Dòng sự kiện:
CPI cả năm 2022 tăng 3,15%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra
29/12/2022 16:10:38
Lạm phát cơ bản bình quân 2022 tăng 2,59% so với năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung, phản ánh biến động giá tiêu dùng do giá lương thực, xăng dầu tăng.

Ngày 29/12, Tổng cục Thống kê hóp báo công bố báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội quý IV và cả năm 2022. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2022 giảm 0,01% so với tháng trước, trong đó: 2 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm và 9 nhóm có chỉ số giá tăng.

Tính chung quý IV/2022, CPI tăng 0,67% so với quý trước và tăng 4,41% so với cùng kỳ năm 2021. Bình quân năm 2022, CPI tăng 3,15% so với bình quân năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

Theo Tổng Cục Thống kê, giá xăng dầu trong nước giảm theo giá nhiên liệu thế giới là nguyên nhân chính làm cho chỉ số CPI tháng 12/2022 giảm 0,01% so với tháng trước, tăng 4,55% so với tháng 12/2021.

Lạm phát cơ bản bình quân năm 2022 tăng 2,59% so với năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,15%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng.

Cụ thể, trong tháng 12, có hai nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm (nhóm giao thông, nhóm bưu chính viễn thông) và 9 nhóm có chỉ số giá tăng.

Trong đó, giáo dục tăng 11,13% so với cùng kỳ năm trước; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 6,17%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 5,19%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 4,95%; đồ uống và thuốc lá tăng 3,64%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,63%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 2,31%; giao thông tăng 0,86%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,55%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,12%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,21% so với cùng kỳ năm trước.

Theo cơ quan thống kê, CPI bình quân năm 2022 tăng do một số nguyên nhân chủ yếu như giá xăng dầu trong nước tăng 28,01% so với năm trước; giá gạo tăng 1,22% so với năm 2021; giá các mặt hàng thực phẩm tăng 1,62% so với năm 2021; giá nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 3,11% so với năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào.

Ngoài ra, giá dịch vụ giáo dục tăng 1,44% so với năm 2021. Ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu, theo đó giá vé máy bay năm 2022 tăng 27,58% so với năm trước; giá vé tàu hỏa tăng 10,96%; giá vé ô tô khách tăng 12,15%; giá du lịch trọn gói tăng 8,27%.

Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra một yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI năm 2022. Cụ thể giá thịt lợn giảm 10,68% so với năm trước; giá nhà ở thuê giảm 1,83% so với năm trước; giá bưu chính viễn thông giảm 0,37%.

Chỉ số giá vàng tháng 12/2022 tăng 0,45% so với tháng trước; tăng 4,16% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân năm 2022 tăng 5,74% so với năm trước. Chỉ số giá USD tháng 12/2022 giảm 2,6% so với tháng trước và tăng 5% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân năm 2022 tăng 2,09% so với năm trước.

Cuối năm 2021, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Trong đó, Quốc hội đặt mục tiêu tốc độ tăng CPI là khoảng 4%. Như vậy, mục tiêu này đã được hoàn thành.

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, năm 2022, kinh tế nước ta phục hồi nhanh, nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu tăng cao, cùng với tác động của giá nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới đã đẩy giá sản xuất hàng hóa và dịch vụ trong nước tăng.

Chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất, chỉ số giá xuất khẩu, nhập khẩu quý IV và năm 2022 đều tăng so với cùng kỳ năm 2021.

Tác giả: Nguyễn Thu Huyền

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến