Dòng sự kiện:
Cuộc chiến thương mại trong tảng băng cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung
01/08/2018 09:51:13
Điểm nổi bật của mối quan hệ Mỹ-Trung trong 40 năm qua là hợp tác, quan hệ song phương luôn ở trạng thái không thù địch, không thân thiện và “mơ hồ về chiến lược”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: EFE-EPA/TTXVN

Theo truyền thông Hong Kong, phát biểu về chủ đề trật tự và hợp tác an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Diễn đàn Hòa bình Thế giới lần thứ 7 được tổ chức tại Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) mới đây, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Hà Á Phi cho rằng sẽ không thể trông chờ việc Trung Quốc đưa ra thỏa hiệp nào đó để kết thúc hòa bình cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, bởi điều này sẽ thể hiện sự yếu thế của Trung Quốc.

Theo ông Hà Á Phi, trong thời gian gần đây Mỹ luôn coi Trung Quốc như một đối thủ cạnh tranh chiến lược có thể gây tổn hại cho lợi ích của Mỹ, quan hệ Mỹ-Trung đến nay chính thức bước vào một kỷ nguyên mới “giằng kéo chiến lược”.

Ông Hà Á Phi cảnh báo cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chỉ là một mô hình thu nhỏ của ván bài chiến lược với phạm vi rộng lớn hơn giữa hai nước Mỹ-Trung, có thể lan tới việc cạnh tranh trên các lĩnh vực khác như an ninh, Trung Quốc cần chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng Trung Quốc nên nỗ lực duy trì mối quan hệ Mỹ-Trung để không nảy sinh vấn đề lớn.

Ông cho rằng việc Mỹ phát động một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc đồng nghĩa với việc phá hủy "cây cầu nối giữa hai nước", Trung Quốc không hy vọng đàm phán thương mại giữa hai nước có thể đạt được bất kỳ thỏa hiệp nào.

Ông dự báo, cuộc chiến thương mại chỉ là một góc của tảng băng cạnh tranh chiến lược giữa hai nước, mâu thuẫn và xung đột giữa hai nước có thể lan tới lĩnh vực cạnh tranh an ninh bao gồm vấn đề Đài Loan và Biển Đông. Tuy nhiên, ông kiến nghị Bắc Kinh vẫn cần phải xử lý thận trọng mối quan hệ giữa hai nước, “chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất, nhưng cũng cần nỗ lực làm hết sức mình”.

Hiện nay, Trung Quốc đang hướng sang Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) như một cách để đấu tranh chống các mức thuế mới do Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất. Bắc Kinh đã đệ đơn khiếu nại lên WTO, cơ quan giám sát các quy tắc thương mại toàn cầu, chưa đầy một tuần sau khi Chính phủ Mỹ đề xuất áp mức thuế 10% đối với lượng hàng hóa của Trung Quốc có tổng trị giá 200 tỷ USD, có hiệu lực sớm nhất là vào tháng 9 tới.

Chính quyền Trump hôm 16/7 cũng cho biết Mỹ đã kiện các đối tác thương mại lớn gồm Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Canada, Mexico và Thổ Nhĩ Kỳ lên WTO liên quan tới những biện pháp đáp trả của các quốc gia này với các mức thuế mà Washington áp đặt đối với các mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu.

Những động thái này chiếm vị trí nổi bật trong chương trình nghị sự của WTO, một diễn đàn thương mại đa phương dựa trên các quy tắc, trái ngược với cách tiếp cận chủ nghĩa dân tộc của ông Trump trong đó nhấn mạnh các mối quan hệ giữa các nước.

WTO ra đời ngày 1/1/1995 với tư cách tổ chức kế thừa Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT). Sứ mệnh của WTO là tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại tự do và công bằng. WTO đã thực hiện nhiệm vụ này bằng cách thiết lập các quy tắc, giải quyết các tranh chấp và đưa các nước ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết những bất đồng.

WTO được vận hành bởi các chính phủ của 164 thành viên thông qua các cuộc họp cấp bộ trưởng ít nhất hai năm một lần, và bởi các đại sứ và đại diện của các phái đoàn thành viên tại trụ sở của tổ chức này ở Geneva. Các nước tham gia cam kết trên nguyên tắc áp dụng mức thuế thấp nhất đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước thành viên khác, được gọi là nguyên tắc ứng xử tối huệ quốc.

Tư cách thành viên của WTO là một yếu tố giúp Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng đối với kinh tế toàn cầu kể từ khi nước này gia nhập WTO năm 2001. Các thành viên bị cấm phân biệt đối xử với nhau trong các hoạt động trao đổi thương mại giữa họ, có nghĩa là hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc được bảo vệ trước các động thái bảo hộ mậu dịch từ các nước khác. Đó là một yếu tố then chốt trong sự bùng nổ xuất khẩu của Trung Quốc.

Trước đây, Trung Quốc đã từng thắng trong vụ kiện giải quyết tranh chấp với Mỹ tại WTO khi phản đối thành công những hạn chế đối với thép nhập khẩu do Tổng thống George W. Bush áp đặt năm 2003. Trong khi Trung Quốc lợi dụng sự bảo vệ của WTO đối với hàng hóa xuất khẩu của họ, họ đã bị chỉ trích vì không tuân thủ các quy tắc của WTO yêu cầu đăng ký tên thương mại cho sản phẩm và nhãn mác, cũng như vì trợ cấp cho các khu vực sản xuất trong nước được tuyển chọn.

Mỹ đang khiếu nại về các mức thuế mà Trung Quốc, EU và một số quốc gia khác áp đặt với Mỹ để trả đũa việc Washington áp thuế lên các mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu từ các nước này. Mỹ cho rằng các mức thuế của họ đối với sản phẩm nhôm và thép là công bằng song các nước khác không nghĩ như vậy.

Mỹ tuyên bố biểu thuế quan của họ được áp dụng dựa trên cơ sở an ninh quốc gia, rằng họ cần củng cố ngành sản xuất nhôm thép để đảm bảo nguồn cung cấp cho quân đội và cơ sở hạ tầng của Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc, EU và các nước khác lập luận rằng đó chỉ là một cái cớ. EU và Canada đặc biệt nhắc nhở Mỹ rằng họ là những đồng minh lâu năm của Mỹ và xuất khẩu của họ sang Mỹ không thể được coi là một mối đe dọa an ninh quốc gia.

Liệu Mỹ có rút lại các biện pháp thuế quan dưới sức ép của WTO? Theo các chuyên gia phân tích, câu trả lời là có, mặc dù có thể mất thời gian. Nếu một đối tác thương mại của Mỹ muốn tiến hành quá trình giải quyết tranh chấp của WTO, họ có thể đưa ra một "yêu cầu tham vấn", thủ tục cho phép các bên có 60 ngày để trao đổi.

Nếu không đạt được thỏa thuận, họ có thể yêu cầu một ủy ban tranh chấp đưa ra phán quyết về vấn đề thuế - thường mất khoảng 18 tháng. Ví dụ, một vụ tranh cấp giữa Airbus và Boeing đã mất hơn một thập kỷ để đưa ra phán quyết cuối cùng.

Cuối cùng, các trọng tài trong quá trình giải quyết tranh chấp của WTO có thể phán quyết rằng Mỹ nên chấm dứt các mức thuế đó. Washington có thể từ chối thực hiện một phán quyết như vậy nhưng sau đó họ sẽ phải đối mặt với khả năng bị trừng phạt.

Ít nhất, Tổng thống Trump đang được lợi về thời gian. Có thể mất hàng tháng hoặc thậm chí hàng năm trước khi những tranh chấp được giải quyết thông qua các cơ quan của WTO hoặc được giải quyết giữa hai bên bên ngoài khuôn khổ WTO. Đôi khi, những tranh chấp hoàn toàn thất bại do các bên không còn muốn giải quyết chúng.

Bên cạnh đó, chính quyền Trump đã khiến cho thủ tục giải quyết tranh chấp của WTO phức tạp hơn. Washington đã cản trở việc bổ nhiệm các thành viên mới cho cơ quan phúc thẩm gồm 7 thành viên, nhưng hiện lúc này chỉ có 4 thành viên. Trên thực tế, điều đó làm trì hoãn việc đưa ra phán quyết về các vụ tranh chấp của cơ quan này.

Về phía Trung Quốc, WTO chỉ là một cách để đối phó. Trung Quốc có thể ngừng nhập khẩu hàng hóa của Mỹ để đáp trả lại các biện pháp thuế của chính quyền Trump nhưng cũng có thể trả đũa bằng các biện pháp khác. Họ có thể triển khai các biện pháp chống lại các công ty đa quốc gia của Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc như tẩy chay mua sản phẩm hay sử dụng dịch vụ của các công ty này. Chiến thuật đó đã được sử dụng trong các vụ tranh chấp với các nước châu Á khác.

Tuy nhiên, Bắc Kinh có lẽ bất đắc dĩ phải áp dùng cách đó bởi nhiều sản phẩm của các công ty đa quốc gia như General Motors và Apple bán ra thị trường được sản xuất tại Trung Quốc bởi lực lượng lao động bản địa.

Trung Quốc cũng có thể tìm cách hạ tỷ giá hối đoái đồng Nhân dân tệ (NDT) so với đồng USD. Điều đó cũng có thể phản tác dụng vì nó gây ra chảy máu ngoại tệ, và vì Trung Quốc không chỉ đơn thuần tìm kiếm lợi nhuận từ xuất khẩu giá rẻ mà còn muốn chuyển sang một nền kinh tế dựa vào nhu cầu trong nước và sản xuất hàng hóa cao cấp hơn.

Theo TTXVN

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến