Dòng sự kiện:
Cửa hạ lãi suất cho vay hẹp dần
12/07/2021 16:19:58
Tốc độ tăng trưởng huy động thấp hơn đáng kể nhu cầu vốn vay khiến lãi suất ghi nhận tăng nhẹ cả chiều huy động và cho vay.

Lãi suất tiền gửi giữ ổn định ở mức thấp trong 6 tháng qua, sau khi đã giảm mạnh trong năm 2020. Ảnh: Dũng Minh

Lãi vay tăng

Vợ chồng chị Lan và anh Dũng, chủ một cơ sở sản xuất đồ chơi cao cấp tại Khu công nghiệp Ba La, Hà Đông cho biết, khi đại dịch Covid-19 bùng phát từ năm ngoái, hoạt động của cơ sở “chùng” hẳn xuống, số lượng nhân công giảm gần 2/3 so với con số hơn 20 người trong giai đoạn “đỉnh cao”. Trước kia, có những việc không bao giờ hai vợ chồng phải động tay, nhưng hiện tại thì làm từ A-Z.

“Tiền thuê địa điểm sản xuất và điện nước khoảng 10 triệu/tháng chưa kể lương công nhân trung bình 10 triệu/người vẫn phải đều đặn trả, trong khi đơn hàng cứ giảm dần nên phải tiết giảm tối đa mọi chi phí”, chị Lan cho biết.

Anh Dũng kể, năm 2019, khi kinh tế còn chưa chịu tác động của Covid, nhiều gia đình sẵn sàng mạnh tay chi tiền cho những mặt hàng đồ chơi cao cấp, an toàn cho các con mà không phải suy nghĩ, ví dụ như thay vì mua bộ đồ chơi cá ngựa bằng nhựa khoảng 30.000-40.000 đồng, có người sẵn sàng chi cả triệu đồng để sở hữu một bộ bằng gỗ lim, bằng sừng trâu... Vì thế, anh đã tính vay tiền ngân hàng để mở rộng sản xuất, nhưng dịch bệnh khiến chi tiêu của người dân thay đổi, các mặt hàng thiết yếu được ưu tiên hàng đầu bên cạnh việc tiết kiệm tối đa… nên mọi kế hoạch dừng lại.

“Khó khăn trong việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm đồ chơi trẻ em nên chúng tôi tính chuyển hướng sang các mặt hàng thiết yếu. Tuy nhiên, việc này cần phải đầu tư thiết bị, máy móc mới, mà ướm lời vay vốn vài ngân hàng thì được chào lãi suất rất cao, có thể do dịch bệnh nên ngân hàng ngại rủi ro nên đẩy lãi suất lên. Chúng tôi cũng không dám liều vay tiền ngân hàng bởi không biết tình hình dịch bệnh sẽ diễn biến thế nào nên chấp nhận cơ sở hoạt động cầm chừng, biết lúc nào hay lúc đó”, chị Lan nói.

Câu chuyện lãi suất cho vay cao tại các ngân hàng thời điểm này không phải hiếm. Việt Hoàng, một nhà đầu tư bất động sản ở Ngã Tư Sở, Hà Nội cho hay: “Thời điểm tháng 3/2021, nếu có sổ tiết kiệm tại TPBank và vay lại thì mức lãi suất vay chỉ chênh 1%/năm so với lãi suất huy động. Còn lúc này, mức lãi suất vay đã chênh ít nhất 2%/năm, nếu liều trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, vớ vẩn là ‘mất cả chì lẫn chài’. Do vậy, trước đây ‘bươi’ ra làm 10 thì nay chỉ dám làm 3”, Hoàng nói.

Lãi huy động cũng tăng

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Phan Thanh Tịnh, chủ một doanh nghiệp sản xuất bao bì ở Đồng Nai cho biết, gần cuối tháng 6/2021, nhân viên ngân hàng nơi ông vay vốn điện thoại báo sắp tới ngân hàng sẽ giảm “kha khá” lãi suất cho vay. “Hiện chưa thấy nhân viên ngân hàng này liên lạc lại nên không rõ mức giảm ra sao và khi nào bắt đầu giảm, nhưng một ngân hàng khác đang mời tôi gửi tiết kiệm với mức lãi suất hấp dẫn”, ông Tịnh nói.

Trên thực tế, lãi suất huy động đang có chiều hướng tăng nhẹ. Viecombank vừa tăng lãi suất huy động tiết kiệm 0,2 điểm phần trăm ở các kỳ hạn dưới 12 tháng. Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn 1 và 2 tháng nhích lên 3,1%/năm; 3 tháng lên 3,4%/năm; 6 tháng lên 4%/năm.

VIB cũng vừa đồng loạt nâng lãi suất ở tất cả các kỳ hạn với biên độ điều chỉnh là 0,1 điểm phần trăm so với đầu tháng 6/2021, cụ thể: Lãi suất kỳ hạn 1-5 tháng dao động từ 3,6-3,7%/năm; kỳ hạn 6-11 tháng từ 5,3-5,5%/năm; kỳ hạn 15-36 tháng từ 5,9-6,3%/năm,…

Tương tự, SHB tăng lãi suất tiền gửi tại hầu hết kỳ hạn từ giữa tháng 6/2021, với mức điều chỉnh từ 0,1-0,2 điểm phần trăm, chẳng hạn lãi suất huy động kỳ hạn 1-5 tháng dao động từ 3,6-4%/năm; kỳ hạn 6-11 tháng là 5,4-5,8%/năm; kỳ hạn 12 tháng trở lên là 5,4-6,4%/năm...

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 21/6/2021, tăng trưởng cho vay và huy động so với đầu năm lần lượt là 5,47% và 3,13% (cùng kỳ năm 2020 đạt 2,45% và 4,35%); tổng phương tiện thanh toán tăng 3,48%, thấp hơn so với mức 4,59% của cùng kỳ năm trước. Trong 6 tháng đầu năm 2021, lãi suất tiền gửi giữ ổn định ở mức thấp sau khi đã giảm mạnh trong năm 2020.

Thực tế, xu hướng tăng lãi suất huy động đã xuất hiện từ cuối quý II/2021. Chỉ báo lãi suất liên ngân hàng các tuần đều tăng cho thấy tiền không còn dồi dào như trước. Cụ thể, xu hướng tăng ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống và chốt ngày 30/6/2021, các mức lãi suất dừng tại qua đêm là 1,14%/năm; 1 tuần là 1,34%/năm; 2 tuần là 1,44%/năm và 1 tháng là 1,54%/năm. Cùng với việc tăng cho vay nhưng huy động chậm, nhiều ngân hàng đang phải “kéo co” thanh khoản.

Trong một diễn biến có liên quan, khoảng 10 ngân hàng đã nộp đơn xin phép nới hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng và Ngân hàng Nhà nước đang xem xét những đề nghị này. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho hay: “Trường hợp các ngân hàng được nới room tín dụng, đồng thời đẩy mạnh cho vay từ nay đến cuối năm, trong khi lãi suất huy động thấp sẽ khiến chênh lệch huy động - cho vay càng ngày càng nới rộng. Khi đó, thanh khoản các ngân hàng có thể chưa căng thẳng ngay nhưng sẽ không còn dồi dào như trước”.

Và những yếu tố không chắc chắn

Trong cuộc trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp LienVietPostBank dự báo: “Lãi suất tiền gửi sẽ tăng nhẹ 0,25-0,3 điểm phần trăm trong nửa cuối năm 2021 do nhu cầu tín dụng tăng, áp lực lạm phát cao hơn về cuối năm. Đặc biệt, các ngân hàng thương mại cần duy trì mức lãi suất hấp dẫn để cạnh tranh huy động vốn với các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán…”.

“Môi trường lãi suất thấp như hiện tại khiến chênh lệch huy động - cho vay chịu áp lực thu hẹp và chúng tôi giữ nguyên quan điểm lãi suất tiền gửi có thể nhích tăng khoảng 0,5 điểm phần trăm trong thời gian tới”, một báo cáo vừa công bố của Công ty Chứng khoán SSI nhận định.

Theo UOB, với kinh nghiệm kiểm soát dịch bệnh trong năm 2020, nhiều khả năng Việt Nam sẽ tiếp tục khống chế được đợt bùng phát dịch bệnh lần này, nhưng việc chậm triển khai tiêm chủng vắc-xin trong cộng đồng là một hạn chế.

“Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu có được 150 triệu liều vắc-xin cho 70% dân số để đạt được miễn dịch cộng đồng trong bối cảnh nguồn cung cấp là yếu tố không chắc chắn là một hạn chế mà nhiều chính phủ trên thế giới phải đối mặt”, UOB nhận định.

Quay trở lại câu chuyện của vợ chồng chị Lan, anh Dũng, hiện tại, do chưa thể vay vốn để chuyển đổi mô hình kinh doanh, chị Lan vừa kiểm tra các mặt hàng, vừa trực tiếp tham gia các công đoạn sản xuất như một nhân công chính, còn anh Dũng hàng ngày tự lo việc vận chuyển, giao hàng.

“Chúng tôi cố gắng để trang trải học phí 20 triệu đồng/tháng cho hai cậu con trai tại một trường dân lập, nhưng có lẽ trong thời gian tới sẽ chuyển các con về trường công lập để giảm chi phí sinh hoạt bởi tình hình hiện nay chưa thấy có điểm sáng”, chị Lan nói.

 Tác giả: Nhuệ Mẫn

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến