Dòng sự kiện:
Cửa nào tăng thu ngân sách?!
20/10/2018 06:03:37
TS. Marthew Martin cho rằng, Việt Nam cần một nguồn lực tài chính lớn để đạt được các mục tiêu về phát triển bền vững.

Muốn vậy, cần mở rộng không gian tài chính, tức là những tiềm năng để tăng chi tiêu cho phát triển mà không làm tổn hại đến sự bền vững của hệ thống tài chính công cũng như nền kinh tế.

Có 8 cách để các quốc gia nới rộng dư địa tài chính, song giải pháp khả thi đối với Việt Nam ít hơn nhiều so với con số đó, bởi không gian thực tế để áp dụng các biện pháp này đã thu hẹp lại. Tại hội thảo “Các công cụ quản lý ngân sách nhà nước: Kinh nghiệm quốc tế và các khuyến nghị cho Việt Nam”, do Oxfam và Liên minh Minh bạch ngân sách (BTAP) tổ chức ngày 18/10, các chuyên gia đã khuyến nghị giải pháp để huy động thêm nguồn thu trong bối cảnh nợ công đang ở mức cao và thu ngân sách hiện không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu phát triển.

Cần cải cách để tạo nguồn thu ngân sách bền vững

Lo thiệt cho ngân sách

Ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN lớn, Tổng cục Thuế nhận định, Việt Nam có lẽ là một trong những thiên đường thuế với mức thuế suất nhìn chung thấp, chưa kể còn kèm theo nhiều ưu đãi, miễn giảm. Cụ thể, ngoài mức thuế thu nhập DN 20%, Việt Nam còn có mức ưu đãi 10%, 15% hay 17% tùy từng đối tượng. Thậm chí, hiện cũng có quy định về miễn thuế suốt đời dự án, miễn thuế 4 năm, giảm 9 năm…

Qua đó, nhìn tổng thể, ông Phụng cho rằng mức thuế của nước ta hiện nay thấp. So với các nước trong khu vực, mức thuế của Việt Nam là cạnh tranh. Ông Phụng lý giải, Việt Nam đang chấp nhận khuyến khích tích lũy nên một thời gian dài nước ta thực hiện cắt giảm thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân ở mức thấp. Tuy nhiên, vấn đề là mức thuế trên có thể thuận lợi cho DN nhưng lại thiệt về ngân sách Nhà nước.

Bởi vậy, việc tăng thuế trong đó đặc biệt là thuế thu nhập DN là điều được giới chuyên gia đề xuất. “Đây chính là dư địa mà nhiều chuyên gia nói tới và chúng tôi cần nghiêm túc suy nghĩ”, ông Phụng nói.

Ông Mathew Martin - Giám đốc Tổ chức Tài chính phát triển quốc tế (DFI) cũng bày tỏ quan điểm tương tự. Vị này đánh giá, thuế suất thuế thu nhập DN ở Việt Nam hiện thấp hơn hầu hết các nước láng giềng và thấp hơn mức trung bình toàn cầu (25%).

Riêng với chính sách miễn giảm thuế cho khu vực FDI, ông này nêu quan điểm, không có bằng chứng nào liên quan giữa khuyến khích đầu tư và miễn giảm thuế. Việc các NĐT quyết định đầu tư, theo ông dựa trên nhiều cơ sở như lực lượng lao động địa phương, cơ sở hạ tầng… Thuế chỉ là một “yếu tố bên lề” và thậm chí có thể không cần đề cập tới để thu hút vốn FDI.

Nói thêm về vấn đề này, bà Nguyễn Thu Hương - Quản lý cao cấp Chương trình quản trị của Oxfam cho rằng, một số nước hiện đã bỏ ưu đãi thuế hoặc chỉ ưu đãi với một số ít trường hợp. Trong khi đó với Việt Nam, bà nhấn mạnh, việc ưu đãi vẫn nằm ở nhiều luật không chỉ Luật Quản lý thuế. Đó là chưa kể tổng chi phí cho việc ưu đãi thuế là bao nhiêu hiện vẫn chưa được công bố.

Ở phía ngược lại, về chi ngân sách, ông Nguyễn Văn Phụng nêu thực tế là ngành nào cũng muốn tăng tỷ lệ chi trong khi “tiền đâu cho đủ”. “Ông nào cũng đòi bánh to, mà bánh chỉ có một, ta phải nghĩ làm sao bánh to ra”, ông nói.

Tìm dư địa cho chính sách

Theo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế, có 8 cách để nới rộng dư địa tài chính, bao gồm chính sách tài chính/tiền tệ mở rộng hơn; hoạt động vay nợ (bao gồm cả các mô hình hợp tác công-tư); thu ngân sách (thuế và các khoản thu phi thuế); các khoản đóng góp cho an sinh xã hội và y tế; hợp tác viện trợ và phát triển; dự trữ tài chính và ngoại hối; phân bổ lại chi tiêu; chi tiêu hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, với riêng Việt Nam thì các giải pháp khả thi ít hơn nhiều so với số đó. Chẳng hạn chính sách tiền tệ phải đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4%, vì vậy không thể nới quá lỏng. Tương tự như vậy, hoạt động vay nợ chỉ có thể diễn ra ở quy mô nhỏ trong bối cảnh trần nợ công đã đạt gần giới hạn quy định là 65%. Mô hình hợp tác công - tư cũng không phải là giải pháp tài chính thay thế tối ưu, bởi có khả năng tốn chi phí trả trước cao hơn gấp 3-4 lần so với trái phiếu và rủi ro cao đối với ngân sách. Các hình thức hợp tác phát triển như tài trợ, ưu đãi từ các tổ chức quốc tế đang thu hẹp lại và thường có quy mô rất nhỏ, khó có thể mang lại sự tăng trưởng đáng kể. Trong khi đó, ngân sách cũng chưa có nguồn dự trữ dự phòng lũy kế đủ lớn...

Theo Oxfam 3 công cụ hỗ trợ quản lý ngân sách nhà nước được áp dụng khá phổ biến trên thế giới bao gồm: đánh giá không gian tài chính, lập kế hoạch tài chính trung hạn, và chi tiêu ngân sách dựa trên kết quả. Trong đó, kế hoạch tài chính trung hạn hiện được áp dụng tại hầu hết các nước OECD, ngoại trừ Mỹ và Nhật Bản. Việt Nam cần phân tích các thách thức và giải pháp trong việc áp dụng các công cụ trên để cải cách hệ thống quản lý tài chính công. 

TS. Marthew Martin cho rằng, Việt Nam cần một nguồn lực tài chính lớn để đạt được các mục tiêu về phát triển bền vững. Muốn vậy, cần mở rộng không gian tài chính, tức là những tiềm năng để tăng chi tiêu cho phát triển mà không làm tổn hại đến sự bền vững của hệ thống tài chính công cũng như nền kinh tế.

Ông nhấn mạnh, trong 8 giải pháp chung để mở rộng không gian tài chính, các giải pháp như nới lỏng chính sách tài khóa hay vay nợ để đầu tư phát triển đều không phù hợp trong bối cảnh Việt Nam đang cố gắng kiểm soát lạm phát và nợ công hiện đang tiến đến mức trần. “Tôi cho rằng Việt Nam chỉ nên tập trung vào 3 nội dung chính là cơ cấu lại các khoản chi ngân sách; nâng cao hiệu quả chi ngân sách thông qua các cơ chế minh  bạch và có sự tham gia của công chúng trong giám sát chi tiêu; và nâng cao hiệu quả thu ngân sách bằng các giải pháp khác nhau như hạn chế gian lận thuế, bãi bỏ các ưu đãi thuế không cần thiết ”, ông Matthew Martin khuyến nghị.

TS. Vũ Sỹ Cường - Học viện Tài chính thì bình luận, không gian tài khóa của Việt Nam còn ít. Trong khi đó, tổng chi trong cơ cấu GDP luôn cao. Việc này, theo ông đã được nhắc tới trong những năm trước đó chứ không chỉ hiện tại. Vấn đề ông cảnh báo là tình trạng dựa vào nguồn thu ngoài thuế quá nhiều, ví dụ thu từ đất đai.

Trong tình trạng ấy, ông cho rằng không thể trì hoãn đánh thuế tài sản hay một số loại thuế khác. “Không gian tài khóa như hiện tài gần như hết cửa rồi. Sớm muộn cũng phải đánh vì làm gì còn nguồn nào khác”, ông Cường khẳng định.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến