Dòng sự kiện:
Công ước CITES liệu có làm khó doanh nghiệp xuất khẩu gỗ?
08/06/2017 13:41:30
Sau Thông tư 04/2017 của Bộ NN&PTNT về ban hành danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) đã gây ra những suy luận trái chiều từ các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ.

CITES là gì?
CITES là tên gọi tiếng Anh được hiểu là Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp và  là Hiệp định giữa các chính phủ. Công ước hướng tới mục tiêu rằng việc buôn bán quốc tế mẫu vật của các loài động, thực vật hoang dã không làm ảnh hưởng đến sự tồn vong của loài. CITES được ký ở Washington DC( Hoa Kỳ) vào tháng 3/1973, và có hiệu lực vào ngày 1/6/1975. Hiện nay CITES là một trong những Hiệp định có số thành viên lớn nhất lên đến 173 nước.
Với việc buôn bán động thực vật hoang dã diễn ra liên quốc gia, do vậy nỗ lực kiểm soát việc buôn bán đòi hỏi sự tham gia của cả cộng đồng quốc tế. CITES thể hiện tinh thần hợp tác ấy. Ngày nay, công ước CITES bảo vệ trên 30.000 loài động, thực vật ở các mức độ khác nhau khi chúng được buôn bán dưới dạng mẫu vật sống, chết khác nhau.
Hàng năm, việc buôn bán động, thực vật hoang dã mang đến lợi nhuận hàng tỷ USD. Động, thực vật trong buôn bán rất đa dạng và phong phú từ động vật, thực vật sống đến các sản phẩm khác nhau, kể cả thực phẩm, len, da, dụng cụ âm nhạc, gỗ, vật lưu niệm, thuốc... Mức độ buôn bán động vật, thực vật hoang dã cao cùng với các nhân tố khác như mất sinh cảnh làm suy giảm mạnh quần thể của một số loài, dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng. Một số loài việc buôn bán chưa đến mức dẫn đến đe doạ tuyệt chủng, nhưng một hiệp ước quốc tế là cần thiết để bảo đảm sử dụng bền vững cho thế hệ tương lai.

gỗ giang huong
Gỗ gỗ trắc, cẩm lai, hương phải có chứng chỉ CITES mới được xuất khẩu.

Việt Nam trở thành thành viên thứ 121 của CITES vào ngày 20/01/1994. Trong suốt thời gian đó chính phủ Việt Nam đã nỗ lực để thực hiện những cam kết và những qui định của công ước và  ban hành một loạt những chính sách, nguyên tắc, qui định để nội luật hóa công ước CITES, thành lập một hệ thống các cơ quan thực thi mà có cả cơ quan thẩm quyền quản lý về CITES và cơ quan khoa học về CITES ở Việt Nam. Để thực hiện CITES Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2006/NĐ-CP ngày 10/8/2006 về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm. Và mới đây là Thông tư số 04/2017/TT-BNNPTNT ngày 24/2/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ban hành danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).


Thông tư 04/2017 chỉ là nội luật hóa Danh mục quy định trong các Phụ lục của Công ước CITES?
Ngay sau khi Thông tư 04 được công bố đến địa phương thì nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ cho rằng, từ nay muốn xuất khẩu gỗ trắc, cẩm lai, hương phải có chứng chỉ CITES theo quy định mới. Điều đó có nghĩa nhiều doanh nghiệp đã nhập khẩu hợp pháp với số lượng lớn gỗ trắc, cẩm lai, gỗ hương...đứng trước nguy cơ không thể xuất khẩu theo đường chính ngạch và cứ mỗi lần bán gỗ (hàng đã nhập hợp pháp), doanh nghiệp lại phải mất công ra tận cơ quan chủ quản của CITES để  xin giấy phép.
 Nhiều doanh nghiệp cho rằng, phần lớn  hàng nhập về có nguồn gốc từ các nước lân cận thường không cấp giấy phép CITES nhưng khi doanh nghiệp Việt Nam xuất hàng lại buộc phải có CITES thì có hợp lý không?. Nếu cứ bắt buộc có các loại giấy phép này thì đề nghị các cơ quan hữu quan phải có văn bản hướng dẫn cụ thể và phải cấp tại cửa khẩu hoặc tại địa bàn có doanh nghiệp.
 Và ngay sau đó, Hội doanh nghiệp huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đã có đơn gửi Chính phủ cho rằng Thông tư 04/2017  là bất hợp lý, ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong văn bản của Tổng Cục Lâm nghiệp gửi các cơ quan thông tấn báo chí, các Hiệp hội và doanh nghiệp xuất khẩu ngành hàng gỗ cho biết: Thực hiện Thông báo số 2016/064 ngày 06/12/2016 của Ban Thư ký CITES về hiệu lực áp dụng Phụ lục CITES sửa đổi, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư số 04. Tại Điều 1 của Thông tư này quy định rõ: “Ban hành kèm theo Thông tư này Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các Phụ lục của Công ước CITES”. Việc sửa đổi, bổ sung các Phụ lục CITES được thực hiện theo quy định tại Điều XV của Công ước CITES.
 Theo đó, năm 2013 loài Trắc (Dalbergia cochinchinensis) được bổ sung vào Phụ lục II thuộc đối được phép buôn bán quốc tế nhưng phải có giấy phép CITES do cơ quan có thẩm quyền tại các quốc gia thành viên cấp.
Năm 2016, các loài thuộc chi Cẩm lai Dalbergia, loài Giáng hương Tây phi (Pterocarpus erinaceus) và một số loài khác được bổ sung vào Phụ lục II. Như vậy, Thông tư 04/2017/TT-BNNPTNT không quy định trình tự, thủ tục cấp phép CITES mà chỉ nội luật hóa Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các Phụ lục của Công ước CITES.
Nhận thấy việc áp dụng các chính sách mới (Phụ lục CITES mới bổ sung, sửa đổi) sẽ có một số doanh nghiệp gặp vướng mắc trong việc áp dụng, Tổng cục Lâm nghiệp đang phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam để nắm bắt những phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp để thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật và Công ước CITES về giấy phép CITES.
Theo ông Phạm Hồng Thái- Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình thì sau khi Thông tư 04 ban hành thì ở địa phương này chưa nhận được bất cứ phản ánh nào của doanh nghiệp kinh doanh gỗ. Ông Thái cho rằng, văn bản này chỉ nội luật hóa Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các Phụ lục của Công ước CITES. Cho nên, mặc dù các doanh nghiệp cho rằng là mới nhưng nó đã nằm trong quy định của quốc tế và đến lúc phải thực hiện. Tuy nhiên, ông Thái cũng cho rằng: “Nếu như cơ quan quản lý về CITES ở Việt Nam ủy quyền cho các địa phương làm thủ tục cấp phép thì doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn trong việc đi lại.”
Thủ tục cấp giấy phép CITES cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu và tái xuất khẩu mẫu vật động vật, thực vật thuộc các Phụ lục của CITES được triển khai trên Cơ chế một cửa quốc gia từ cuối năm 2015.
Dự kiến, cuối tháng 6 hoặc trong tháng 7/2017, Cơ quan quản lý CITES Việt Nam sẽ tổ chức 2 khóa tuyên truyền, đào tạo về việc thực hiện cấp phép trên hệ thống Một cửa.

                                                                                                                          Xuân Hương

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến