Hàng nghìn công nhân bị 'tra tấn'
Phản ánh tới An ninh Tiền tệ, một số doanh nghiệp có trụ sở tại khu vực giáp ranh các xã Đông Sơn và Kênh Giang (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) bức xúc cho biết, những tháng gần đây hàng nghìn công nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp này liên tục bị tra tấn bởi tiếng ồn, khói bụi. Nguyên nhân là do hoạt động tái chế phế liệu sắt, thép của Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ và Vận tải Hải Dương (Công ty Hải Dương).
Theo ghi nhận tại khu vực hoạt động của Công ty Hải Dương, có rất nhiều đống sắt, thép phế liệu, thùng phuy đã qua sử dụng. Tất cả số phế liệu này tập kết ngổn ngang ngoài trời sau đó được đưa vào dàn máy nghiền, băm chặt nhưng không hề có nhà xưởng, phông bạt che chắn.
Hệ thống máy móc tái chế phế liệu trái phép gây ô nhiễm môi trường của Công ty Hải Dương
Anh Nguyễn Văn Bình, công nhân Công ty TNHH Hòa Phong (bên cạnh Công ty Hải Dương) nói: “Công ty chúng tôi nằm ngay sát hệ thống máy băm vò sắt vụn của Công ty Hải Dương nên chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Mỗi khi hệ thống này hoạt động, tiếng ồn cùng khói bụi mù mịt theo chiều gió bay tới các nhà máy, xí nghiệp xung quanh. Đặc biệt, mùi hóa chất còn tra tấn chúng tôi, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mọi người”.
Cũng như công nhân của Công ty Hòa Phong, rất nhiều công nhân các doanh nghiệp khác cũng phải chịu đựng tiếng ồn, hít phải khói bụi khi hệ thống nghiền phế liệu hoạt động.
Không chịu đựng được sự tra tấn kéo dài từ hoạt động tái chế của Công ty Hải Dương, các doanh nghiệp và công nhân làm việc tại đây đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị tới chính quyền địa phương. Tuy phía chính quyền đã yêu cầu Công ty Hải Dương dừng hoạt động trên nhưng chỉ được một thời gian ngắn thì "đâu lại vào đấy".
Phớt lờ chỉ đạo chính quyền
Ông Tạ Tuấn Minh, Chủ tịch UBND xã Đông Sơn (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) cho rằng: “Từ đầu tháng 5/2020, UBND xã nhận được thông tin phản ánh về thực trạng nêu trên. UBND xã đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra, lập biên bản xác nhận Công ty Hải Dương không được cấp phép hoạt động, đồng thời yêu cầu đánh giá tác động môi trường tại khu vực đang hoạt động”.
Theo ông Minh, việc Công ty Hải Dương hoạt động gây tiếng ồn, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới khu vực xung quanh là có thật. UBND xã Đông Sơn đã yêu cầu công ty này dừng hoạt động nhưng chỉ được một thời gian họ lại tái diễn.
Phế liệu tái chế của Công ty Hải Dương gây ô nhiễm môi trường
Theo biên bản làm việc của UBND xã Đông Sơn và các cơ quan chức năng huyện Thủy Nguyên, từ năm 2018 Công ty TNHH Vũ Hải có ký hợp đồng cho Công ty Hải Dương thuê 3.000m2 đất. Sau đó, doanh nghiệp này đã tập kết, tiến hành tái chế phế liệu tại khu vực này. Phần đất này hiện đang được UBND xã Đông Sơn cho ông Vũ Hải ở thôn 2, xã Đông Sơn thuê để trồng cây hàng năm.
Tại các cuộc họp với UBND xã Đông Sơn, đại diện Công ty Hải Dương ngang nhiên khẳng định: “Chúng tôi thuê đất của Công ty Vũ Hải để hoạt động nhưng không biết đây là đất công ích. Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục sản xuất để đảm bảo doanh thu”.
Trong khi đó đại diện Công ty Vũ Hải khẳng định, có ký hợp đồng cho Công ty Hải Dương thuê mặt bằng kho bãi. Tuy nhiên, Công ty Hải Dương đã tự ý lấn chiếm sử dụng phần đất thuộc Dự án giai đoạn 2 của Công ty Vũ Hải để lắp đặt hệ thống máy tái chế phế liệu trái phép, thuận tiện cho việc xả thải.
Khi UBND xã Đông Sơn yêu cầu dừng hoạt động hệ thống máy móc này vì ô nhiễm môi trường, Công ty Vũ Hải đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo, cắt điện phục vụ sản xuất. Tuy vậy, Công ty Hải Dương lại tìm cách lấy điện từ Công ty Nam Bình Phát để tiếp tục hoạt động trái phép, gây ô nhiễm môi trường.
Để có thông tin khách quan về hoạt động tái chế phế liệu gây ô nhiễm môi trường nêu trên, PV đã nhiều lần liên hệ với đại diện khu tái chế phế liệu của Công ty Hải Dương, tuy nhiên các bảo vệ tại đây không cho vào với lý do lãnh đạo công ty đi vắng.
Các loại phế liệu được tập kết thành từng đống trước khi tái chế trái phép
Trước việc Công ty Hải Dương liên tục tái diễn hoạt động không phép, gây ô nhiễm môi trường khiến dư luận bức xúc, ngày 16/9, ông Nguyễn Văn Viển, Phó Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên đã chủ trì cuộc họp xử lý vụ việc.
Tại cuộc họp, ông Viển yêu cầu Công ty Hải Dương ngay lập tức dừng hoạt động tập kết, sơ, tái chế phế liệu sắt thép tại khu đất công ích thuộc thôn 6 xã Đông Sơn. Đồng thời, yêu cầu Công ty Hải Dương di chuyển toàn bộ tài sản, máy móc, nguyên vật liệu ra khỏi khu đất trước ngày 25/9.
Tuy nhiên, tới ngày 28/9, theo ghi nhận của PV, hệ thống máy móc thiết bị để tái chế sắt thép phế liệu gây ô nhiễm môi trường vẫn nằm ngổn ngang tại khu đất.
Vũ Đạt
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy