“Cục nợ” triệu đô của Agribank Phú Thọ: '8 triệu USD thì ... bán cho ma!?'
01/06/2016 07:57:44
ANTT.VN – Một khối tài sản đảm bảo là máy móc thiết bị đã lạc hậu sau mười mấy năm do các doanh nghiệp FDI Hàn Quốc bị phá sản để lại đang được nhà băng rao bán đấu giá một cách “tuyệt vọng”, bởi sau 3 lần rao mà vẫn chẳng có nhà đầu tư nào hỏi đến (!)

Tin liên quan

Trở lại câu chuyện thảm đỏ FDI trải cho cả “nông dân chân đất”

Xin mượn câu nói khá hình ảnh của một lãnh đạo Sở Kế hoạch - Đầu tư Phú Thọ để miêu tả câu chuyện doanh nghiệp FDI xù nợ khiến ngân hàng ăn “quả đắng” tại tỉnh Phú Thọ mười mấy năm về trước.

Vị này nói: Thời điểm những năm 2003, tỉnh Phú Thọ đang khát vốn, chủ trương “trải thảm đỏ” mời gọi đầu tư trực tiếp (FDI) từ các nhà đầu tư nước ngoài được hô hào. Nhờ chủ trương này, toàn tỉnh đã thu hút được nhiều doanh nghiệp FDI đến từ Hàn Quốc, Đài Loan..., một số DN đến nay vẫn hoạt động tốt và đang góp phần đáng kể làm giàu cho tỉnh. Tuy nhiên, do chạy theo thành tích nên có một hệ lụy là không chỉ doanh nghiệp “cổ cồn” bước lên “thảm đỏ” mà ngay cả “nông dân chân đất” cũng bước lên.

“Thảm đỏ” mà vị này đề cập ở đây chính là chính sách cho vay của các ngân hàng vào thời điểm đó. Việc thẩm định hồ sơ dễ dãi, giải ngân cho các ông chủ ngoại vay số tiền lớn dựa trên khối tài sản đảm bảo hình thành từ vốn vay khiến hàng loạt ngân hàng tại Phú Thọ dính “quả đắng” mà nhiều nhất là Agribank Phú Thọ.

Đó là câu chuyện điển hình của 4 công ty Hàn Quốc Tasco Polycon, Tasco Material, Hasvi và Nanokovi tại Cụm Công nghiệp Đồng Lạng – Tasco (Phù Ninh, Phú Thọ). Chỉ sau 2-3 năm hoạt động không hiệu quả, 4 DN này đã giải thể, bỏ về nước và để lại cục nợ gần chục triệu đô cả vốn lẫn lãi cho phía ngân hàng.

Cụ thể, theo số liệu được chính Agribank Phú Thọ cung cấp thì ngân hàng này đã cho 4 DN Hàn Quốc nói trên vay tổng cộng khoảng 11 triệu USD quy đổi, sau đó chỉ thu được khoảng 2,4 triệu USD tiền vốn gốc. Dư nợ  tính đến thời điểm 30/4/2016 là 8,6 triệu USD chưa kể khoản lãi khoảng 1,3 triệu USD quy đổi tại thời điểm thu giữ tài sản (năm 2008).

Điều đặc biệt là khi xuống Cụm Công nghiệp Đồng Lạng Tasco, tiếp cận khối tài sản đảm bảo do 4 DN nói trên để lại, chúng tôi khá bất ngờ vì không hiểu sao chỉ với khối nhà xưởng cấp 4, máy móc lạc hậu, công suất thấp, chủ yếu sản xuất mặt hàng giản đơn nhưng các ông chủ Hàn Quốc này vẫn vay được từ Agribank Phú Thọ tới 11 triệu USD.

Cụm Công Nghiệp Đồng Lạng (Phù Ninh, Phú Thọ) nơi lưu giữ khối tài sản của 4 DN Hàn Quốc để lại (ảnh: Minh Minh)

Nhà xưởng cũ của 4 công ty Hàn Quốc

Dàn máy móc của một trong những DN nói trên

Nói về trình tự thủ tục cấp giấy phép đầu tư cho 4 DN Hàn Quốc này, vị lãnh đạo Sở khẳng định là “đúng quy trình”. Tuy nhiên khi chúng tôi đặt vấn đề xin được tiếp cận hồ sơ gốc của 4 công ty này thì vị này cho biết vì họ đã giải thể từ những năm 2008 nên theo quy định thì những hồ sơ này được phép hủy, khả năng là không còn lưu tại Sở nữa.

Liên hệ với Agribank Phú Thọ, chúng tôi cũng đề nghị được tiếp cận hồ sơ tín dụng của 4 cty này nhưng phía ngân hàng cho biết không thể cung cấp theo quy định chung của Agribank.

Còn nhớ, thời điểm năm 2011, khi Agribank bắt đầu rao bán đấu giá khối tài sản đảm bảo này lần đầu, một số báo đã “đào xới” vấn đề này lên. Lúc đó, giám đốc ngân hàng đương nhiệm là ông Vũ Văn Minh đã trả lời báo chí lý do ngân hàng cho vay 11 triệu USD chỉ dựa vào khối tài sản đơn sơ như vậy là “vì họ (4 DN Hàn Quốc – PV) làm hồ sơ gian dối” (!).

Đem câu hỏi này hỏi lại ông Trịnh Văn Sơn – Giám đốc đương nhiệm của Agribank Phú Thọ, chúng tôi được ông Sơn cho biết: thời điểm tháng 8/2015 ông mới về tiếp nhận nhiệm vụ quản lý Agribank Phú Thọ, vấn đề này là câu chuyện của người tiền nhiệm, tuy nhiên ông Sơn cũng khẳng định việc thẩm định hồ sơ được thực hiện công khai minh bạch và “đúng quy trình”.

Còn nguyên nhân phải ôm “cục nợ” gần chục triệu đô hiện nay, ông Sơn giải thích là do DN làm ăn thua lỗ, điều này là không ai muốn, và tất nhiên ngân hàng cũng bị rủi ro lây.

“ 8 triệu đô thì bán cho ... ma!”

Như vậy, vấn đề được cấp phép đầu tư và vay vốn “khủng”của 4 DN Hàn Quốc nói trên đã được cơ quan cấp phép và ngân hàng lần lượt khẳng định là “đúng quy trình” và “rủi ro khách quan”.

Vấn đề còn lại chỉ là: tại sao sau 8 năm kể từ ngày DN giải thể, ngân hàng vẫn ôm “cục nợ” triệu đô này mà không thể thanh lý? Điều này mang lại một hậu quả nặng nề là tỉnh Phú Thọ bị thất thu ngân sách do khối tài sản nói trên án ngữ trên mảnh đất của tỉnh gần chục năm trời, trong khi đó máy móc công nghệ sau mười mấy năm hoạt động đang bị hao mòn vô hình, lạc hậu sau mỗi ngày... Thực tế là sau 3 lần rao bán đấu giá, mỗi lần giảm 10% giá bán do hao mòn mà vẫn chẳng có nhà đầu tư nào đoái hoài đến.

Để “gỡ gạc” phần nào, Agribank Phú Thọ đang tiến hành cho thuê lại nhà xưởng, máy móc thiết bị của các DN này với giá khoảng 30.000 USD/ tháng. Cứ theo lộ trình này thì phải vài chục năm nữa ngân hàng mới thu hồi được 8 triệu USD đã trót “thả gà ra rồi đuổi bắt” từ mười mấy năm trước.

“Đáng lẽ ra theo quy trình khi phá sản thì DN phải tiến hành thanh lý tài sản lấy tiền trả nợ ngân hàng, tuy nhiên 4 DN này biết chắc với tài sản giá trị như vậy có thanh lý cũng không đủ trả nợ nên họ đã chọn cách “cao chạy xa bay” và để lại tài sản đó cho ngân hàng xử lý” – vị lãnh đạo Sở thẳng thắn.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi vì sao khó bán những tài sản đảm bảo này đến thế, ông Trịnh Văn Sơn cho biết: Máy móc thiết bị đã sử dụng, và lại là tài sản đảm bảo của ngân hàng là mặt hàng không phải muốn bán là bán ngay được, còn phải phụ thuộc và nhu cầu của người mua. Theo ông Sơn, hiện nay một số DN đang thuê những máy móc này nhưng họ đang lần chần để ép giá.

Ông Trịnh Văn Sơn - Giám đốc Agribank Phú Thọ

Khi chúng tôi đặt câu hỏi: giá trị rao bán đấu giá 8 triệu USD căn cứ vào đâu, ngân hàng có thuê thẩm định giá không, ông Sơn cho biết: đó là giá do ngân hàng tự công bố, dựa trên con số tương đương là khoản nợ 8,6 triệu USD chưa thu hồi được.

“Nếu bán thấp hơn số nợ phải thu thì chắc chắn Ngân hàng Nhà nước sẽ “gõ đầu” chúng tôi” – ông Sơn nói.

Ngân hàng cũng không thuê thẩm định giá vì ông Sơn cho rằng “hầu hết những máy móc đó có công nghệ khá đơn giản, ví dụ như máy sản xuất các hạt nhựa, thì bao năm nay công nghệ vẫn thế có hao mòn đâu...”

Tuy nhiên, trái với nhận định của phía nhà băng, ông Nguyễn Đức Thiện – Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Phú Thọ, cho rằng: Khối tài sản nói trên của Agribank Phú Thọ toàn là những máy móc công nghệ đã quá lạc hậu, xuống cấp.

Ông Nguyễn Đức Thiện - Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp của tỉnh Phú Thọ

“Ví dụ như công nghệ sản xuất tivi hình cầu lồi thì bán cho ai trong thời đại tivi màn hình phẳng, siêu phẳng đã trở nên quá bình thường ngày nay? Máy móc công nghệ như vậy mà đòi bán 8 triệu đô thì nói thật là... bán cho ma!!” – ông Thiện đặt câu hỏi rồi tự trả lời.

Ngoài ra, người quản lý toàn bộ các khu công nghiệp của tỉnh Phú Thọ cũng cho biết thêm: hiện nay, chính một số các DN đang sản xuất kinh doanh trên máy móc cho thuê của ngân hàng này cũng có nhu cầu mua đứt những máy móc đó để ổn định sản xuất, nhưng ngân hàng không định giá bán theo thị trường mà áp giá cứng nhắc như vậy thì họ không thể mua nổi.

Như vậy, vô hình chung là chẳng những câu chuyện cấp phép và cho vay “đúng quy trình” còn chưa ngã ngũ, chưa quy được trách nhiệm cho ai thì đến cả vấn đề thanh lý tài sản đảm bảo, ngân hàng này cũng để chùng chình gần 10 năm không giải quyết được. Con số thiệt hại cho ngân sách chung cả hữu hình lẫn vô hình đến nay ước tính đến cả trăm tỉ đồng không biết là lỗi của ai trong cả cái quy trình mà khâu nào cũng nhận là mình đúng này?

Được biết, UBND tỉnh Phú Thọ đã nhiều lần gửi công văn đến Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh Phú Thọ, Agribank Phú Thọ và Cụm Công nghiệp Đồng Lạng Tasco yêu cầu chấp hành nghiêm túc việc thanh lý tài sản nói trên theo luật định để trả lại đất cho tỉnh, trả lại môi trường đầu tư lành mạnh cho Phú Thọ song Agribank Phú Thọ vẫn lần lữa xin gia hạn quá trình xử lý.

Thừa hành chỉ đạo của UBND tỉnh, Công văn số 375/BQLKCN-DN của Ban Quản lý các khu công nghiệp Phú Thọ gửi Agribank Phú Thọ ngày 10/5/2016 một lần nữa yêu cầu ngân hàng phải giải quyết dứt điểm trước ngày 30/6/2016. Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp của tỉnh – ông Nguyễn Đức Thiện khẳng định lần này sẽ làm thật quyết liệt, không để tình trạng này kéo dài thêm.

Tuy nhiên, được biết đến thời điểm này, để thực hiện chỉ đạo nói trên của tỉnh, động thái duy nhất của Agribank Phú Thọ vẫn chỉ là: “Chúng tôi đang soạn thảo công văn xin được gia hạn để tìm đối tác thanh lý” – ông Sơn nói.

ANTT.VN sẽ tiếp tục thông tin...

Nghi Điền – Minh Minh

 

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến