Dòng sự kiện:
Công ty tài chính sẽ kiểm soát chặt dòng tiền cho khách hàng vay
26/03/2019 07:01:16
NHNN Việt Nam đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2016/TT-NHNN của Thống đốc NHNN Việt Nam quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính (CTTC).

Hình minh họa

Dự thảo Thông tư quy định việc giải ngân vốn cho vay tiêu dùng của CTTC tuân thủ quy định của NHNN về phương thức giải ngân vốn cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Đồng thời, dự thảo Thông tư quy định rõ các hình thức giải ngân cho vay tiêu dùng của CTTC phù hợp với đặc thù hoạt động của CTTC, bao gồm:

CTTC giải ngân bằng tiền mặt cho bên thụ hưởng (bên cung ứng hàng hóa, dịch vụ) hoặc chuyển số tiền giải ngân vào tài khoản thanh toán của bên thụ hưởng trên cơ sở hàng hóa, dịch vụ đã cung ứng cho khách hàng để tiêu dùng và theo thỏa thuận tại hợp đồng cho vay tiêu dùng (điểm a khoản 1 Điều 4a); Giải ngân bằng tiền mặt cho khách hàng vay hoặc chuyển số tiền giải ngân vào tài khoản thanh toán của khách hàng vay theo thỏa thuận tại hợp đồng cho vay tiêu dùng (điểm b khoản 1 Điều 4a).

Quy định về giải ngân trên là nhằm tách bạch hoạt động cho vay tiêu dùng giải ngân thông qua bên thụ hưởng và cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay, tạo cơ sở kiểm soát việc cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay.

Căn cứ thực trạng cho vay tiêu dùng của các CTTC tại Việt Nam, cho vay giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay có rủi ro cao, khó kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay, vì vậy để đảm bảo cho vay tiêu dùng phát triển bền vững, lành mạnh, hiệu quả, cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay nên hướng đến khách hàng đã vay tại CTTC và có lịch sử trả nợ tốt. Trên cơ sở đó, dự thảo Thông tư quy định:

CTTC chỉ được giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4a Thông tư này đối với khách hàng đã và đang vay tại CTTC đó, được đánh giá có lịch sử trả nợ tốt theo quy định nội bộ của CTTC và không có nợ xấu theo kết quả phân loại nhóm nợ của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam đến thời điểm gần nhất tính từ thời điểm ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng. (khoản 3 Điều 4a).

Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4a Thông tư này không vượt quá 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của CTTC (khoản 4 Điều 4a).

Đối với công tác thu hồi nợ, dự thảo Thông tư sửa đổi điểm đ khoản 2 Điều 7 Thông tư số 43/2016/TT-NHNN. Theo đó, biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng và quy định của pháp luật, trong đó thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 21 giờ; không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng; không nhắc nợ, đòi nợ tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho CTTC.

Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư bổ sung một Điều về trách nhiệm của CTTC (Điều 10a) nhằm quy định cụ thể trách nhiệm của CTTC trong việc tuân thủ quy định tại Thông tư, tăng cường cho vay có trách nhiệm của CTTC trong tất cả các giai đoạn tín dụng.

Đồng thời dự thảo Thông tư cũng quy định cụ thể chế độ báo cáo của CTTC (về điểm giới thiệu dịch vụ, quy định nội bộ, khung lãi suất, dư nợ cho vay tiêu dùng) cho Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố nơi đặt trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, điểm giới thiệu dịch vụ của CTTC, đảm bảo cơ quan có thẩm quyền có thể quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động của CTTC.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến