Dòng sự kiện:
Cung ứng đầy đủ sách giáo khoa, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên
29/08/2023 19:01:08
Những vấn đề nổi bật của ngành giáo dục như công tác tuyển sinh đại học năm 2023; chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới gồm sách giáo khoa, giáo viên đã được thông tin tại Hội nghị Giao Ban Báo chí.


Sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại Hội nghị Giao ban Báo chí do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp cùng Thông tấn xã Việt Nam tổ chức sáng 29/8, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng đã thông tin một số vấn đề nổi bật của ngành liên quan đến công tác Tuyển sinh Đại học năm 2023; chuẩn bị các điều kiện cho năm học 2023-2024.

Khoảng 50% học sinh dự thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông vào học Đại học

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2023, toàn quốc có 1.002.100 thí sinh dự thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông. Tỷ lệ tốt nghiệp chung toàn quốc đạt 98,88%.

Năm 2023, số thí sinh đăng ký xét tuyển vào Đại học chiếm 65,9% so với số thí sinh dự thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông (năm 2022, tỷ lệ này là 61,34%).

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết tuy tỷ lệ này thấp hơn khá nhiều so với các năm trước 2022 nhưng đây là con số thực chất thể hiện nguyện vọng và tương ứng với thực lực, năng lực của thí sinh, bởi các em đăng ký xét tuyển sau khi đã biết kết quả thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông.

Thống kê số liệu Tuyển sinh Đại học đợt 1 năm 2023, số lượng thí sinh trúng tuyển trên Hệ thống sau lọc ảo là hơn 610.000 em (bằng 107,9% so với số lượng năm 2022).

Dự kiến, số thí sinh nhập học sẽ tương tự như năm 2022 là khoảng 500.000 em. Như vậy, sẽ có khoảng 50% học sinh dự thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông vào học Đại học.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh với quy trình tuyển sinh giữ ổn định và các cải thiện kỹ thuật để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, số lượng thí sinh ảo đã giảm nhiều so với các năm trước 2022, tạo thuận lợi hơn cho cả thí sinh và cơ sở đào tạo trong công tác tuyển sinh.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho rằng năm 2023 vẫn còn trường có quá nhiều phương thức, phương án xét tuyển phức tạp, nhiều nơi chưa đảm bảo công bằng, phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý, khó khăn cho thí sinh và hệ thống.

Nhiều trường xét tuyển sớm không dự báo được thí sinh ảo; thậm chí việc xét tuyển sớm còn làm gia tăng thí sinh ảo cho các trường.

Do vậy, thời gian tới, các cơ sở giáo dục đại học cần hoàn thiện đề án tuyển sinh năm 2024, trong đó lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh, thực hiện đúng quy chế tuyển sinh hiện hành, tránh làm cho các phương thức tuyển sinh trở nên phức tạp, rắc rối. Đồng thời, các đơn vị cũng định hướng công tác tuyển sinh từ năm 2025 trở đi, khi thí sinh bắt đầu tốt nghiệp theo Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018.

Cung ứng đầy đủ sách giáo khoa cho năm học mới

Về việc cung ứng sách giáo khoa cho năm học mới, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết các nhà xuất bản và tổ chức liên kết phát hành đã chủ động xây dựng kế hoạch in và đảm bảo việc cung ứng đầy đủ sách giáo khoa đến học sinh và giáo viên trước thềm năm học 2023-2024, dù còn một số địa phương chậm muộn trong việc cung cấp thông tin nhu cầu số lượng các bộ sách giáo khoa theo quy định.

Hiện trong số 9 tổ chức biên soạn và phát hành sách giáo khoa, khoảng 72% thị phần thuộc về Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, khoảng 22% thị phần thuộc về Công ty Cổ phần Đầu tư xuất bản-Thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC).

Đến ngày 27/8/2023, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã hoàn thành in và nhập kho 100% kế hoạch sách giáo khoa các lớp 5, 9, 12 (theo Chương trình 2000); hoàn thành in và nhập kho 100% kế hoạch sách giáo khoa các lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 (theo Chương trình 2018); hoàn thành in và nhập kho gần 5 triệu bản sách giáo khoa lớp 4, 8, 11 mới phát sinh.

Cho đến nay, một số địa phương vẫn tiếp tục có những bổ sung nhỏ lẻ, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đang rất nỗ lực để in ấn và cung ứng đủ trước ngày khai giảng.

Đối với Công ty VEPIC, đến ngày 30/6/2023, đã in và nhập kho đầy đủ 100% sản lượng dự kiến phát hành đối với sách giáo khoa lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 và 40% sản lượng dự kiến phát hành đối với sách giáo khoa các lớp 4, 8 và 11. Hiện nay, sách giáo khoa các lớp 4, lớp 8, lớp 11 đã đầy đủ để kịp thời phục vụ năm học 2023-2024.

Cải thiện môi trường làm việc và ổn định cuộc sống giáo viên

Về tình trạng thiếu giáo viên, tính đến cuối năm học 2022-2023, cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên mầm non, phổ thông so với định mức theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Giáo viên cơ sở giáo dục mầm non công lập. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung hướng tới củng cố, cải thiện môi trường, điều kiện làm việc, ổn định cuộc sống giáo viên.

Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 102/2020/NQ-CP về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế. Cụ thể, cho phép các cơ sở giáo dục được ký hợp đồng lao động (dưới 12 tháng) đối với các vị trí việc làm là giáo viên trong phạm vi số lượng biên chế viên chức được cấp có thẩm quyền giao và theo định mức quy định để kịp thời thay cho số giáo viên nghỉ thai sản, nghỉ hưu theo chế độ và để bố trí giáo viên dạy buổi thứ 2 trong ngày (đối với cơ sở giáo dục dạy 2 buổi/ngày).

Bộ cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện tinh giản biên chế cho viên chức ngành Giáo dục; hướng dẫn các địa phương thực hiện rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông như Thông tư quy định về tiêu chuẩn cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; công văn hướng dẫn, chỉ đạo địa phương về việc dồn dịch điểm trường, sáp nhập các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.

Đồng thời, Bộ chỉ đạo các cơ sở đào tạo giáo viên mở mã ngành đào tạo môn học mới và ngành đào tạo giáo viên dạy liên môn. Bên cạnh đó, tăng cường sự liên hệ, kết nối với cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục ở các địa phương nhằm xác định nhu cầu sử dụng giáo viên cụ thể theo từng trình độ, môn học, cấp học để có kế hoạch tuyển sinh, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phù hợp, bảo đảm về số lượng, chất lượng và cơ cấu từng môn học, cấp học.

Đề xuất giải pháp phù hợp về biên soạn nội dung một bộ sách giáo khoa

Đối với việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đang dự thảo kết luận theo hướng giao “Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu trình Quốc hội việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa để chủ động triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo đúng yêu cầu của Nghị quyết 88/2014/QH13. Nghiên cứu đề xuất chủ trương, cơ chế miễn tiền bản quyền đối với việc xuất bản bộ sách giáo khoa do nhà nước là chủ sở hữu quyền tác giả.”

Trong Công điện số 747/CĐ-TTg ngày 16/8/2023, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương có giải pháp đối với những ý kiến được nêu trong Báo cáo của Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội. Trong số đó, có việc chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa của Nhà nước.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, căn cứ vào ý kiến của Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phân tích, đánh giá thực tế và đề xuất giải pháp phù hợp để trình Chính phủ báo cáo Quốc hội./.

Tác giả: Việt Hà

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến