Công khai là “chìa khóa vàng” trong công tác cán bộ
Ngày 27/12/2021, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 50-QĐ/TW về công tác quy hoạch cán bộ, trong đó nhấn mạnh nguyên tắc phải bảo đảm tính công khai.
Cụ thể, Khoản 4 Điều 3 về mục đích, yêu cầu của Quy định này nêu rõ: “Rà soát, đánh giá toàn diện nguồn cán bộ trước khi đưa vào danh sách giới thiệu nhân sự quy hoạch; bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công bằng, công tâm, công khai, minh bạch, đúng quy trình, thẩm quyền. Không đề xuất, phê duyệt quy hoạch những trường hợp không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện”.
Khoản 1 Điều 11 về công khai quy hoạch nhấn mạnh: “Danh sách cán bộ được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch hoặc đưa ra khỏi quy hoạch được thông báo công khai trong cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo và người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan biết, quản lý, sử dụng quy hoạch”.
Có thể thấy, công khai, minh bạch không chỉ là “chìa khóa vàng” trong công tác cán bộ, mà còn đảm bảo tính pháp lý, dân chủ. Từ đó góp phần vào việc lựa chọn đúng cán bộ, chống cục bộ địa phương, cục bộ ngành, lĩnh vực, chống chạy chức chạy quyền...
Ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ
Theo ông Thang Văn Phúc – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, theo quy định, các tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh cán bộ được công khai để cán bộ, đảng viên tham gia bỏ phiếu giới thiệu nhân sự quy hoạch ở địa phương, cơ quan, đơn vị được biết. Danh sách cán bộ được đưa vào quy hoạch hay đưa ra khỏi quy hoạch được thông báo công khai trong cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu, đồng thời thông báo cho cá nhân có liên quan.
Không ít trường hợp xuất hiện các ý kiến trái chiều, thậm chí phản bác kết quả quy hoạch cán bộ. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng được đo bằng chính lá phiếu ủng hộ của những người lấy ý kiến về nhân sự được quy hoạch.
“Cái gốc của công khai, minh bạch chính là xóa câu chuyện của những người “bằng mặt nhưng không bằng lòng”. Đó cũng là con đường tốt nhất để minh bạch hóa, công khai hóa công tác cán bộ”- ông Thang Văn Phúc cho biết.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, nguyên tắc đảm bảo tính công khai trong quy hoạch cán bộ nhằm giúp bản thân cán bộ ý thức được trách nhiệm của mình để nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, hoàn thiện các tiêu chuẩn theo chức danh được quy hoạch. Sự nỗ lực, phấn đấu được thể hiện bằng các sản phẩm công việc cụ thể hay kết quả từ những nhiệm vụ được giao.
Hơn nữa, nguyên tắc công khai cũng là cơ sở để các cấp có thẩm quyền đánh giá, nhận xét thường xuyên về ý thức rèn luyện cũng như quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị, khả năng phấn đấu vươn lên của từng người trong quy hoạch; là cơ sở để cán bộ, đảng viên trong trong cơ quan, đơn vị theo dõi, giúp đỡ, tạo điều kiện, thậm chí đề xuất đưa ra khỏi quy hoạch nếu cán bộ không còn xứng đáng.
“Dân chủ, công khai, minh bạch cũng chính là công cụ để kiểm soát quy trình công tác cán bộ cũng như quá trình phát triển của cán bộ, ngăn chặn được các lực lượng chống đối, tìm cách khiến nội bộ không ổn định” – ông Thang Văn Phúc nhấn mạnh.
Công khai ở mức nào?
Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Đức Hà – nguyên Vụ trưởng Vụ cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương) cũng cho rằng, công khai trong công tác quy hoạch cán bộ là điều cần thiết, song cũng phải hiểu công khai không có nghĩa là phổ biến đến tất cả mọi người mà cũng cần đảm bảo nguyên tắc nhất định, đó là công khai theo quy định, công khai trong tập thể cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, cá nhân có liên quan biết.
Ông Nguyễn Đức Hà – nguyên Vụ trưởng Vụ cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương)
Ở đây cần khắc phục cả 2 khuynh hướng: thiếu công khai, tức là giấu giếm, kín, chỉ một số người biết được việc này; nhưng cũng không có nghĩa là mở tung ra cho tất cả mọi người đều biết, quan trọng là chú ý đến từng nhóm đối tượng cụ thể, gắn với những yêu cầu cụ thể về tính bảo mật. Bởi vì công tác cán bộ là công tác của Đảng, phải thực hiện theo nguyên tắc của Đảng.
Trong thực tiễn có những trường hợp, nếu đưa rộng rãi để tất cả mọi người đều biết sau đó xuất hiện những luận điệu xuyên tạc, phá hoại, ảnh hưởng đến nhân sự được quy hoạch. Do vậy, quan trọng nhất là làm thế nào để cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu đánh giá, xem xét để chọn đúng người có phẩm chất, năng lực.
Từ nhiệm kỳ Đại hội XI, XII đến nay, có thể nói công tác cán bộ đã từng bước đi vào nề nếp, chủ động hơn và đạt được những kết quả quan trọng. Các cấp ủy đã quy hoạch được số lượng lớn cán bộ, nguồn quy hoạch rộng mở, góp phần thực hiện tốt công tác bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử theo các chức danh lãnh đạo, quản lý ở Trung ương và địa phương.
Việc thực hiện nghiêm nguyên tắc công khai, minh bạch trong quy hoạch cán bộ sẽ là cơ sở để đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, sử dụng đúng người, đúng việc, khắc phục được tình trạng bổ nhiệm không đúng người từng xảy ra trước đây khiến dư luận bức xúc./.
Tác giả: Kim Anh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy