Người dân được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Thái Lan. (Nguồn: Reuters/TTXVN)
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Chính phủ Thái Lan đang tiến hành các cuộc thương lượng để mua 25 triệu liều vaccine của hãng Pfizer và Johnson & Johnson nhằm đạt được mục tiêu tiêm chủng 100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 vào cuối năm nay.
Hiện nay, Thái Lan mới chính thức đặt mua được 61 triệu liều vaccine của hãng AstraZeneca và 6 triệu liều của công ty Sinovac (Trung Quốc).
Truyền thông sở tại ngày 5/6 dẫn lời Cục trưởng Cục Kiểm soát dịch bệnh Opas Karnkawinpong cho biết nếu có thêm 8 triệu liều vaccine Sinovac cùng 25 triệu liều Pfizer và Johnson & Johnson, Thái Lan sẽ đạt được mục tiêu 100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19.
Ngoài ra, Chính phủ Thái Lan cũng có kế hoạch đặt mua thêm 50 triệu liều vaccine cho năm tới vì nhiều khả năng sẽ cần phải tiêm nhắc lại, đặc biệt nếu có nhiều biến thể mới xuất hiện.
Vào ngày 7/6 tới, Chính phủ Thái Lan sẽ chính thức bắt đầu chương trình tiêm chủng trên toàn quốc với hy vọng đến cuối tháng 12 sẽ có 50 triệu người, tức 70% dân số, được tiêm, bất chấp việc nhiều bệnh viện phàn nàn về nguồn cung ít ỏi hiện nay.
Ông Karnkawinpong cho biết Cục Kiểm soát dịch bệnh ban đầu sẽ phân bổ nguồn cung vaccine theo tuần cho những khu vực cần nhất cho đến khi các lô hàng được giao thường xuyên hơn.
Ngày 4/6, tập đoàn dược phẩm AstraZeneca đã chuyển giao lô vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên bao gồm 1,8 triệu liều cho Chính phủ Thái Lan.
Lô vaccine này là sản phẩm được AstraZeneca ủy quyền cho công ty Siam Bioscience sản xuất tại Thái Lan và cũng là lô đầu tiên trong tổng số 6 triệu liều vaccine mà AstraZeneca cam kết sẽ cung cấp cho Thái Lan trong tháng này.
Ngoài ra, 1,5 triệu liều vaccine Sinovac sẽ được bàn giao khi chiến dịch tiêm chủng đại trà bắt đầu vào tuần tới.
Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại Thái Lan đã có dấu hiệu khả quan khi lần đầu tiên trong nhiều tuần qua số người khỏi bệnh nhiều hơn số người mắc mới trong 24 giờ.
Thái Lan ngày 5/6 ghi nhận 2.817 ca mắc mới và 36 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong lên lần lượt là 174.796 ca và 1.213 ca. Trong khi đó, số bệnh nhân được thông báo khỏi bệnh cùng ngày là 3.396 người.
Hiện Thái Lan còn 49.490 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị trong các bệnh viện, trong đó 1.195 người trong tình trạng nguy kịch và 361 người phải thở máy.
Tại cuộc họp ngày 4/6 do Thủ tướng Prayut Chan-o-cha chủ trì, Trung tâm Xử lý tình hình kinh tế (CESA) đã thông qua đề xuất của Bộ Du lịch và Thể thao mở cửa hòn đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng Phuket cho du khách nước ngoài đã được tiêm chủng từ ngày 1/7.
Tuy nhiên, du khách được yêu cầu ở lại tỉnh này trong 14 ngày trước khi đến những địa điểm khác ở Thái Lan.
Ngoài ra, du khách cũng phải đáp ứng một số điều kiện khác như đến từ những nước có nguy cơ lây nhiễm thấp theo danh sách của Bộ Y tế và phải tiêm chủng đầy đủ trong khoảng thời gian trên 14 ngày nhưng dưới 1 năm…
Theo kế hoạch “hộp cát du lịch,” Phuket là địa phương đầu tiên của Thái Lan sẽ mở cửa trở lại cho du khách quốc tế và miễn cách ly đối với những người đã được tiêm chủng ngừa COVID-19.
Các quan chức tại cuộc họp cũng đã thông qua việc mở cửa trở lại đối với Bangkok, Phetchaburi, Prachuap Khiri Khan, Chiang Mai, Chon Buri (thành phố Pattaya) và Buri Ram từ ngày 1/10 tới.
Tại Malaysia, quan chức cấp cao của Bộ Y tế Hisham Abdullah cho biết nước này sẽ tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vaccine ngừa COVID-19 do tập đoàn Shenzhen Kangtai Biological Products của Trung Quôc sản xuất.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 31/5/2021. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, Cơ quan Quản lý dược phẩm quốc gia Malaysia (NPRA) ngày 28/5 vừa qua đã cho phép nghiên cứu lâm sàng loại vaccine trên sau khi Trung Quốc cấp phép sử dụng khẩn cấp 2 tuần trước đó.
Nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 3 của vaccine này sẽ được thực hiện tại 8 trung tâm nghiên cứu ở Malaysia với sự tham gia của 3.000 người từ 18 tuổi trở lên với thời gian dự kiến trong vòng từ 15-19 tháng.
Bên cạnh Malaysia và Trung Quốc, các nước Colombia, Argentina, Pakistan, Philippines và Ukraine cũng tham gia thử nghiệm tương tự.
Đây là lần thứ hai các thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa COVID-19 được tiến hành tại Malaysia.
Tháng Một năm nay, quốc gia Đông Nam Á này cũng đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đối với vaccine do Viện Y sinh thuộc Viện Hàn lâm khoa học y khoa Trung Quốc (IMBCAM) phát triển.
Về tình hình dịch bệnh, trong 24 giờ qua, Malaysia ghi nhận thêm 7.452 ca nhiễm mới và 109 người tử vong, nâng tổng số ca bệnh và tử vong lên lần lượt là 610.574 ca và 3.291 ca.
Theo Bộ trưởng Y tế Adham Baba, tính đến ngày 4/6, Malaysia đã tiêm tổng cộng 3,42 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó 2,29 triệu người đã được tiêm liều đầu tiên và 1,13 triệu người khác đã tiêm đủ 2 liều.
Tác giả: Ngọc Quang-Mạnh Tuân
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy