Dòng sự kiện:
Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao, khó khăn vì Covid-19 mới chỉ bắt đầu?
03/03/2020 14:20:54
Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2020, có gần 16.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, con số này tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước.

Vừa qua, Tổng cục thống kê đã công bố báo cáo về tình hình kinh tế xã hội Việt Nam tháng 2/2020. Số liệu cho thấy kinh tế Việt Nam chịu tác động tiêu cực từ sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19.

Cụ thể, do thị trường tiêu thụ chịu ảnh hưởng bởi bệnh dịch, tính chung 2 tháng đầu năm 2020, sản lượng thủy sản ước tính đạt 1004,2 nghìn tấn, chỉ tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 4,6%).

Thêm vào đó, việc khan hiếm nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc do sản xuất tại nước này bị ngưng trệ đã có tác động tiêu cực lên tăng trưởng sản xuất các ngành công nghiệp của Việt Nam. Việc đơn hàng mới, đặc biệt là đơn hàng từ Trung Quốc lần đầu tiên giảm kể từ tháng 11/2015 đã góp phần làm giảm tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp trong 2 tháng đầu năm nay.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tính chung cho 2 tháng đầu năm cũng chỉ tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng trưởng 13,7% của cùng kỳ năm 2018 và 9,2% của cùng kỳ năm 2019.

Động lực chính của ngành sản xuất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 7,4% , thấp hơn so với mức 11,4% của cùng kỳ năm 2019. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 2 dù tăng 6% so với cùng kỳ năm trước, nhưng giảm 7,9% so với tháng trước.

Trong khi đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 8,3% , mức thấp nhất kể từ 2014 đến nay. Vốn đầu tư FDI thực hiện trong 2 tháng ước tính đạt 2,5 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước và lần đầu tiên giảm trong 5 năm qua. Chỉ số CPI tháng 2/2020 cũng giảm 0,17% so với tháng trước.

Nguyên nhân là do dịch bệnh Covid-19 khiến nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ của người dân giảm khiến cho giá dịch vụ du lịch, khách sạn, vui chơi giải trí cùng với giá xăng dầu giảm.

Hơn 16 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong hai tháng đầu năm 2020. (Ảnh: I.T)

Đáng chú ý, chỉ riêng trong 2 tháng đầu năm 2020, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 16.2000 doanh nghiệp, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước.

Số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 9.400 nghìn doanh nghiệp, giảm 31,4%; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 2.800 doanh nghiệp, giảm 11,1%, trong đó có 2.500 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, giảm 13,4%.

Tháng 2 được ghi nhận là tháng có doanh nghiệp "chết lâm sàng" cao và có sự tăng manh so với cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực như bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy; công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn; dịch vụ lưu trú và ăn uống, vận tải, kho bãi.

Trong 2 tháng, trên cả nước còn có gần 5.700 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước.

Chưa kể, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), tính đến ngày 20/2, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 6,47 tỷ USD, bằng 76,4% so với cùng kỳ năm trước. Lượng vốn giảm bên cạnh việc bị ảnh hưởng bởi kỳ nghỉ Tết thì dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp là một nguyên nhân tác động trực tiếp đến việc đi lại của các nhà đầu tư cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô dự án hiện có của nhà đầu tư nước ngoài.

Khánh Linh (t/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến