Dòng sự kiện:
Công ty con của Hùng Vương có khả năng bị hủy niêm yết bắt buộc
29/10/2019 10:07:40
Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) vừa ra đưa ra cảnh báo cổ phiếu AGF của CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (Agifish) có khả năng bị hủy niêm yết bắt buộc.

Cụ thể ngày 21/10, Agifish đã thực hiện công bố báo cáo tài chính quý IV niên độ 1/10/2018-30/9/2019 với việc phát sinh khoản lỗ sau thuế cho kỳ kế toán đến 30/9 là 111,7 tỷ đồng và giá trị lỗ lũy kế tương ứng hơn 382 tỷ đồng, so với vốn điều lệ hiện tại 281 tỷ đồng.

Trước đó, Agifish đã phát sinh khoản lỗ trong 2 năm tài chính liên tiếp trước đó (niên độ 2017 và 2018), theo quy định cổ phiếu sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc nếu thua lỗ trong 3 năm liên tiếp.

Hiện nay, cổ phiếu AGF thuộc diện kiểm soát đặc biệt theo quyết định số 296 ngày 31/7/2019 của HoSE. Công ty cũng chậm công bố thông tin báo cáo tài chính kiểm toán trong 2 năm trước đó.  

Được biết niên độ tài chính kết thúc 30/9/2018, Agifish từng công bố báo cáo quý IV/2018 với con số lỗ lũy kế 282 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ và HoSE đã ra cảnh báo hủy niêm yết bắt buộc. Sau đó, công ty công bố báo cáo tài chính kiểm toán thì số lỗ lũy kế năm tài chính 2018 chỉ còn 270,4 tỷ đồng, do đó đã thoát khỏi án hủy niêm yết.

Kết quả kinh doanh của Agifish lao dốc mạnh.

Agifish được thành lập năm 1985 và vươn lên thành ngọn cờ đầu của tỉnh An Giang ở lĩnh vực chế biến xuất khẩu cá nước ngọt. Năm 2001, Agifish cổ phần hóa và đưa cổ phiếu niêm yết từ năm 2002.

Cơ cấu cổ đông hiện nay của Agifish bao gồm công ty mẹ CTCP Hùng Vương (HoSE: HVG) nắm giữ 79,6% vốn và Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sở hữu 8,2% vốn. Cổ phiếu AGF trên thị trường hiện chỉ còn 3.310 đồng/cp, tương đương mức vốn hóa thị trường của công ty từng dẫn đầu ngành cá tra này chỉ còn 93 tỷ đồng.

Công ty Hùng Vương cũng đã công bố báo cáo tài chính công ty mẹ quý IV niên độ 1/10/2018-30/9/2019. Doanh thu thuần đạt 284 tỷ đồng, giảm 79% cùng kỳ. Giá vốn ở mức cao hơn doanh thu nên Hùng Vương bị lỗ gộp 23 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lãi 95 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh từ 241 tỷ về 3 tỷ đồng. Doanh nghiệp thủy sản này báo lỗ 84 tỷ đồng quý IV, lũy kế cả năm lỗ 189 tỷ đồng.

Đơn vị: Tỷ đồng. Nguồn: Báo cáo tài chính HVG

Doanh thu niên độ 2018-2019 của Hùng Vương giảm 31% xuống 2.881 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu xuất khẩu thủy sản giảm mạnh từ 1.425 tỷ xuống 711 tỷ đồng, giảm 50%; doanh thu nội địa giảm 12% xuống 2.044 tỷ đồng. Trong kỳ, công ty không có nguồn thu từ nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi.

Doanh thu hoạt động tài chính cũng sụt giảm mạnh do không có lãi từ bán khoản đầu tư và cổ tức được chia 1,46 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước là 110 tỷ đồng.

Tính đến cuối kỳ, Công ty Hùng Vương có khoản nợ ngắn hạn 1.493 tỷ đồng, giảm 11%. Hai chủ nợ lớn của Hùng Vương là BIDV (940 tỷ đồng) và Vietcombank (554 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm 619 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu do vậy mà giảm từ 1.856 tỷ xuống 1.667 tỷ đồng.

Khánh Linh (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến