Dòng sự kiện:
Công nghiệp, thương mại Thủ đô chuyển dịch theo hướng tích cực
31/07/2023 16:40:53
Hà Nội đã huy động được 46.778 tỷ đồng đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đây là một nguồn lực rất lớn giúp khu vực nông thôn hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo đà phát triển kinh tế-xã hội.

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội khóa XII về mở rộng địa giới hành chính Hà Nội, công nghiệp, thương mại trên địa bàn thành phố đã gặt hái được những kết quả nhất định; đóng góp chung vào kết quả phát triển kinh tế của Thủ đô.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn sau điều chỉnh địa giới hành chính đã chuyển dịch theo hướng tích cực và đạt mức tăng trưởng khá, đóng góp ngày càng cao vào mức tăng trưởng chung GRDP thành phố.

Giá trị tăng thêm công nghiệp giai đoạn 2011-2015 bình quân đạt 9,2%; giai đoạn 2016-2020 bình quân đạt 7,43%; bình quân 2 năm 2021-2022, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 6,7%/năm.

Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng chủ yếu (khoảng 91%). Công nghiệp công nghệ cao dần phát triển ở một số lĩnh vực như điều khiển kỹ thuật số, tự động hóa, nano, plasma, laser, công nghệ sinh học…

Cùng với đó, Chương trình Phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội đã được Sở Công Thương tham mưu tổ chức triển khai từ năm 2008 đến nay và đã hình thành ngày càng rõ nét hơn các nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực.

Cụ thể, năm 2010, trên địa bàn thành phố có 53 sản phẩm của 48 doanh nghiệp được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực; hết năm 2022, thành phố đã lựa chọn, công nhận 196 sản phẩm của 132 doanh nghiệp là sản phẩm công nghiệp chủ lực (tăng 143 sản phẩm, 84 doanh nghiệp).

Sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố thuộc các nhóm ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo; điện, điện tử; công nghệ thông tin; dệt may, da giầy; công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm; công nghiệp hóa chất, cao su, nhựa, dược phẩm; công nghiệp vật liệu xây dựng; thủ công mỹ nghệ.

Trong bối cảnh điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn, cầu hàng hóa thấp, sức mua giảm. Tuy nhiên, hoạt động thương mại trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn luôn duy trì tăng trưởng.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội bình quân giai đoạn 2011-2015 tăng 12,84%; giai đoạn 2016-2020 tăng 9,14%; giai đoạn 2021-2022 tăng 9,3%. Quy mô giá trị Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2022 đạt khoảng 698 nghìn tỷ đồng, gấp gần 3,4 lần năm 2010.

Trong cơ cấu giá trị tổng mức bán lẻ, ngành thương nghiệp luôn là ngành có tỷ trọng lớn nhất (bình quân chiếm khoảng 59,3%). Các hình thức thanh toán trên nền tảng công nghệ hiện đại, thương mại điện tử phát triển mạnh, chiếm khoảng 7,0% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ./.

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến