Ngày 5/5, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 15 bị cáo trong vụ án "Buôn lậu", "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường).
Thu lợi bất chính 221 tỉ đồng
Có 14 bị cáo bị VKSND Tối cao truy tố về tội "Buôn lậu", gồm: Trần Ngọc Ánh, phó tổng giám đốc; Đỗ Quốc Huy, giám đốc bán hàng; Bùi Quốc Việt, nhân viên (anh trai Bùi Quang Huy); Trần Tất Khoa, giám đốc Công ty Nhật Cường Quảng Châu; Ngô Tuấn Sửu, giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng Thanh Sơn, cùng 9 bị cáo khác. Riêng 2 bị cáo Nguyễn Thị Bích Hằng, kế toán trưởng và Nguyễn Bảo Ngọc, giám đốc tài chính, bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".
Từ tháng 5/2019, Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường (đang bỏ trốn), đã trực tiếp chỉ đạo lãnh đạo và nhân viên công ty thực hiện hành vi giao dịch, mua bán trái phép hơn 255.000 sản phẩm điện tử của 16 nhà cung cấp tại Hồng Kông (Trung Quốc). Thông qua hệ thống các cửa hàng của Công ty Nhật Cường trong nước, Bùi Quang Huy đã tiêu thụ được 254.364 sản phẩm, thu lợi bất chính 221 tỉ đồng.
Việc nhập hàng bằng đường hàng không, đường bộ và đường biển với sự tham gia của 9 đường dây vận chuyển hàng hóa trái phép. Để che giấu hành vi bất hợp pháp, Công ty Nhật Cường sử dụng 2 hệ thống phần mềm ERP và MISA theo dõi, kiểm soát hàng hóa và tài chính.
Tại phiên tòa, bị cáo Trần Ngọc Ánh khai năm 2009 có 9 cửa hàng, đến năm 2015 có 15 cửa hàng. Nguồn hàng chủ yếu từ các nhà cung cấp trong nước của các hãng Nokia, Samsung… và nhập hàng từ nước ngoài.
Theo bị cáo Ánh, trước tháng 7/2015, các hoạt động mua bán hàng hóa do Bùi Quang Huy phụ trách. Sau khi Bùi Quang Huy mở rộng các mảng khác như phần mềm thì bị cáo Ánh được giao việc giao dịch với các nhà cung cấp.
Cũng theo bị cáo này, Công ty Nhật Cường mua hàng từ các nhà cung cấp trong nước và mua hàng ở nước ngoài, thuê các công ty vận chuyển về nước. "Việc tìm kiếm, móc nối các nhà cung cấp do Bùi Quang Huy thực hiện. Bùi Quang Huy lập các nhóm chat thông qua ứng dụng WhatsApp, Wechat để trao đổi với các nhà cung cấp" - bị cáo Ánh khai.
Các bị cáo tại phiên tòa ngày 5/5
Thanh toán hàng ngàn tỉ đồng qua tiệm vàng
Về quy kết là đồng phạm với Bùi Quang Huy về hành vi buôn lậu hơn 2.500 đơn hàng với hơn 255.000 sản phẩm, trị giá hơn 2.927 tỉ đồng, bị cáo Ánh cho rằng không thắc mắc số liệu trên nhưng đề nghị làm rõ cho bị cáo tham gia ở giai đoạn nào. "Bị cáo không liên quan đến toàn bộ con số này. Trước năm 2015, bị cáo không biết việc mua hàng của công ty. Trong số 12 nhà cung cấp không phải đơn hàng nào bị cáo cũng tham gia, có những đơn hàng do Bùi Quang Huy trực tiếp làm" - bị cáo Ánh trình bày.
Đáng chú ý, theo hồ sơ vụ án, qua lời khai của bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc và phần mềm ERP của Nhật Cường, thể hiện Bùi Quang Huy cùng các đồng phạm đã thông qua 2 tiệm vàng tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) để chuyển hàng ngàn tỉ đồng thanh toán cho các nhà cung cấp ở nước ngoài và tiền công vận chuyển. Theo đó, tiệm vàng Lộc Phát (phố Hà Trung, quận Hoàn Kiếm) chuyển 1.729 tỉ đồng; chi tiền mặt là 1.121 tỉ đồng, số tiền còn lại chuyển khoản 21 tài khoản của 12 cá nhân. Tiệm vàng Thuận Phát (phố Hàng Dầu) chuyển 795 tỉ đồng; chi tiền mặt là 487 tỉ đồng, số còn lại chuyển vào 14 tài khoản của 8 cá nhân.
Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc khai được Bùi Quang Huy giao đầu mối chuyển tiền cho các nhà cung cấp. Trong đó, bị cáo đưa trực tiếp cho Ngô Xuân Sửu, nhà cung cấp Công ty Miền Tây, khoảng hơn 200 tỉ đồng. "Ngoài ra, bị cáo còn thanh toán cho các nhà cung cấp ở nước ngoài qua trung gian tiệm vàng ở phố Hàng Dầu và Hà Trung. Tổng số tiền thanh toán qua 2 tiệm vàng đó là do Bùi Quang Huy chỉ đạo bị cáo làm hết" - bị cáo Ngọc khai và xác nhận số tiền cơ quan điều tra trích xuất là chính xác.
"Bị cáo không có nhóm chat riêng với Bùi Quang Huy, không được bàn bạc mua bán các mặt hàng. Bị cáo chỉ thanh toán khi Bùi Quang Huy chỉ đạo và đã chốt đơn hàng mua bán" - bị cáo khai và cho biết thêm sau này bị cáo mới biết có số hàng hóa không có hợp đồng mua bán để ngoài sổ sách là buôn lậu.
Về cáo buộc đồng phạm tội "Buôn lậu", bị cáo Ngọc thừa nhận phạm tội như cáo trạng quy kết nhưng mong HĐXX xem xét tình tiết giảm nhẹ. Bị cáo không đồng tình về tội "Vi phạm quy định về kế toán" vì bị cáo không quản lý sổ sách kế toán, phần mềm của Công ty Nhật Cường.
1 bị cáo tử vong trước khi xét xử
Tại phần thủ tục trước phiên tòa, đại diện HĐXX cho biết quá trình mở phiên tòa, HĐXX nhận được giấy báo tử và qua xác minh, xác định bị cáo Mai Tiến Dũng, Trưởng ngành hàng điện thoại cũ Công ty Nhật Cường, đã tử vong ngày 23/4/2021 tại Bệnh viện E Hà Nội do trọng bệnh. HĐXX đã thảo luận và ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bị cáo Mai Tiến Dũng vào ngày 3/5/2021.
Tác giả: Nguyễn Hưởng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy