Dòng sự kiện:
Cửa đền ông Hoàng Mười bị biến thành chợ hàng mã
06/08/2017 08:04:43
Đền chùa vốn là nơi thanh tịnh. Thế nhưng hiện nay, tại Hà Tĩnh những nơi này đang bị rất nhiều gian hàng, ki ốt xâm lấn khiến cửa phật mất vẻ tôn nghiêm vốn có.

Thời gian qua, chúng tôi liên tục nhận được phản ánh của bạn đọc về việc cửa đền Chợ Củi hay còn gọi là đền ông Hoàng Mười, thuộc xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) bị biến thành chợ hàng mã với hàng trăm gian hàng, ki-ốt, làm mất vẻ tôn nghiêm vốn có.

Kiếm trăm triệu ngày cao điểm

Theo ghi nhận của PV, tại cổng đền Chợ Củi sáng ngày 3/8 là hàng chục quán ăn, hàng trăm cửa hàng kinh doanh hàng mã xen kẽ với các ki-ốt bán “sớ chữ nho”. Tại đây có đủ loại mặt hàng như cành vàng lá ngọc, tiền âm, tiền dương, ngựa to ngựa nhỏ, bánh kẹo, hoa quả… để phục vụ nhu cầu của các con nhang đệ tử.

Trước cổng đền là cửa hàng kinh doanh hàng mã xen kẽ với các ki ốt bán “sớ chữ nho”.

Qua cổng đền vẫn hiện ra khung cảnh quen thuộc. Cả chục dãy ki-ốt nằm sát nhau, được treo các tấm biển quảng cáo lớn. Phía trong khuôn viên, các quán nước cafe bày la liệt, bàn ghế ngổn ngang, du khách xả rác bừa bãi, gây mất vệ sinh...

Hàng mã được đánh giá là một hoạt động kinh doanh siêu lợi nhuận. Đó có lẽ cũng là lý do hoạt động này được kinh doanh rầm rộ chốn linh thiêng như đền ông Hoàng Mười.

Tiếp cận một ki-ốt ngay trước cổng đền có tên V.N, chủ cửa hàng này cho biết: "Ngày xưa chỗ này là đất bỏ hoang, tôi xây dựng thành ki-ốt buôn bán hàng mã đã xấp xỉ 20 năm. Hàng tháng tôi vẫn nộp thuế đầy đủ".

Khi được hỏi về doanh thu từ việc kinh doanh hàng mã, hầu hết các chủ hộ kinh doanh cho hay, ngày thường việc buôn bán không ăn thua. Chỉ có ngày Rằm, mồng Một và sắp tới vào mùa Vu Lan, dân tứ xứ đổ về mới là thời điểm mở màn kinh doanh nhộn nhịp ở đền Chợ Củi.

Được biết, mùa kinh doanh hàng mã kéo dài từ trước rằm tháng 7 đến rằm Trung thu; 23 tháng Chạp, Tết nguyên đán cho đến rằm tháng Giêng. Nhất là sau Tết nguyên đán nhu cầu giải hạn, cầu may của người dân rất lớn, đó cũng là thời điểm mở màn kinh doanh nhộn nhịp ở đền Chợ Củi. Theo tiết lộ của các chủ hộ kinh doanh, đợt cao điểm, có những ngày ngày họ "bỏ túi" cỡ trăm triệu đồng.

Một người dân địa phương cho biết: "Cảnh buôn bán ồn ào ngay trước đền Chợ Củi xuất hiện từ rất lâu và người ta mặc nhiên coi đây là chốn kinh doanh hiếm có. Nhiều khi khách đến viếng thăm cũng bị các chủ hàng chèo kéo làm mất đi nét tôn nghiêm nơi cửa đền".

Nhức nhối xử lý việc kinh doanh chốn linh thiêng

Được biết, người dân bức xúc đã nhiều lần có ý kiến lên chính quyền nhưng ban quản lý đền lại không có biện pháp giải quyết triệt để.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Long Thiên, Phó phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nghi Xuân kiêm Trưởng ban quản lý khu du tích cho biết, các ki-ốt này có từ năm 1996, do các hộ dân tự xây và cá nhân tự quản lý. Đến năm 2015 huyện mới tiếp nhận và thành lập ban quản lý. Địa điểm người dân kinh doanh hàng mã thuộc khu vực 2.

Việc thu thuế do chi cục thuế đảm nhận. Còn phần hòm công đức thì theo đề án, tỉnh giao cho chủ nhang quản lý vì đời cố, can của 2 hộ dân sinh sống trong đền đã có công lưu giữ đền.

"Hiện, chúng tôi đang có dự án xây dựng bến xe riêng, kinh doanh hàng hóa riêng và sẽ cố vận động người dân di dời chứ cưỡng chế nơi linh thiêng không hay, đây cũng là vấn đề nhức nhối với chúng tôi", ông Thiên cho biết thêm.

Tiếp tục làm việc với ông Bùi Xuân Thập, Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh, ông Thập cho hay: "Sở chỉ việc quản lý chung còn khi đã công nhận, bàn giao di sản trên địa phương thì huyện đó trực tiếp quản lý và hàng năm phải nộp thuế ngân sách đầy đủ. Tuy nhiên, về mặt di sản huyện phải đảm bảo theo quản lý nhà nước. Còn về vấn đề phóng viên phản ánh chúng tôi sẽ kiểm tra".

Một số hình ảnh PV ghi nhận tại Đền Chợ Củi:
 
 
 

Khánh Linh - Phi Long

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến