngày 18/12/2020, BQLDA đã gửi Nhà đầu tư, đồng thời gửi UBND TP, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông vận tải tại văn bản số 2752/BQLCTGT-KH.
Dự án chỉ được thực hiện sau khi đã hoàn tất các thủ tục về đầu tư xây dựng theo quy định và đã khởi công xây dựng dự án BT đường 2,5 đoạn từ Đầm Hồng đến Quốc lộ 1A. Tuy nhiên Nhà đầu tư mới chỉ hoàn tất việc khởi công, chưa hoàn thành các thủ tục theo quy định. Và mặc dù chưa đủ điều kiện song chủ đầu tư đã rao bán rầm rộ.
Đường vành đai 2,5 ngổn ngang sau nhiều năm thi công chậm tiến độ
Trước đó, từ năm 2015 đến nay, chủ đầu tư đã huy động vốn, thu tiền của nhiều khách thông qua hình thức “Hợp đồng hợp tác đầu tư”. Liên quan đến việc bàn giao dự án đối ứng của Hợp đồng BT (dự án khu đô thị mới mở rộng phía Bắc và Tây Bắc Đại Kim - Định Công), Ban quản lý dự án cho biết, hiện nay Nhà đầu tư vẫn chưa được UBND TP giao đất dự án đối ứng để triển khai thực hiện.
Điều này thể hiện tại văn bản số 2752/BQLCTGT-KH của Ban Quản lý dự án ngày 18/12/2020 gửi đến Nhà đầu tư nêu rõ hồ sơ của Nhà đầu tư không đủ điều kiện để UBND TP Hà Nội giao đất.
Cũng tại văn bản số 90/KH&ĐT ngày 5/1/2024 của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội trả lời nêu: "Đến nay, dự án chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, vì vậy chưa xác định Chủ đầu tư đối với dự án Khu đô thị mở rộng phía Bắc và Tây Bắc Đại Kim - Định Công, quận Hoàng Mai".
Liên quan đến vấn đề pháp lý của dự án này, trao đổi với Tạp chí Nghề nghiệp và Cuộc sống, Tiến sĩ luật Nguyễn Thị Hằng Nga, Cty Luật Hoàng Hải Anh & Cộng sự nhận định, nếu các thông tin vụ việc là chính xác thì có thể khẳng định rằng Chủ đầu tư đã huy động vốn trái quy định của pháp luật.
Đối với các dự án nhà ở, thì chủ đầu tư chỉ được chuyển nhượng tài sản hình thành trong tương lai khi thoả mãn hàng loạt các điều kiện. Cụ thể: (i) có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, giấy phép xây dựng, biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó; (ii) đã có văn bản gửi Sở Xây dựng nơi có dự án về việc nghiệm thu móng và có văn bản thông báo của Sở Xây dựng về việc đủ điều kiện huy động vốn.
Khi đất chưa thực hiện xong thủ tục giải phóng mặt bằng mà đã huy động vốn thì dù dưới bất kỳ hình thức nào đều vi phạm pháp luật.
Theo quy định của Điều 179 Luật Nhà ở, thì hành vi vi phạm pháp luật về nhà ở, tuỳ theo tính chất mức độ vi phạm mà có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cũng theo Luật sư Nga, về trách nhiệm hình sự: Nếu người nào có hành vi sử dụng các thủ đoạn gian dối làm cho chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản nhầm tưởng, tin vào các thông tin không đúng sự thật và tự nguyện chuyển giao tài sản, rồi chiếm đoạt tài sản thì đã có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định của Điều 174 BLHS và khung hình phạt cao nhất là chung thân (giá trị lừa đảo chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên).
Nếu có hành vi để có được tài sản thông qua hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản thì đã có dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định của Điều 175 BLHS và khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù (giá trị chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên).
Cuối tháng 1/2024, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hưng Yên đã ra Quyết định Khởi tố vụ án hình sự Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Thăng Long; khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Thế Hùng, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư bất động sản và thương mại Thăng Long (Công ty Thăng Long) liên quan đến dự án “Khu đô thị phía Bắc đường trục trung tâm khu đô thị phía Nam Quốc lộ 5”.
Quá trình điều tra xác định, năm 2004, UBND tỉnh Hưng Yên đã phê duyệt và giao cho Công ty Thăng Long là chủ đầu tư để thực hiện dự án xây dựng cơ sở hạ tầng “Khu đô thị phía Bắc đường trục trung tâm khu đô thị phía Nam Quốc lộ 5”, địa chỉ tại xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.
Công ty Thăng Long có trách nhiệm thi công tuyến đường trục trung tâm Khu đô thị phía Nam Quốc lộ 5 và hoàn thành nghĩa vụ tài chính nộp tiền sử dụng đất với nhà nước. Sau đó, Công ty Thăng Long đã tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng, tiến hành san lấp, thi công một số hạng mục cơ sở hạ tầng và tuyến đường trục trung tâm. Tuy nhiên, Công ty Thăng Long chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, chưa nộp tiền sử dụng đất, các công trình hạ tầng khu đô thị chưa được nghiệm thu; các nền đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa đủ điều kiện để chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn.
Từ năm 2005 đến nay, Công ty Thăng Long đã ký hợp đồng chuyển nhượng trên 2.700 lô đất trái quy định, thu tổng số tiền hơn 1.700 tỷ đồng.
Tháng 12/2023, Cục Thuế TP Hà Nội cho biết, đơn vị này đã phối hợp với Cục xuất nhập cảnh - Bộ Công an tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Hà, chủ đầu tư dự án 79 Thanh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Hà đã tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về hồ sơ khai thuế. Việc Công ty Hoàng Hà lập hóa đơn GTGT nhưng chưa giao cho các hộ dân, cơ quan thuế sẽ căn cứ các quy định của pháp luật để xử lý hành vi trên. Về biện pháp truy thu tiền thuế mà Công ty Hoàng Hà đang nợ, căn cứ Luật quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành qua các thời kỳ, cơ quan thuế đã thực hiện đầy đủ các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế đối với Công ty Hoàng Hà theo đúng chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của cơ quan thuế. |
Hoàng Anh (T/h)
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy