Dòng sự kiện:
Công bố thông tin chứng khoán: Quyền quyết định nằm trong tay nhà đầu tư
15/04/2019 13:01:49
Một trong những yếu tố quan trọng giúp thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh, bền vững, củng cố niềm tin với nhà đầu tư đó chính là công bố thông tin (CBTT).

Tuy nhiên, chất lượng thông tin công bố vẫn chưa được như kỳ vọng nên các nhà đầu tư cần thận trọng khi đưa ra quyết định. 

Nhà đầu tư có thể tìm đến những tổ chức uy tín để tham khảo thông tin nhưng phải tự đưa ra quyết định cho bản thân. Ảnh: ST.

"Đạo đức nghề nghiệp" của một số doanh nghiệp còn thấp

Thời gian qua, thực tế cho thấy chất lượng CBTT đã có nhiều cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, mặc dù khuôn khổ pháp lý khá đầy đủ, chặt chẽ, nhưng quá trình thực thi vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại. Theo thống kê, số doanh nghiệp đáp ứng theo tiêu chuẩn CBTT năm 2018 tăng gấp đôi so với 2017. Tuy vậy, trên thực tế, số lượng doanh nghiệp vi phạm về CBTT vẫn còn nhiều, chưa đạt được kỳ vọng của cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư trên thị trường. Chẳng hạn như năm 2018, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành gần 400 quyết định xử phạt, trong đó có hơn 50% là vi phạm về CBTT.

Ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện quản trị công chứng Úc (CMA Australia) chia sẻ, hiện nay, thị trường chứng khoán có nhiều thông tin tác động đến nhà đầu tư. Nhiều doanh nghiệp công bố thông tin theo hướng có lợi cho việc phát hành cổ phiếu nhằm huy động lượng vốn lớn.

"Có tình trạng nhiều doanh nghiệp vừa CBTT thì tác động ngay tới thị trường chứng khoán. Có những vị chủ tịch đưa thông tin khá mập mờ lên một số trang tài chính, và chính cách truyền thông này gây ảnh hưởng giá cổ phiếu sau đó. Cũng có trường hợp doanh nghiệp đưa ra thông tin lợi nhuận cao, vượt kế hoạch, khiến giá cổ phiếu lên rất mạnh. Tồi tệ là sau đó đồng loạt nhân sự nội bộ đăng ký bán ra. Do vậy, cần phải đánh giá một cách thấu đáo bản chất thật sự của công ty đó".

Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty chứng khoán SSI, đây là vấn đề đạo đức nghề nghiệp. Một doanh nghiệp thường gắn với lợi ích, có thể lách luật miễn sao huy động vốn thành công. Doanh nghiệp đó có thể chấp nhận mất uy tín, phát triển không bền vững để đạt được mục đích. Dù mức phạt hiện nay cho vi phạm này là 7-8 tỷ đồng, tuy nhiên theo ông Hưng, con số này không có ý nghĩa so với số tiền hàng trăm tỷ thu về.

Còn một thực tế mà nhiều người cũng phải thừa nhận đó chính là tính tuân thủ tự giác của các doanh nghiệp Việt Nam chưa cao so với mặt bằng chung. Một số doanh nghiệp lập các báo cáo vì quy định như thế thay vì nghĩ thấu đáo rằng nhà đầu tư cần có những gì, trách nhiệm là người được ủy thác tài sản của các nhà đầu tư phải báo cáo như thế nào. Hơn nữa, các quy định ở nước ta tuy chặt chẽ nhưng dù chặt chẽ đến đâu vẫn có lỗ hổng, không có quy định nào ngay lập tức hạn chế được tất cả hành vi sai trái.

Nếu nghi ngờ thì không đầu tư

Để tham gia thị trường chứng khoán một cách an toàn, ông Nguyễn Duy Hưng cho rằng, nhà đầu tư có thể tìm đến những tổ chức uy tín để tham khảo thông tin nhưng phải tự đưa ra quyết định cho bản thân vì đầu tư không có quy chuẩn. Ngay cả khi, nhà đầu tư ủy thác tiền cho một tổ chức chuyên nghiệp thì chưa chắc đầu tư đã hiệu quả vì giá trên thị trường phản ánh theo cả thông tin chính thống lẫn không chính thống và phản ánh theo kỳ vọng số đông nhà đầu tư.

"Các chỉ số tài chính như P/E, P/B... rất quan trọng nhưng chỉ mang tính tham khảo. Các chỉ số này để so sánh giữa các ngành, giữa các đơn vị liên quan trong nhóm, mà không có ý nghĩa là một quy chuẩn chung. Đồng thời, yếu tố này chỉ đóng góp dưới 50% quyết định đầu tư. Đây cũng là nguyên nhân vì sao có nhiều công ty lỗ nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng. Do vậy, nếu nhà đầu tư nghi ngờ các thông tin thì có thể không đầu tư vào cổ phiếu", ông Nguyễn Duy Hưng khuyến nghị.

Mặt khác, theo lãnh đạo SSI, các báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán, đơn vị phân tích cũng chỉ mang tính tham khảo. Một báo cáo, dù dựa vào các yếu tố của doanh nghiệp và luận cứ thuyết phục bởi các chuyên gia tài chính, nhưng dự đoán giá tương lai của cổ phiếu không thể chính xác 100%. Giá hiện tại phản ánh trên thị trường nhưng giá tương lai dựa trên kỳ vọng.

Ông Nguyễn Duy Hưng cũng khẳng định, khi tham gia thị trường, nhà đầu tư có nhiều quyền trong tay. Quyền đầu tiên, nhà đầu tư có thể gửi khiếu nại lên Hội đồng quản trị. Nếu không được giải quyết, quyền thứ hai là khiếu nại lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Quyền thứ ba là quyền gửi khiếu nại lên tòa án.

"Với những người cung cấp thông tin tới nhà đầu tư, hãy khiến nhà đầu tư hiểu rõ đúng bản chất của doanh nghiệp, tất cả những thông tin không được công bố đầy đủ thì Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cũng sẽ phải có ý kiến yêu cầu công bố. Trách nhiệm của tổ chức trung gian là làm sao nhà đầu tư hiểu đúng nhất về doanh nghiệp, còn quyết định là phụ thuộc nhà đầu tư. Quyền lớn nhất là nhà đầu tư. Khi nhà đầu tư quay mặt với doanh nghiệp thì không còn ý nghĩa khi doanh nghiệp tham gia thị trường chứng khoán nữa", ông Hưng khuyến nghị tới các tổ chức trung gian.

Ông Phan Lê Thành Long cũng cho rằng nhà đầu tư phải tự trang bị cho mình kiến thức để xem thực sự vấn đề như thế nào. Đồng thời, nhà đầu tư cũng phải có hiểu biết về doanh nghiệp, nâng cao khả năng giám sát thị trường. Đặc biệt, truyền thông, báo chí, với khả năng điều tra, nên đóng vai trò cảnh báo cho nhà đầu tư.

Theo báo Hải Quan

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến