Dòng sự kiện:
Công ty thức ăn chăn nuôi kinh doanh bết bát, Masan MeatLife rót 500 tỷ đồng
20/03/2020 16:55:50
Sau khi Anco báo lỗ 468 tỷ đồng năm 2019 do doanh thu bán hàng và thị trường chăn nuôi heo tiếp tục gặp khó khăn, Masan MeatLife dự kiến rót thêm 500 tỷ đồng cho công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi này.

CTCP Masan MeatLife (UPCoM: MML) vừa có thông báo góp thêm vào vốn điều lệ của CTCP Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (Anco) một khoản tiền tối thiểu là 500 tỷ đồng.

Anco là một công ty chuyên về sản xuất thức ăn chăn nuôi (gia súc, gia cầm, thủy sản) được thành lập năm 2003 với thương hiệu nổi tiếng nhất cũng chính là Anco. Ban đầu, đây là công ty liên doanh giữa Việt Nam và Malaysia và chuyển sang mô hình CTCP vào năm 2009. Đến năm 2015, Masan Nutri-Science đầu tư nắm giữ 70% cổ phần Anco.

Theo báo cáo đăng ký thay đổi doanh nghiệp lần thứ 6, Anco có vốn điều lệ tăng lên thành 800 tỷ đồng với Tổng giám đốc là Phạm Trung Lâm. Masan MeatLife (trước đây là Masan Nutri-Science) là công ty mẹ nắm giữ gần như 100% vốn. 

Masan MeatLife sắp rót 500 tỷ cho công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi

Như đã thông tin trước đó, năm 2019, Anco kinh doanh kém quả quan với doanh thu thuần giảm 7% còn 1.875 tỷ đồng, lợi nhuận gộp chỉ đạt hơn 53 tỷ đồng, giảm mạnh 79%. 

Doanh thu tài chính chỉ còn 5 tỷ đồng so với 244 tỷ đồng năm ngoái do không còn các khoản lãi cho vay và chưa nhận phần cổ tức (phần phải thu cuối kì còn hơn 158 tỷ đồng). Trong khi đó, chi phí tài chính hơn 281 tỷ đồng, tăng 6%, chủ yếu là lãi vay, lãi trái phiếu. 

Chi phí bán hàng tương đương năm ngoái, tuy nhiên cơ cấu thay đổi. Anco và các công ty con tăng cường cho hoạt động quảng cáo, khuyến mãi lên tới 55% đạt 41,5 tỷ đồng; đồng thời giảm chi phí nhân công 38% xuống còn gần 24 tỷ đồng.

Kết quả Anco lỗ sau thuế 468 tỷ đồng so với khoản lợi nhuận 39 tỷ đồng năm 2018. 

Lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh âm 625 tỷ đồng; lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm 1.933 tỷ đồng; Anco bù lại bằng nguồn thu phát hành cổ phiếu và đi vay với lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính 2.661 tỷ đồng. 

Đây là nguyên nhân chính khiến nợ phải trả của Anco tăng 64% lên mức 5.744 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2019. Trong đó, vay ngắn hạn 1.591 tỷ đồng, tăng hơn 1.400 tỷ đồng; vay trái phiếu phát hành dài hạn 3.150 tỷ đồng, tăng 22%. 

Vay ngắn hạn tăng chủ yếu đến từ vay bên liên quan như công ty mẹ CTCP Masan MEATLife 585 tỉ đồng hay các đơn vị khác như MNS Feed Vĩnh Long, MNS Feed Tiền Giang và MNS Feed Thái Nguyên khoảng 320 tỉ đồng...

Đối với các khoản vay dài hạn, đến từ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) 1.000 tỉ đồng (tăng 600tỷ) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) 564 tỷ đồng (tăng 360 tỷ)... Hai khoản vay này lần lượt được đảm bảo bằng dự án nhà máy Meat Hà Nam và dự án trang trại chăn nuôi heo tại Nghệ An. 

Linh Nhi

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến