Dòng sự kiện:
Công khai thông tin về dự án BOT giao thông
04/03/2019 08:54:52
Bất cập trong quá trình triển khai các dự án BOT đường bộ đã được nhận diện và khắc phục thế nào để không lặp lại những vụ việc như BOT Cai Lậy, mà vẫn tạo được hành lang pháp lý thông thoáng.

Trong đó có Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông là câu hỏi được phóng viên Báo Đầu tư đặt ra với ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT).

Bên cạnh nhiều dự án BOT đường bộ đang được triển khai thành công, thì cũng còn một số dự án đang gặp  khó khăn kéo dài, trong đó, Dự án BOT tuyến tránh Cai Lậy là ví dụ điển hình. Thứ trưởng có thể cho biết, Bộ GTVT đã làm gì để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại cho các dự án này?

Trong thời gian qua, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành, Bộ GTVT đã phối hợp với các địa phương và các nhà đầu tư BOT tiến hành rà soát bất cập và có các giải pháp xử lý đồng bộ tại tất cả các dự án BOT.

Theo đó, Bộ GTVT đã đàm phán với các nhà đầu tư để miễn, giảm phí tại các trạm BOT, đặc biệt là các phương tiện quanh trạm thu phí; công khai, minh bạch toàn bộ thông tin về các dự án BOT tại địa chỉ www.ppp.mt.gov.vn và tại các trạm thu phí; chỉ đạo các nhà đầu tư và các cơ quan liên quan thực hiện nghiêm túc các kết luận, thanh tra, kiểm toán và thực hiện quyết toán chi phí đầu tư. Bộ GTVT cũng đã đẩy mạnh thu phí không dừng, phấn đấu đến hết năm 2019, lắp đặt xong hệ thống thu phí tự động tại tất cả các trạm thu phí, đồng thời phối hợp với với Bộ Công an, các địa phương đảm bảo an ninh trật tự và với các cơ quan thông tấn báo chí để tuyên truyền tạo sự đồng thuận của người tham gia giao thông.

Với những giải pháp nêu trên, tình hình thu phí tại các trạm thu phí diễn biến tương đối tốt. Trong số 62 dự án BOT với 65 trạm thu phí do Bộ GTVT quản lý, chỉ còn 3 dự án đang còn vướng mắc lớn phải xử lý là Cai Lậy, Tân Đệ và tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới. Hầu hết các dự án còn lại nhận được sự đồng thuận của các địa phương và người sử dụng, kể cả các dự án có xây dựng tuyến tránh.

Đã có một sự e ngại lớn của cộng đồng nhà đầu tư trong và ngoài nước sau những vụ việc liên quan đến các dự án BOT đường bộ. Bộ GTVT sẽ làm gì để tạo dựng lại niềm tin cho các nhà đầu tư, các nhà tài trợ vốn?

Cùng với việc xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật về PPP, đối với các dự án gặp khó khăn như Dự án Đầu tư tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Km1987+560 - Km2014 và xây dựng Quốc lộ 1 đoạn tránh thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang), Bộ GTVT luôn đồng hành, theo sát với nhà đầu tư để tháo gỡ khó khăn, sớm thu phí hoàn vốn.

Trong hơn 1 năm qua, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã xây dựng các phương án thu phí có tính khả thi cao để xin ý kiến rộng rãi chính quyền, người dân, các doanh nghiệp trong vùng. Chúng tôi đã thống nhất cho phép nhà đầu tư triển khai thu phí dự án BOT Cai Lậy theo phương án giảm giá tối đa cho tất cả phương tiện qua trạm (xe nhóm 1 từ 35.000 đồng/lượt xuống 15.000 đồng/lượt, tương ứng giảm 57%...) và mở rộng phạm vi miễn giảm giá vé vùng lân cận lên đến khoảng 10 km. Trạm thu phí sẽ được giữ nguyên ở vị trí hiện tại và tổ chức thu tiền dịch vụ với công nghệ thu tự động không dừng và một dừng, đồng thời tiến hành phân luồng giao thông, các phương tiện xe tải, xe khách không đi vào trung tâm thị xã Cai Lậy…

Phương án này có nhiều ưu điểm hơn các phương án còn lại, như hạn chế tối đa ảnh hưởng đến các dự án tương tự có đầu tư tuyến tránh, đảm bảo mục tiêu đầu tư dự án, tránh ùn tắc, tại nạn giao thông, ô nhiễm môi trường trung tâm thị xã Cai Lậy. Đồng thời, dự án không phải bổ sung chi phí xây dựng trạm thu phí, chi phí tổ chức thu tiền dịch vụ.

Tôi cho rằng, việc xử lý khó khăn tại các dự án cụ thể như BOT Cai Lậy còn có ý nghĩa lớn hơn là tạo niềm tin cho các nhà đầu tư tham gia các dự án BOT được triển khai trong thời gian tới, đặc biệt là Dự án Xây dựng một số đoạn đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 theo hình thức PPP.

Từ năm 2016 đến nay, gần như không có dự án BOT đường bộ mới nào được triển khai. Có vẻ như việc thu hút đầu tư theo hình thức PPP vào lĩnh vực giao thông đang bị chững lại, thưa ông?

Đúng là thời gian vừa qua, Bộ GTVT không triển khai thêm các dự án mới. Trong khi đó, Bộ GTVT thậm chí còn dừng 4 dự án BOT đã ký hợp đồng và đang triển khai; dừng 10 dự án đã phê duyệt đề xuất dự án hoặc đang lập Báo cáo Nghiên cứu khả thi (trong đó có 8 dự án đường bộ và 2 dự án đường thủy nội địa).

Việc dừng không phải là bỏ hoàn toàn, mà là chờ hoàn chỉnh các quy định, khung pháp lý, rà soát lại bất cập để tránh lặp lại những sai sót trước đây. Trong bối cảnh hạn hẹp về nguồn ngân sách nhà nước, nhu cầu đầu tư phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đất nước, chủ trương huy động nguồn lực xã hội để phát triển kết cấu hạ tầng GTVT theo hình thức PPP đã được khẳng định là đúng đắn và vẫn sẽ phải triển khai mạnh hơn trong thời gian tới.

Trên thực tế, đầu tư bằng hình thức BOT với chúng ta còn rất mới, giống như dò đá qua sông, vừa làm vừa học, vừa làm vừa hoàn thiện cơ sở pháp lý. Đây là lý do khiến Bộ GTVT đặc biệt quan tâm công tác hoàn thiện thể chế, chính sách về PPP.

Cụ thể, Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 4/5/2018 về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (thay thế Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015); đồng thời Bộ GTVT đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Nghị định bổ sung, sửa đổi Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư và xây dựng Luật Đối tác công - tư (PPP).

Ông có cho rằng, các bất cập sẽ được khắc phục khi Luật PPP ra đời và áp dụng vào thực tế?

Tôi cho rằng, khi Luật Đối tác công - tư ra đời, với khung pháp lý cao nhất này sẽ khắc phục được các bất cập về chủ trương đầu tư, chính sách phí, lựa chọn nhà đầu tư..., đồng thời mang lại sự an tâm cho các nhà đầu tư khi bỏ vốn vào các dự án.

Cần phải nói thêm rằng, đầu tư phát triển dự án kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức PPP là một mô hình mới và phức tạp, đòi hỏi các bên liên quan phải có cách tiếp cận thích hợp để có thể thực hiện thành công các dự án đầu tư theo hình thức này, trong đó phải bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng. Công tác tuyên truyền và công khai thông tin sẽ được Bộ GTVT quan tâm thực hiện một cách hiệu quả hơn nữa. Đây là trách nhiệm và nghĩa vụ chủ yếu của các cơ quan quản lý nhà nước để xã hội có được sự đồng thuận hơn về một chủ trương lớn của Đảng, đồng thời cũng là giải pháp tất yếu trong điều kiện nguồn lực khó khăn như hiện nay.

Tháng 9/2019, Bộ GTVT sẽ bắt đầu sơ tuyển nhà đầu tư cho 9 dự án PPP đường cao tốc Bắc - Nam. Thứ trưởng có thể đưa ra nhận định về khả năng thành công tại các dự án này?

Chắc chắn là có cơ hội thành công cao, vì nhiều lý do.

Thứ nhất, đây là mình làm đường mới, chứ không làm trên đường cũ.

Thứ hai, chúng ta có thời gian dài để nghiên cứu xây dựng các phương án hoàn vốn có tính khả thi cao với sự hỗ trợ của tư vấn nước ngoài.

Thứ ba, đây đều là những dự án PPP có sự tham gia góp vốn của Nhà nước với tỷ lệ khoảng 35%, nên tạo đòn bẩy tài chính tốt để hỗ trợ các nhà đầu tư. Tại các dự án này, Bộ GTVT sẽ bàn giao mặt bằng sạch để các nhà đầu tư được lựa chọn và có thể triển khai ngay khi nhận công trình.

Trong vài tháng tới, Bộ GTVT sẽ mời các nhà đầu tư BOT, các ngân hàng trong và ngoài nước để kêu gọi xúc tiến đầu tư vào 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam, đồng thời công khai toàn bộ thông tin để các cơ quan báo chí, người dân có thể cùng tham gia giám sát ngay từ đầu. Chúng tôi sẽ công khai tất cả thông tin để người dân, nhà đầu tư tường minh về tất cả các dự án PPP của ngành, nhằm tạo sự đồng thuận cao nhất.

Theo báo Đầu tư

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến