Công nhân nghèo chê nhà lưu trú trăm tỷ
06/10/2014 11:41:23
ANTT.VN – Khu nhà lưu trú dành cho công nhân với chi phí xây dựng lên tới hơn 150 tỷ đồng tại KCN Vĩnh Lộc mặc dù đã hoàn thành được 4 năm nhưng đến nay mới chỉ 10% số phòng được thuê ở.

Ngày 5-10, đại diện các sở, ngành, lãnh đạo thành phố đã có buổi tiếp xúc, lắng nghe ý kiến công nhân, người lao động tại KCN Vĩnh Lộc. Tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐQT công ty TNHH Khu Công nghiệp Vĩnh Lộc Võ Văn Thân cho biết, khu nhà lưu trú cho công nhân có quy mô 344 phòng với 2.400 chỗ ở nhưng hiện tại chỉ có 62 phòng đang được sử dụng với 200 công nhân sinh sống. "Nhà lưu trú có siêu thị, bảo vệ 24/24, giữ xe, đảm bảo an ninh, rộng rãi, sạch đẹp nhưng rất ít công nhân đoái hoài", ông Thân nói.

Nhà lưu trú 7 tầng lấy toàn bộ kinh phí xây dựng hơn 150 tỷ đồng từ nguồn vốn vay trong chương trình kích cầu của UBND Thành phố, thời hạn hoàn vốn là 7 năm. Tuy nhiên, theo lãnh đạo công ty TNHH KCN Vĩnh Lộc chia sẻ, dự án nhà lưu trú được đưa vào sử dụng đã 4 năm nhưng  chỉ 10% số phòng được công nhân thuê ở thì không thể kịp hoàn vốn đúng thời hạn.

Nhà lưu trú 150 tỷ với 344 phòng sau 4 năm đưa vào sử dụng đến nay, thực tế chỉ 62 phòng đang có công nhân thuê (Ảnh: Vnexpress)

Người lao động Văn Thị Hợi - công nhân công ty bia Sài Gòn miền Tây phản ánh: “Công nhân rất bức bách về chỗ ở. Nhà lưu trú là một cơ ngơi mơ ước, lẽ ra công nhân phải vui mừng đăng ký vào ở nhưng giá thuê phòng ở đây lại khá cao, từ 240.000-300.000 đồng/người, trong khi ở trọ, nếu chung nhau thì mỗi công nhân chỉ mất khoảng 150.000-200.000 đồng/tháng. Thêm vào đó, các nội quy sinh hoạt ở khu lưu trú tương đối ngặt nghèo, bất tiện không phù hợp với sinh hoạt của người lao động.”

Trước các ý kiến của công nhân, Trưởng ban quản lý Khu công nghiệp, chế xuất TP HCM (Hepza) Vũ Văn Hòa, thừa nhận, qua nhiều đợt kiểm tra, nhà lưu trú cho công nhân chưa phát huy được tác dụng. Theo ông, thiết kế các khu nhà này chưa phù hợp với công nhân, do quá rộng, quá sang, giá cả chưa hợp lý trong khi điều kiện công nhân còn hạn chế. Thêm nữa, nội quy, quy định quá khắt khe tại nhà lưu trú, khiến công nhân chưa mặn mà. Cụ thể ông Hoà chia sẻ, để được ở nhà lưu trú công nhân phải thông qua doanh nghiệp họ làm việc giới thiệu.

Nhằm giải quyết tình trạng trên, ông Hòa kiến nghị “Phải tuyên cố rõ ràng các khu lưu trú này dành cho công nhân, đi kèm đó phải điều chỉnh lại giá cả, nội quy quản lý nới lỏng hơn để thu hút công nhân vào ở. Thời gian tới, sẽ kiến nghị để người  lao động trực tiếp liên hệ với ban quản lý nhà lưu trú để đăng ký không cần thông qua nơi làm việc”.

Tham dự buổi tiếp xúc, Phó chủ tịch UBND TP HCM Hứa Ngọc  yêu cầu cần phải làm rõ nguyên nhân tại sao công nhân không vào ở các khu lưu trú, trong khi mức đầu tư lớn (gần 30 tỷ), công năng còn lớn và dành cho người lao động. Ông Thuận đánh giá đây là sự lãng phí, cần phải giải quyết sớm cho công nhân an cư.

Cũng trong buổi tiếp xúc này, các công nhân đã kiến nghị gửi nhiều ý kiến thắc mắc liên quan đến đời sống, thu nhập, nơi gửi trẻ, nhà lưu trú công nhân, khám chữa bệnh, cơ chế giải quyết chế độ BHXH đối với doanh nghiệp có chủ bỏ trốn, nợ đóng BHXH...

Theo đó công nhân cũng kiến nghị nâng mức lương cơ bản để đảm bảo mức sống tối thiểu, vừa cải thiện tiền lương hưu sau này.

Diệu Ly (tổng hợp)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến