Quốc hội khóa IX của Cuba tổ chức phiên họp đầu tiên vào ngày 18/4, sớm hơn một ngày so với thông báo trước đó. Tại Cung Hội nghị tại thủ đô La Habana, 605 đại biểu vừa được bầu thực hiện lễ tuyên thệ và bỏ phiếu lựa ra 31 thành viên của Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch nước và các Phó chủ tịch.
Chủ tịch Raul Castro (giữa, trái) cùng với ông Miguel Díaz-Canel Bermúdez (giữa, phải) ở Havana hồi tháng 1. (Ảnh: AP)
Trọng tâm được thế giới chú ý là cuộc bỏ phiếu bầu chủ tịch mới thay nhà lãnh đạo Raul Castro vào ngày 19/4. Trước đó, ông thông báo sẽ thôi giữ chức Chủ tịch Cuba sau kỳ họp Quốc hội lần này nhưng tiếp tục làm Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba đến năm 2021.
Hiến pháp Cuba quy định bất kỳ người nào trong 605 thành viên của cơ quan lập pháp đều có thể được bầu làm Chủ tịch nước.
Theo giới quan sát, một vị Chủ tịch mới không mang họ Castro, không xuất thân từ thế hệ cách mạng 1959, không mặc quân phục và không đồng thời nắm cương vị Bí thư thứ nhất sẽ đánh dấu một bước ngoặt của lịch sử đối với đất nước Cuba. Hơn thế nữa, sự kiện này còn có một ý nghĩa mang tính biểu tượng vì đúng dịp Cuba kỷ niệm 57 năm ngày Cuba đánh bại âm mưu xâm nhập và lật đổ trong sự kiện Vịnh Con Lợn (17-20/4/1961).
Ông Raul Castro chính thức lên kế nhiệm người anh trai, cố lãnh tụ Fidel Castro, vào năm 2008 sau hai năm tạm giữ quyền lãnh đạo đất nước. Ông đã tạo ra nhiều thay đổi lớn cho Cuba, như tiến hành cải cách kinh tế theo hướng mở cửa thị trường, thu hút đầu tư nước ngoài và chú trọng phát triển các cơ sở tư nhân. Trong lĩnh vực đối ngoại và an ninh, Chủ tịch Raul đã cùng Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố tiến tới bình thường hóa quan hệ song phương vào năm 2014, sau hơn nửa thế kỷ thù địch.
Người kế nhiệm Chủ tịch Raul Castro được cho là sẽ tiếp tục các chính sách mở cửa kinh tế và xã hội trong công cuộc hiện đại hóa đất nước. Người này cũng sẽ phải giải quyết những khó khăn, thách thức mà Cuba phải đối mặt trong những năm gần đây, đặc biệt khi nguồn cung dầu mỏ giá rẻ Venezuela đang vật lộn trong khủng hoảng, và chính quyền Mỹ dưới quyền Tổng thống Donald Trump theo đuổi một lập trường cứng rắn hơn đối với Cuba.
Giới quan sát hiện đang dồn sự chú ý vào Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Nhà nước Cuba Miguel Diaz-Canel, người vừa được Quốc hội Cuba chọn làm ứng cử viên duy nhất cho chức Chủ tịch nước.
Miguel Diaz-Canel, 58 tuổi, là một chính khách tích cực trong công việc nhưng giản dị trong lối sống. Ông được đánh giá là một cộng sự thân cận nhất của Chủ tịch Raul Castro từ năm 2013. Và do Raul Castro vẫn giữ vị trí Bí thư thứ nhất đến năm 2021, nên ông Diaz-Canel sẽ có nhiều thuận lợi trong việc duy trì đà cải cách cũng như vượt qua những nghi ngại do thiếu truyền thống cách mạng.
Theo Vietnamnet
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy