Dòng sự kiện:
Cuộc đua tăng lãi suất và nguy cơ suy thoái của các nền kinh tế
20/09/2022 10:11:38
Theo JPMorgan Chase & Co., quý 3 hiện nay là quý chứng kiến các ngân hàng trung ương lớn tăng lãi suất mạnh nhất kể từ năm 1980 và mọi chuyện chưa dừng ở đó.

Đồng USD. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể chấp nhận việc kinh tế Mỹ suy thoái nếu đó là điều cần thiết để kiểm soát lạm phát.

Trong khi đó, các ngân hàng trung ương khác cũng đã sẵn sàng cho một “canh bạc” tương tự.

Quyết tâm kiểm soát giá cả của các ngân hàng trung ương

Chậm trễ trong việc nhìn nhận rằng lạm phát sẽ lên đến mức cao kỷ lục trong nhiều thập kỷ và cũng phản ứng chậm trước điều này, Fed và các ngân hàng trung ương khác trên toàn cầu đã cho thấy quyết tâm trong việc kiểm soát tình trạng giá cả tăng vọt, ngay cả khi phải trả giá bằng việc nền kinh tế tăng trưởng chậm hơn nữa và thậm chí là suy giảm.

Khoảng 90 ngân hàng trung ương đã nâng lãi suất trong năm nay và một nửa trong số đó nâng lãi suất ít nhất là 75 điểm cơ bản mỗi lần. Nhiều ngân hàng hơn một lần tăng lãi suất ở mức này, điều mà nhà kinh tế trưởng của Bank of America Corp. (BofA), Ethan Harris, cho là sự cạnh tranh về tốc độ tăng lãi suất.

Kết quả là tình trạng thắt chặt chính sách tiền tệ diễn ra trên diện rộng nhất trong 15 năm, một sự đảo chiều mạnh mẽ sau kỷ nguyên lãi suất thấp khởi nguồn từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, giai đoạn bình thường mới theo cách đánh giá của nhiều nhà kinh tế và đầu tư. Theo JPMorgan Chase & Co., quý 3 hiện nay là quý chứng kiến các ngân hàng trung ương lớn tăng lãi suất mạnh nhất kể từ năm 1980 và mọi chuyện chưa dừng ở đó.

Riêng trong tuần này, Fed đã sẵn sàng cho việc tăng lãi suất 75 điểm cơ bản lần thứ ba và có khả năng tăng 100 điểm cơ bản, sau khi lạm phát tại Mỹ một lần nữa vượt mức 8% trong tháng Tám. Ngân hàng trung ương Anh (BoE) được cho là sẽ tăng lãi suất 50 điểm cơ bản và các ngân hàng trung ương Indonesia, Na Uy, Philippines, Thụy Điển và Thụy Sỹ cùng các ngân hàng khác cũng được dự báo tăng.

Các nhà hoạch định chính sách bắt đầu đề cập đến việc càng tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát thì rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế và việc làm càng lớn.

Chủ tịch Fed Jerome Powell tháng trước đã nói nỗ lực kiểm soát giá cả có thể khiến các gia đình và doanh nghiệp gặp những khó khăn. Thành viên Hội đồng điều hành Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Isabel Schnabel đã nói đến việc cần hy sinh về kinh tế để kiểm soát lạm phát. BoE nhận định kinh tế Anh sẽ rơi vào suy thoái vào cuối năm và có thể kéo dài đến năm 2024.

Rõ ràng là “liều thuốc” tiền tệ cho lạm phát sẽ gây ra những nỗi đau. Vấn đề là ở mức độ nào. Các nhà phân tích tại BlackRock Inc. cho rằng việc đưa lạm phát về mức mục tiêu 2% mà Fed đặt ra có nghĩa nền kinh tế sẽ suy thoái sâu và thêm 3 triệu người mất việc làm, và việc đạt mục tiêu của ECB sẽ khiến nền kinh tế thậm chí suy giảm mạnh hơn.

Gây thêm sự không chắc chắn là độ trễ của tác động từ việc lãi suất tăng đến nền kinh tế, ngoài việc lạm phát cao hiện nay chủ yếu do các cú sốc nguồn cung năng lượng và các hàng hóa khác vốn nằm ngoài kiểm soát của các ngân hàng trung ương.

Bà Anna Wong, nhà kinh tế trưởng tại Mỹ của Bloomberg Economics, ước tính Fed cuối cùng sẽ phải nâng lãi suất lên 5%, gấp đôi so với mức hiện nay, điều có thể khiến nền kinh tế mất 3,5 triệu việc làm và khiến các thị trường vốn chao đảo thêm biến động.

Và nguy cơ suy thoái kinh tế

Một dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư chuẩn bị cho khả năng kinh tế Mỹ suy thoái là khoảng cách giữa lợi suất trái phiếu ngắn hạn và lợi suất trái phiếu dài hạn hơn ở mức lớn nhất trong thế kỷ này. Một số nhà giao dịch trái phiếu nhận định Fed sẽ phải nới lỏng chính sách trong giai đoạn cuối 2023. Trong khi đó, chỉ số tổng hợp S&P 500 đang đứng trước khả năng giảm theo năm mạnh nhất kể từ năm 2008.

Khảo sát của BofA đối với các nhà quản lý quỹ cho thấy các dự báo về tăng trưởng kinh tế của toàn cầu ở gần mức thấp kỷ lục. Một yếu tố gây lo ngại là hiệu quả của chính sách tiền tệ có độ trễ. Điều này trước hết sẽ ảnh hưởng đến các thị trường tài chính, sau đó là nền kinh tế và cuối cùng là lạm phát.

Các đồng tiền giấy và tiền xu euro tại Dortmund, miền Tây nước Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhà kinh tế Harris của BofA cho rằng cần thời gian để hạ nhiệt lạm phát. Ông dự báo kinh tế Anh và Khu vực sử dụng đồng euro sẽ rơi vào suy thoái trong quý 4 năm nay, khi giá năng lượng tăng mạnh gây thiệt hại cho các nền kinh tế trong mùa Đông và kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong năm tới.

Kinh tế Mỹ, và đặc biệt là thị trường việc làm, cho đến nay đã cho thấy sức chống đỡ đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng điều này đơn giản có nghĩa là Fed sẽ phải tăng mạnh lãi suất mạnh hơn nữa để làm giảm nhu cầu.

Các nhà hoạch định chính sách vẫn bày tỏ hy vọng có thể hạ nhiệt lạm phát mà hoàn toàn không làm giảm tốc tăng trưởng và có thể giảm tốc độ tăng lãi suất.

Điều đang làm phức tạp thêm những tính toán của các ngân hàng trung ương là lạm phát cao một phần do giá năng lượng tăng mạnh vốn nằm ngoài hoặc chỉ chịu sự kiểm soát nhỏ của các ngân hàng trung ương. Điều này đặc biệt đúng với châu Âu.

Tất cả các ngân hàng trung ương trên thế giới đều đang tăng lãi suất. Đây là điều mà nhà cựu kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Maurice Obstfeld, cho là sẽ gây nguy hiểm, khi chính sách tiền tệ của các ngân hàng sẽ tác động lẫn nhau cũng như ảnh hưởng đến giá trị các đồng tiền và “xuất khẩu lạm phát” ra nước ngoài.

Kể từ năm 1980, kinh tế toàn cầu tăng trưởng trung bình 3,4%. Ngay vào lúc này, việc thắt chặt chính sách tiền tệ gây thêm những trở ngại sau đại dịch COVID-19 và xung đột tại Ukraine, khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu đứng trước nguy cơ giảm xuống khoảng 1%./.

Tác giả: Lê Minh

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến