Đặc biệt trong thời gian gần đây, hoạt động của cướp biển ngày một gia tăng ở ngoài khơi các nước: In-đô-nê-xi-a, Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a, khiến Đông Nam Á trở thành điểm nóng về cướp biển của thế giới.
Những vụ cướp đình đám
Báo cáo của Viện đào tạo và nghiên cứu Liên hợp quốc cho thấy, trong năm 2013 đã xảy ra hơn 150 vụ tấn công của cướp biển ở khu vực Đông Nam Á. Chỉ riêng trong 3 tháng đầu năm nay, tại khu vực này đã ghi nhận 23 vụ tấn công của cướp biển. Mục tiêu thường là các tàu chở hàng, nhằm chiếm đoạt hàng hóa. Trong đó, vụ cướp gần đây nhất xảy ra với tàu Sunrise của Việt Nam đã làm dấy lên quan ngại về tình trạng cướp biển ở khu vực này.
Ngoài ra, cũng phải kể đến các vụ cướp đình đám xảy ra với một loạt tàu chở dầu Thái Lan trong năm nay. Điển hình là vụ việc xảy ra ngày 28-8 tại vị trí gần đảo du lịch Ti-ô-man, phía đông Ma-lai-xi-a, khi các tên cướp có vũ trang tấn công một tàu chở dầu của Thái Lan trên đường từ Xin-ga-po về nước. Trung tâm thông báo cướp biển (PRC) của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) đóng tại Cua-la Lăm-pơ (Ma-lai-xi-a) cho hay toàn bộ dầu đã bị băng cướp bơm sang một tàu khác, trong lúc thủy thủ đoàn bị nhốt trong phòng máy. Sau khi hút hết dầu, thủy thủ đoàn cùng con tàu được thả và trở về Thái Lan. Giám đốc Trung tâm Nô-en Chung (Noel Choong) cho hay, đây là vụ thứ 10 kể từ tháng 4-2014. AFP dẫn lời ông Chung nhận định: “Con số đó là cao bất bình thường. Chúng tôi kêu gọi các quốc gia trong vùng hợp tác điều tra và ngăn chặn hiểm họa này”.
Vị trí và mức độ nghiêm trọng các vụ cướp xảy ra tại khu vực Biển Đông.Nguồn: Cimsec.org
Vụ việc tương tự xảy ra với con tàu Orapin 4 (Thái Lan), chở 3.700 tấn dầu đi từ Xin-ga-po sang cảng Pôn-ti-a-nắc thuộc tỉnh Tây Ca-li-man-tan trên đảo Bô-neo của In-đô-nê-xi-a, khiến Thuyền trưởng Thi-oa Xa-man (Thiwa Saman) đến giờ vẫn chưa hết ám ảnh về cơn ác mộng mà ông đã trải qua hôm 28-5. Mười tên cướp mang theo súng và dao đi tàu cao tốc, bám đuôi và trèo lên tàu Orapin 4. Chúng trói và nhốt các thủy thủ vào hầm bên dưới, rồi tắt hệ thống liên lạc trên tàu và bơm hết dầu ra tàu của chúng trong vòng 10 giờ. Bọn cướp còn sử dụng thủ đoạn sơn đổi tên con tàu thành “Rapi” nhằm đánh lạc hướng của các cơ quan chức năng. Rất may, 14 thủy thủ trên tàu sau đó đã được thả về nước an toàn, tuy nhiên số dầu trị giá 1,9 triệu USD thì “bốc hơi” hoàn toàn.
Đe dọa an ninh thế giới
Theo đánh giá mới nhất của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), nạn cướp biển là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh toàn cầu. Mặc dù cộng đồng quốc tế đã tăng cường hợp tác trong hoạt động tuần tra trên biển và trên không nhằm kịp thời trấn áp các nhóm hải tặc, song số vụ tấn công có vũ trang vẫn có nguy cơ tăng cao.
Đặc biệt, vùng nam Biển Đông, nơi tiếp giáp eo Xin-ga-po và eo Ma-lắc-ca nối từ nam Ấn Độ Dương, là một tuyến đường hàng hải huyết mạch của thế giới. Mỗi năm có hơn 120.000 tàu hàng đi qua tuyến hàng hải này, đảm trách 1/3 tổng giá trị thương mại hàng hải thế giới. Khoảng 70-80% lượng dầu nhập khẩu vào hai nền kinh tế lớn nhất châu Á là Trung Quốc và Nhật Bản đi qua tuyến đường này. Với diện tích rộng lớn và hệ thống an ninh được cho là còn mỏng, vùng biển này đang trở thành “điểm nóng” số một của thế giới về cướp biển, theo một báo cáo hồi tháng 7-2014 của LHQ.
Đặc biệt, chiến thuật tấn công tàu chở dầu, cướp dầu và bắt giữ con tin mà hải tặc đang thực hiện khiến giới chức an ninh hàng hải phải đau đầu. Kể từ năm 2004, hải quân Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a và In-đô-nê-xi-a đã phối hợp tuần tra eo biển Ma-lắc-ca nhằm ngăn chặn nạn hải tặc. Nhờ đó, số vụ tấn công của hải tặc đã giảm trong những năm qua. Tuy nhiên, nạn cướp biển tại eo biển Ma-lắc-ca dường như đang trở nên táo tợn và tinh vi hơn với nhiều thủ đoạn mới.
Sự phối hợp đa phương
Theo nhận định của giới chuyên gia, tình trạng nghèo đói và lạc hậu ở những cộng đồng dân cư dọc bờ biển các nước là nguyên nhân căn bản dẫn đến nạn cướp biển. Tình trạng này đang đặt ra nhiều thách thức an ninh khi các nhóm cướp biển điều chỉnh phương thức hoạt động và chiến thuật tấn công. Điều đó đòi hỏi các nước phải nhanh chóng tìm ra các biện pháp mới nhằm tăng cường an ninh và bảo đảm an toàn cho các tuyến hàng hải quan trọng.
Mới đây, trang web của Trung tâm An ninh hàng hải quốc tế cimsec.org đã có bài phân tích về vấn đề này, trong đó nhận định các cơ quan chức năng cần tìm hiểu quy luật của những vụ cướp xảy ra trên khu vực Biển Đông, điều này có thể giúp ích cho công tác an ninh hàng hải. Khi phần lớn các vụ tấn công thường xảy ra tại khu vực gần các cảng, tăng cường công tác an ninh sẽ tạo nên hiệu quả cao trong việc giảm số lượng các vụ cướp biển. Thêm vào đó, các quy định và cơ chế thực thi pháp luật chặt chẽ, kết hợp với nâng cao trình độ cho các cán bộ cảng địa phương sẽ có tác dụng ngăn chặn nạn cướp biển. Đặc biệt lưu ý là các biện pháp này cần được thực hiện trong môi trường đa phương. Các nước trong khu vực cần trao đổi về vấn đề này tại những hội nghị hoặc đối thoại có sự tham gia của quan chức chính phủ các nước, chuyên gia pháp lý, cùng đại diện của các tổ chức quốc tế như: Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) và Cục Hàng hải quốc tế (IMB)…
Nguồn tin trên cũng nhận định, để giải quyết các vụ việc diễn ra tại các vùng biển chung, bất kỳ hành động quân sự nào như tuần tra trên biển và sử dụng các tàu hộ tống có thể sẽ gây tranh cãi và làm leo thang căng thẳng đối với vấn đề chủ quyền lãnh thổ. Thay vào đó, một hệ thống bảo vệ bờ biển chung với các cuộc tuần tra chung có thể là biện pháp hiệu quả hơn nhiều. Vì vậy, trong thời gian tới, cộng đồng các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á cần tích cực triển khai hơn nữa các chuyến tuần tra chung, góp phần duy trì hòa bình và trật tự trên biển.
Theo QDND.vn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy