Cụ thể gồm: Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật Đặc xá; Luật Công an nhân dân; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch; Luật Giáo dục đại học; Luật Trồng trọt; Luật Chăn nuôi.
Mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước
Với 10 chương, 96 điều, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định về phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng. So với Luật hiện hành, Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 thay cụm từ "xử lý người có hành vi tham nhũng" bằng cụm từ "xử lý tham nhũng" nhằm mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật bao gồm cả việc xử lý người có hành vi tham nhũng, xử lý cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Luật năm 2018 đã quy định thành một chương riêng và sửa đổi, bổ sung nhằm cụ thể hóa và đề cao vai trò của người đứng đầu. Theo đó, quy định nội dung trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng (Điều 70); quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc áp dụng biện pháp tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác (Điều 71); quy định trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách (Điều 72 và Điều 73).
Đồng thời, Luật cũng có nhiều quy định mới liên quan đến việc phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; xử lý tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019.
Tăng cường bảo vệ bí mật nhà nước trong tình hình mới
Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước gồm 5 chương, 28 điều. Theo quy định của Luật, bí mật nhà nước có ba thuộc tính cơ bản: Bí mật nhà nước là thông tin quan trọng; là thông tin chưa được công khai, nếu bị lộ, bị mất sẽ gây nguy hại đến quốc gia, dân tộc; phải được người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định theo quy định của Luật này. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định hình thức chứa bí mật nhà nước, bao gồm tài liệu, vật, địa điểm, lời nói, hoạt động hoặc các dạng khác.
Luật quy định thời hạn bảo vệ đối với bí mật nhà nước độ Tuyệt mật là 30 năm, độ Tối mật là 20 năm, độ Mật là 10 năm, đây là quy định tiến bộ của Luật nhằm bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân. Luật cũng quy định khi hết thời hạn bảo vệ, nếu xét thấy việc giải mật gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức xác định bí mật nhà nước quyết định gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước, mỗi lần gia hạn không quá thời hạn bảo vệ nêu trên.
Khắc phục khó khăn, bất cập khi thực hiện đặc xá
Luật Đặc xá có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019. Luật gồm 6 chương, 39 điều, tăng 3 điều (bỏ 2 điều, bổ sung 5 điều), sửa đổi, bổ sung 34 điều so với Luật Đặc xá năm 2007.
Về đặc xá nhân sự kiện trọng đại hoặc ngày lễ lớn của đất nước, gồm 14 điều, chia thành 3 mục, quy định về: trình tự, thủ tục trình Chủ tịch nước ban hành Quyết định về đặc xá; công bố, thông báo, niêm yết Quyết định về đặc xá; thành lập Hội đồng tư vấn đặc xá, Tổ thẩm định liên ngành; điều kiện của người được đề nghị đặc xá; các trường hợp không được đề nghị đặc xá; quyền, nghĩa vụ của người được đề nghị đặc xá. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định các nội dung liên quan đến: trình tự lập hồ sơ, danh sách người được đề nghị đặc xá; thẩm định hồ sơ đề nghị đặc xá; thẩm tra, duyệt, kiểm tra hồ sơ đề nghị đặc xá và trình Chủ tịch nước danh sách đề nghị đặc xá; thực hiện Quyết định đặc xá đối với người nước ngoài; quyền và nghĩa vụ của người được đặc xá; quy định chi tiết, hướng dẫn về trình tự, thủ tục, lập danh sách, thẩm định, thẩm tra hồ sơ đề nghị đặc xá.
Luật cũng quy định đặc xá trong trường hợp đặc biệt; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện đặc xá; khiếu nại, tố cáo...
Thực hiện quản lý thống nhất nhà nước về an ninh, trật tự
Luật Công an nhân dân năm 2018 gồm 7 chương, 46 điều, so với Luật Công an nhân dân năm 2014 đã tăng 1 điều (trong đó bỏ 2 điều, bổ sung 3 điều), sửa đổi, bổ sung 40 điều.
Luật quy định cụ thể về các nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Công an nhân dân; Tổ chức của Công an nhân dân; Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân; Bảo đảm điều kiện hoạt động và chế độ, chính sách đối với Công an nhân dân; Khen thưởng và xử lý vi phạm. Luật có hiệu lực thi hành từ 1/7/2019.
Phát huy sức mạnh tổng hợp bảo vệ biển, đảo Việt Nam trong điều kiện hiện nay
Luật Cảnh sát biển Việt Nam xác định rõ vị trí, vai trò của cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn trên biển. Theo đó, Cảnh sát biển Việt Nam có ba chức năng: tham mưu Bộ trưởng Quốc phòng ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất ban hành chính sách, pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn trên biển; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tái phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam; quản lý an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm chấp hành pháp luật Việt Nam, điều ước Quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế theo thẩm quyền.
Luật cũng quy định rõ ràng, cụ thể về 7 nhóm nhiệm vụ, 19 quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam; hợp tác quốc tế; phối hợp hoạt động; hệ thống tổ chức cơ bản của Cảnh sát biển Việt Nam. Luật gồm 8 chương, 41 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2019.
Quy hoạch là công cụ quan trọng để phân bổ nguồn lực theo cơ chế thị trường
Để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về quy hoạch sau khi Luật Quy hoạch được thông qua, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch. Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiếp tục xem xét và thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch, bảo đảm quy định của các luật có liên quan thống nhất, đồng bộ với Luật Quy hoạch và hiệu lực đồng thời từ ngày 1/1/2019 để tránh tạo ra khoảng trống pháp lý, xung đột, vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch gồm 31 điều, trong đó có 30 điều quy định việc sửa đổi 37 luật và 1 điều quy định hiệu lực thi hành.
Theo đó, Luật bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ (quy hoạch sản phẩm đang cản trở hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, là bước đột phá về thủ tục hành chính trong đầu tư, sản xuất kinh doanh...)
Sử dụng hiệu quả nguồn lực, nâng cao chất lượng giáo dục đại học
Luật Giáo dục đại học được soạn thảo theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; gồm 3 điều, trong đó, sửa đổi, bổ sung 36 điều, bổ sung mới 1 điều, bãi bỏ, thay thế một số cụm từ và chỉnh sửa một số điều về mặt kỹ thuật. Luật có hiệu lực thi hành từ 1/7/2019.
Luật quy định rõ hệ thống cơ sở giáo dục đại học gồm đại học và trường đại học. Luật làm rõ vấn đề sở hữu; tạo sự bình đẳng giữa cơ sở giáo dục đại học công lập và tư thục, thúc đẩy sự phát triển của cơ sở giáo dục đại học tư thục; mở rộng phạm vi, nâng cao hiệu quả của tự chủ đại học trong toàn hệ thống. Trong đó, quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học trong việc xác định mục tiêu, lựa chọn cách thức thực hiện mục tiêu; tự quyết định và có trách nhiệm giải trình về hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản và hoạt động khác trên cơ sở quy định của pháp luật và năng lực của cơ sở giáo dục đại học. Chủ trương của Luật là tăng cường tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học nhưng vẫn bảo đảm sự kiểm soát, hợp lý chất lượng đào tạo, chú trọng quản lý đối với các ngành liên quan đến sức khỏe, đào tạo giáo viên, an ninh, quốc phòng.
Tạo khung pháp lý điều chỉnh các mối quan hệ trong lĩnh vực trồng trọt
Luật Trồng trọt có 7 chương, 85 điều, quy định về giống cây trồng, phân bón, canh tác, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến, thương mại và quản lý chất lượng sản phẩm giống cây trồng.
Luật xác định phát triển trồng trọt theo định hướng thị trường, sản xuất hàng hóa quy mô lớn chất lượng, phát triển thị trường quốc tế trên cơ sở khai thác hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người sản xuất, doanh nghiệp, nhà nước và lợi ích cộng đồng. Luật điều chỉnh các quy định về quản lý giống cây trồng theo hướng hiện đại, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và năng lực quản lý, giảm bớt thời gian, chi phí, minh bạch thủ tục hành chính nhằm đạo điều kiện cho doanh nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt phát triển nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu quản lý chặt chẽ, giảm thiểu rủi ro cho sản xuất và người dân, tạo công bằng trong kinh doanh.
Luật hóa các quy định về quản lý phân bón, nhằm quản lý chặt chẽ, hiệu quả phân bón trên thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng; đơn giản hóa, minh bạch các thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển ngành phân bón. Luật cũng quy định về hoạt động canh tác, điều chỉnh hoạt động của cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người sản xuất theo hướng sử dụng tài nguyên thiên nhiên hiệu quả, bền vững. Luật có hiệu lực thi hành từ 1/1/2020.
Thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi
Luật Chăn nuôi có hiệu lực từ 1/1/2020, gồm 8 chương, 83 điều. Luật cụ thể hóa các yêu cầu, điều kiện của một cơ sở chăn nuôi cần bảo đảm các yếu tố liên quan đến an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và cân đối thị trường sản phẩm chăn nuôi. Trong đó, quy định các cơ sở chăn nuôi lớn phải được cấp giấy đủ điều kiện trước khi tiến hành chăn nuôi, các cơ sở chăn nuôi trang trại vừa, nhỏ, chăn nuôi nông hộ phải đáp ứng trong quá trình chăn nuôi.
Luật quy định chặt chẽ về quản lý chất lượng con giống, chất lượng thức ăn chăn nuôi; quy định các biện pháp xử lý chất thải, chất thải phải được xử lý an toàn trước khi thải ra môi trường. Quy định nguyên tắc về xuất, nhập khẩu giống vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi theo hướng thông thoáng, mở cửa, phù hợp với Luật Thương mại năm 2005, các cam kết quốc tế và xu hướng hội nhập quốc tế. Trình tự, thủ tục trao đổi các nguồn gen quý hiếm, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi cũng được quy định cụ thể theo hướng đơn giản, thuận tiện.
Theo TTXVN
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy