Công ty CP Công viên nước Đầm Sen (DSN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I với kết quả kinh doanh tiếp tục khả quan. Trong đó, doanh nghiệp ghi nhận 54 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 82% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương thu khoảng 600 triệu đồng/ngày.
Trong đó, đà tăng doanh thu đến ở hầu hết hoạt động kinh doanh từ mảng bán vé vui chơi vào công viên đến hoạt động cung cấp hàng hóa bên ngoài. Lợi nhuận gộp mảng bán hàng và cung cấp dịch vụ của Đầm Sen đạt 32,9 tỷ đồng, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 3 tháng đầu năm, doanh thu hoạt động tài chính của doanh nghiệp này ở mức 880 triệu đồng, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ; chi phí bán hàng tăng lên 3,8 tỷ đồng; chi phí quản lý lên mức 5,4 tỷ đồng.
Sau khi trừ thêm các chi phí khác, công viên nước nổi tiếng tại TP.HCM này lãi ròng 19,6 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm, gấp 2,3 lần so với quý I/2022.
Hiện chủ công viên nước này có quy mô tổng tài sản ở mức 294 tỷ đồng, mở rộng thêm 10 tỷ đồng so với đầu năm. Đáng chú ý là phần lớn tài sản nằm ở tiền và tiền gửi ngân hàng với gần 160 tỷ đồng, tương đương chiếm hơn 50% tổng tài sản.
Doanh nghiệp thuộc lĩnh vực vui chơi giải trí đang có khoản đầu tư chứng khoán vào 4 cổ phiếu trị giá hơn 34 tỷ đồng, trong đó phân bổ chủ yếu vào 2 cổ phiếu DNP (hơn 21 tỷ đồng) và OPC (9,1 tỷ đồng).
Năm nay, Đầm Sen chỉ đặt mục tiêu 230 tỷ đồng doanh thu và để ngỏ chỉ tiêu lợi nhuận. Như vậy, sau 3 tháng đầu năm, công viên này đã đạt hơn 23% mục tiêu doanh thu.
Trong tài liệu báo cáo kết quả kinh doanh 2022 và kế hoạch cho năm 2023, Công ty CP Dịch vụ Du lịch Phú Thọ (Phú Thọ Tourist - DSP) - chủ quản Công viên nước Đầm Sen, cho biết đã chi đầu tư mua sắm, xây dựng, duy tu bảo dưỡng hơn 12 tỷ đồng cho công viên nước này vào năm ngoái.
Dù là đơn vị chiếm đến 80% doanh thu và lợi nhuận kinh doanh, ban lãnh đạo đánh giá công viên đã quá cũ kỹ và kém thu hút đối với khách hàng, đặc biệt là giới trẻ hiện nay. Bên cạnh đó, thị trường đang bị co hẹp do có quá nhiều địa điểm vui chơi giải trí mới cạnh tranh và chia sẻ bớt nguồn khách hàng tiềm năng.
Công viên dự chi 10,3 tỷ đồng để mua sắm tài sản cố định và công cụ dụng cụ. Ngoài ra còn bỏ thêm 86 tỷ đồng để duy tu, bảo dưỡng thường xuyên cũng như đầu tư xây dựng cơ bản. Bên cạnh đó, Đầm Sen có kế hoạch dành 14,1 tỷ đồng cho ngân sách sự kiện và 5,4 tỷ đồng cho quảng cáo để thu hút khách hàng.
Tác giả: Thanh Thương
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy