Dòng sự kiện:
Công bố đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc
25/09/2015 09:39:47
ANTT.VN - Sáng nay, ngày 25/9/2015, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Hội nghị phổ biến nội dung Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.

Tin liên quan

Tới dự và chủ trì Hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo TW Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son, Thứ trưởng Bộ Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ và Phó trưởng Ban Tuyên giáo TW Nguyễn Thế Kỷ.

Đoàn chủ trì hội nghị phổ biến đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2015

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo cơ quan chủ quản báo chí các Bộ, ngành, đoàn thể TW; đại diện lãnh đạo cơ quan chủ quản thuộc tỉnh ủy, thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW.

Tại Hội nghị, thay mặt Lãnh đạo Bộ TT&TT, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn đã trình bày khái quát những nội dung cơ bản về Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 đã được Ban Chấp hành TW Đảng thông qua và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.

Theo đó, thời gian qua, hoạt động báo chí ở nước ta đã có những bước phát triển vượt bậc về số lượng, chất lượng và loại hình, đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng của người đọc. Báo chí trở thành phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu trong đời sống xã hội, ngày càng được đề cao; xã hội hóa báo chí từng bước được thực hiện, nhất là trong lĩnh vực truyền hình. Đội ngũ phóng viên, biên tập viên tăng nhanh về số lượng, tính chuyên nghiệp ngày càng nâng lên. Báo chí đã tích cực phát hiện, đấu tranh kiên quyết với các hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực và các tệ nạn xã hội; truyền tải ý kiến của nhân dân đóng góp xây dựng chính sách, qua đó phát huy quyền làm chủ của người dân; đấu tranh giữ vững chủ quyền, lãnh thổ quốc gia; phản bác các luận điệu sai trái, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Tuy nhiên, cùng với những đóng góp to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, báo chí trong giai đoạn hiện nay cũng đã bộc lộ một số xu hướng thông tin đáng lo ngại như: thông tin không đúng với tôn chỉ, mục đích, sai sự thật diễn ra nhiều; thông tin tập trung quá nhiều vào các vụ việc tiêu cực; cái tốt, cái thiện chưa phải là thông tin chủ đạo ở một số sản phẩm báo chí; thông tin xâm phạm đời tư cá nhân, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của người dân…

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới những tồn tại, yếu kém của báo chí như trong thời gian vừa qua, trong đó có nguyên nhân từ công tác quy hoạch báo chí chưa được triển khai rốt ráo theo định hướng, chỉ đạo của Bộ Chính trị. Số lượng báo chí hiện nay phát triển nhiều, không có bản sắc, đối tượng bạn đọc cụ thể dẫn đến hiện tượng trùng lắp thông tin, gây lãng phí lớn; có hiện tượng thương mại hóa và cạnh tranh không lành mạnh trên các loại hình báo chí.

Để tạo điều kiện cho báo chí phát triển vừa đủ về số lượng, lành mạnh về thông tin, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ thông tin của các tầng lớp nhân dân, là công cụ tư tưởng sắc bén của Đảng, từ năm 2003 đến nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã quan tâm chỉ đạo tăng cường công tác quản lý báo chí trong tình hình mới, trong đó quy hoạch báo chí là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Vấn đề quy hoạch báo chí luôn được Đảng ta quan tâm chỉ đạo quyết liệt, tạo điều kiện cho báo chí phát triển, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng hệ thống báo chí, đó là: lành mạnh về nội dung, tinh gọn về đầu mối, số lượng; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, phóng viên cơ quan báo chí; ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu của công tác thông tin, tuyên truyền trong tình hình mới.

Thứ trưởng Trương Tuấn nhấn mạnh: cần quán triệt quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng trong phát triển sự nghiệp báo chí, đó là: “không thương mại hóa, không tư nhân hóa báo chí, không để tư nhân núp bóng; không để cho lợi ích nhóm chi phối; báo chí không cần nhiều mà cần tinh, chất lượng, thực sự có khả năng chi phối, định hướng thông tin trong xã hội...”.

Theo tinh thần của Đề án và phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2015, Bộ Chính trị tán thành với Đề án và nhấn mạnh: “Về phương án sắp xếp cụ thể đối với các loại hình báo chí, cần phân loại, phân định, xác định rõ thời gian, mức độ thực hiện, hoàn thành trong 5 năm tới và đến năm 2025.

Việc tổ chức thực hiện cần có trọng tâm, trọng điểm, chú ý tính đặc thù của một số cơ quan báo chí có số lượng phát hành, số lượng công chúng lớn, có ảnh hưởng xã hội rộng, có lộ trình, bước đi cụ thể, chặt chẽ, chắc chắn theo tinh thần việc dễ làm trước, việc khó làm sau; chú trọng công tác tư tưởng, giải pháp tài chính, giải pháp với những người làm báo không còn chỗ làm việc khi giảm dần các cơ quan báo chí, bảo đảm không gây ra xáo trộn lớn, phức tạp; quan tâm, tạo điều kiện cho báo chí phát triển ổn định, bền vững.

Các báo điện tử hiện có thuộc các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước thì sắp xếp lại theo hướng thay đổi cơ quan chủ quản cho phù hợp với quy hoạch.

Về cơ bản, các báo điện tử tự cân đối tài chính. Nhà nước có cơ chế hỗ trợ phát triển một số báo điện tử chủ lực có kỹ thuật, công nghệ hiện đại, tính tương tác cao, phong phú về nội dung, có khả năng thu hút công chúng, định hướng dư luận xã hội, nhất là trước các sự kiện, vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm để phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền và thông tin đối ngoại (bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài).

Sắp xếp hệ thống các báo điện tử gắn với đổi mới công nghệ, quản lý nhằm phát huy tối đa lợi thế về bao phủ thông tin, khả năng tương tác, tìm kiếm thông tin và xâu chuỗi sự kiện, phù hợp với xu hướng hội tụ công nghệ đa phương tiện, trở thành công cụ hữu hiệu định hướng thông tin mạng.

Về lộ trình thực hiện, các cơ quan nào vừa có báo in và báo điện tử thì sắp xếp theo lộ trình của báo in. Các cơ quan báo chí có báo điện tử sắp xếp trước năm 2017

PV

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến